Theo đó, nếu Vietnam Airlines (VNA) thành lập công ty con do VNA nắm giữ cổ phần chi phối hoặc 51% tại nước ngoài thì DN mới thành lập sẽ được xác định là loại hình DN nào, chịu quy định ra sao bởi các luật?
Thực tế, không riêng trường hợp của VNA đặt ra câu hỏi hóc búa này mà đa phần các DN thuộc khu vực nhà nước lâu nay vẫn loay hoay trước những vấn đề tương tự.
Việc chưa có sự thống nhất và rõ ràng về định nghĩa DNNN, cũng như quy định cơ cấu tỷ lệ sở hữu vốn đã dẫn tới những tác động trái chiều trong cách thức ứng xử đối với DN, khiến bản thân DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và pháp lý.
Ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nay, còn những điểm chưa rõ ràng trong khái niệm DNNN. Ví dụ khái niệm quy định DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhưng cho đến nay pháp luật hiện hành chưa có khái niệm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Hay trường hợp công ty con có sở hữu 100% vốn của công ty mẹ mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Khái niệm này thực tế mâu thuẫn với quy định tại Luật 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN, vì luật này không quy định DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm nhóm công ty này.
Ngoài ra, cũng theo ông Khoa, một vấn đề khá rắc rối hiện nay là xác định vốn chủ hữu do nhà nước nắm giữ tại các công ty con. Luật 69 quy định vốn nhà nước tại DN bao gồm vốn khác được nhà nước đầu tư tại DN.
“Vậy vấn đề đặt ra là vốn của các công ty do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại các công ty con có được coi là vốn được nhà nước đầu tư tại DN không?”, ông Khoa đặt câu hỏi và cho rằng, nếu có thì các công ty này phải tuân thủ quy định tại một loạt các luật như Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN, Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư phát triển của DNNN, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước.
Quay trở lại với trường hợp thành lập công ty con tại nước ngoài của VNA, đại diện DN này cho rằng, việc chưa thực sự có khái niệm thống nhất về DNNN sẽ khiến Tập đoàn rất khó khăn trong xác định loại hình DN, cũng như hoạt động thực tế. Bởi dù có sửa khái niệm DNNN trong Luật Doanh nghiệp thì vẫn còn quy định tại rất nhiều luật khác và vấn đề không được giải quyết tận gốc.
Nhìn từ góc độ khác, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, các định nghĩa khác nhau ở các văn bản luật dẫn đến nhiều cách hiểu, áp dụng giữa doanh nghiệp, đối tác và cơ quan quản lý nhà nước, từ đó tạo nên những bất cập trong hoạt động của DN loại hình này.
“Mặc dù Nghị định 91/2015 đã định nghĩa lại một cách khái quát và chính xác nhất về bản chất sở hữu và tài chính DN, nhưng vẫn có độ chênh so với với các văn bản luật khác cao hơn như Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN… Một số cơ quan chức năng sử dụng các định nghĩa cũ với nội hàm khác hẳn dẫn đến áp dụng sai trình tự, thủ tục pháp lý, vốn tài sản nhà nước trong đánh giá hiệu quả hoạt động của DN”, đại diện Petrolimex chỉ rõ.
Bên cạnh đó, các quy định hiện nay chưa cụ thể hóa được chủ trương nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân không thể hoặc không muốn làm. “Cụ thể là những lĩnh vực nào, tỷ lệ đầu tư ra sao, tiêu chí cách thức nào để đánh giá hiệu quả đầu tư?”, đại diện Petrolimex nêu vấn đề.
Chưa kể, sự thiếu thống nhất trong các quy định về khái niệm và tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại DN cũng dẫn tới nhiều vướng mắc và hệ lụy trong cổ phần hóa, gây khó khăn trong việc tính đúng, tính đủ và sát giá thị trường khi định giá DNNN. Vì vậy, những bất cập này cần được khắc phục triệt để, thống nhất các định nghĩa, khái niệm về DNNN, cũng như tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước trong DN để tháo bỏ những vướng mắc cho DN.