Tiền cổ tức doanh nghiệp có vốn Nhà nước tiếp tục đổ về ngân sách

Sau phương án trả cổ tức liền hai năm của BIDV, Bảo Việt cũng vừa quyết định trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 10%.

Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH) vừa phê duyệt kế hoạch chi trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 10%. Cổ tức được chi trả toàn bộ bằng tiền mặt vào ngày 10/12. Danh sách cổ đông nhận cổ tức sẽ được chốt vào ngày 18/11. Bộ Tài chính hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 68,84% vốn.

Bảo Việt ước tính phải chi 701 tỷ đồng, cổ đông Nhà nước sẽ nhận 482 tỷ đồng cổ tức.

Mới đây, một tổ chức do Nhà nước góp phần lớn vốn khác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng vừa công bố kế hoạch thanh toán cổ tức bao gồm cả năm 2018 và phần cổ tức năm 2017 chưa được chi trả. Tỷ lệ chi trả cổ tức mỗi năm là 7%. BIDV dự kiến chi 4.786 tỷ đồng để thanh toán cổ tức, trong đó cổ đông Nhà nước sẽ nhận về 4.560 tỷ đồng.  

Như vậy, trong tháng 11, chỉ riêng hai tổ chức có vốn nhà nước này đã đóng góp về ngân sách Nhà nước 5.042 tỷ đồng.

Đợt phát hành cổ phiếu của BIDV tới đây là một trường hợp khá đặc biệt khi ngân hàng vừa hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài KEB Hana Bank. Dù nhà đầu tư Hàn Quốc này là cổ đông sở hữu 15% vốn, quyết định chi trả cổ tức đã đưa ra ngoại trừ do hai bên đã có thỏa thuận.

Sau tăng vốn, BIDV đã nâng vốn điều lệ từ 34.187 tỷ đồng lên hơn 40.220 tỷ đồng, Với giá phát hành 33.640 đồng/cổ phiếu, ngân hàng thu ròng hơn 20.268 tỷ đồng.

Trong khi BIDV đã hoàn tất phương án tăng vốn được đề ra nhiều năm nay, HĐQT Bảo Việt mới đây cũng  đã công bố kế hoạch chào bán riêng lẻ  41,4 triệu cổ phiếu trong quý IV. Nguồn vốn huy động được phân bổ gồm 2.500 tỷ đồng tăng vốn cho các đơn vị thành viên, 200 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và phần còn lại bổ sung vốn lưu động. Đối tượng chào bán là các nhà đầu tư tổ chức, có thể bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của Bảo Việt.

Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nhà nước sẽ giảm đáng kể sau các thương vụ tăng vốn này. Tại BIDV, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm phần vốn nắm giữ từ 95,28% xuống gần 81%. Trong trường hợp Bảo Việt phát hành thành công nâng vốn điều lệ lên 7.422 tỷ đồng, Bộ Tài chính sẽ chỉ còn giữ 68%, thay vì mức 72% hiện tại.

Vào tháng 10, tiền cổ tức ước tính cũng đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước nhờ hai doanh nghiệp lớn ngành bia gồm Sabeco và Habeco.Sabeco trả cổ tức bổ sung năm 2018 với tỷ lệ chi trả 15% bằng tiền mặt, còn Habeco thanh toán cổ tức bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước với tỷ lệ khủng 75,57%. Tổng số tiền mà Bộ Công Thương nhận được là 1.780 tỷ đồng.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục