Tiền đầu cơ chảy vào mã khoáng sản

(ĐTCK) Những ngày gần đây, đà tăng liên tiếp của một số cổ phiếu ngành khoáng sản như: AMD, CMI, KHB, KSK… khiến sức nóng nhóm này ngày một lớn. Tuy nhiên, đâu là yếu tố hỗ trợ đà tăng?
Việc dòng tiền đổ vào cổ phiếu khoáng sản chủ yếu đến từ hiệu ứng thị trường Việc dòng tiền đổ vào cổ phiếu khoáng sản chủ yếu đến từ hiệu ứng thị trường

Tăng gần 70% sau 8 phiên giao dịch

Cổ phiếu AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group tính đến hết ngày 7/6/2017 đã có 8 phiên tăng trần, đưa giá cổ phiếu này từ mức 13.800 đồng/cổ phiếu lên 23.450 đồng/cổ phiếu.

AMD tiếp tục tăng trần lên 25.050 đồng trong phiên 8/6, nhưng dấu hiệu đi lên của AMD bắt đầu có dấu hiệu dừng lại khi về cuối phiên 8/6, lực cung gia tăng mạnh, đẩy mã này về mức sàn 21.850 đồng. Tuy nhiên, trong 9 phiên vừa qua, mã này cũng đã có mức tăng gần 60%.

Vậy điều gì tạo nên đà tăng rất mạnh này? Cú hích trực tiếp nhất có lẽ là thông tin FLC Faros (mã ROS) thông qua kế hoạch mua vào gần 25% vốn điều lệ của AMD. ROS là cổ phiếu đã trở thành “hiện tượng” của thị trường trong thời gian qua, nên việc AMD gắn với cái tên này đã mang lại hiệu ứng khá tốt về giá.

Các doanh nghiệp ngành khoáng sản sẽ khó có kết quả kinh doanh đột biến. Và vì thế, việc dòng tiền đổ vào cổ phiếu nhóm này đến từ hiệu ứng thị trường nhiều hơn. Như vậy, nguy cơ giảm giá là có thể            

Về cơ bản, quý I/2017, AMD hạch toán báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh giảm nhẹ so với các quý trước đó, chỉ đạt 3,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ trên báo cáo tài chính riêng và 7,2 tỷ đồng trên báo cáo hợp nhất, giảm tương ứng gần 67% và hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, điểm cộng cho AMD chính là việc sở hữu các mỏ đá đã đưa vào khai thác chính thức từ đầu năm 2017.

Với việc cạn nguồn mỏ đá ở khu vực phía Nam dẫn đến giá mỏ đá tăng cao và mỏ của AMD lại nằm sát đường liên huyện, chưa tính đến yếu tố chất lượng mỏ đá, AMD đang có cơ hội tăng trưởng tốt trong tương lai. Nhưng đó là câu chuyện ở thì tương lai. Trong ngắn hạn, dòng tiền đổ vào AMD có lẽ đến chủ yếu từ dòng đầu cơ, với thông tin hỗ trợ là FLC Faros dự kiến mua vào.

KHB tăng tốt sau thông tin họp Đại hội đồng cổ đông

Nếu phân tích kỹ báo cáo tài chính, cổ phiếu KHB của Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình được xếp vào nhóm… “nát bét”.

Hiệu quả kinh doanh èo uột nên bản thân hoạt động hiện thời của KHB không thể là yếu tố tạo nên đà tăng giá của đợt tăng từ ngày 25/5 đến ngày 7/6/2017, với mức tăng gần 53%. 

Đà tăng này bắt đầu vào đúng ngày Ban lãnh đạo KHB công bố thông tin về kế hoạch họp Đại hội đồng cổ đông thường niên sau khi đã bị hủy họp đột xuất vào giữa tháng 4/2017.

Nhận xét về việc này, nhiều cổ đông cho rằng, việc nối lại kế hoạch họp sẽ mở ra cơ hội nhóm cổ đông mới gia nhập Hội đồng quản trị, từ đó tạo điều kiện cho Công ty thu về các khoản phải thu, tạm ứng đang có.

“Chỉ cần thu khoảng 50% số này, giá cổ phiếu KHB sẽ bước sang trang khác”, một nhà đầu tư nhận xét. Nhưng, đó là kỳ vọng, còn thực tế, nhóm cổ đông mới có vào Hội đồng quản trị được hay không? Và khi nào có thể thu tiền lại cho Công ty (nếu có thể) vẫn là những câu hỏi.

Trong lúc đó, thị trường vẫn tiếp tục kỳ vọng và giúp cổ phiếu KHB tăng giá. Tuy nhiên, trong phiên hôm qua (8/6), KHB cũng đã quay đầu giảm sàn, về mức 2.400 đồng.

Cổ phiếu khoáng sản: Đà tăng giá phụ thuộc vào tiền đầu cơ

Từ năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp khai khoáng gặp khó, nên nhiều doanh nghiệp đã phải bán mỏ. Hiện tại, hoạt động các doanh nghiệp ngành khoáng sản đang chia làm 2 nhóm với hiệu quả hoạt động kinh doanh khác biệt.

Nhóm các doanh nghiệp khai thác khoáng sản luyện kim hầu hết gặp khó do vướng đầu ra sản phẩm và thuế cao. Với các doanh nghiệp sở hữu mỏ đá, mỏ đất…, việc kinh doanh lại phụ thuộc nhiều vào yếu tố địa lý.

Cụ thể, trong khi các mỏ đá khu vực phía Nam thời gian gần đây được các nhà đầu tư săn lùng do khan hiếm hàng, thì ở phía Bắc, nhiều doanh nghiệp dù sở hữu mỏ có trữ lượng lớn, chất lượng đá tốt, nhưng lại không dám khai thác do không thuận lợi về đường xá.

Có doanh nghiệp cho biết, mặc dù đã chi hơn 10 tỷ đồng cho mỏ, nhưng doanh nghiệp vẫn quyết định trả mỏ về cho cơ quan quản lý để tránh bị thua lỗ lớn hơn nếu muốn duy trì sở hữu.

“Với quy định mới về cấp phí khai thác mỏ, doanh nghiệp dù thực hiện khai thác hay chưa, vẫn phải nộp đầy đủ phí cấp mỏ. Nếu không nộp, trong một khoảng thời gian nhất định, mỏ sẽ bị thu hồi. Trong khi đó, có mỏ cách đường khoảng 15km, không có đường vào. Làm 15km đường để được khai thác sẽ đẩy chi phí lên khá cao, nên chúng tôi quyết định trả mỏ để cắt lỗ dự án”, chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, đơn vị hiện đang có 1 công ty con sở hữu 4 mỏ ở phía Bắc lý giải về thông tin xóa mảng khai khoáng khỏi hoạt động của công ty trong năm 2017.

Với thực trạng này, nhìn chung, các doanh nghiệp ngành khoáng sản sẽ khó có kết quả kinh doanh đột biến. Và vì thế, việc dòng tiền đổ vào cổ phiếu nhóm này đến từ hiệu ứng thị trường nhiều hơn.

Như vậy, nguy cơ giảm giá là có thể, trừ một vài trường hợp đặc biệt được hưởng lợi từ bức tranh chung của ngành (như sở hữu mỏ đá, cát ở khu vực phía Nam). 

Trúc Chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục