Tái cơ cấu chưa đạt về chất
Tại Hội thảo “Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Thực hiện 2011 - 2020 và kiến nghị quan điểm, phương hướng đến năm 2030” vừa diễn ra, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét, dù có nỗ lực hoàn thành về mặt tiến độ và số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn đến năm 2020, nhiều mục tiêu quan trọng vẫn khó có thể hoàn thành.
Kết quả sơ kết 3 năm đầu thực hiện kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 do CIEM thực hiện cho thấy, cả nước đã cổ phần hóa 156 doanh nghiệp, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 212.304 tỷ đồng, gấp 2,71 lần tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011 - 2015. Số doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong từng năm 2016, 2017 và 2018 chủ yếu là doanh nghiệp thuộc danh sách cổ phần hóa của các năm trước để lại. Giai đoạn 2017 - 2018 vẫn còn 77 doanh nghiệp chưa được phê duyệt phương án cổ phần hóa, chiếm 71%.
“Gần hết giai đoạn tái cơ cấu, doanh nghiệp nhà nước giảm nhiều về số lượng, nhưng trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng lại có xu hướng mạnh lên, quy mô vốn tăng. Đại bộ phận doanh nghiệp nhà nước có quy mô vừa và lớn. Điều này cho thấy kết quả thực hiện chưa đạt mục tiêu “doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn” do vẫn duy trì vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước có cổ phần, đặc biệt là chưa giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống mức sàn quy định và thu hút đầu tư xã hội tham gia vào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước”, ông Trung nói.
Số liệu được ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đưa ra, tại thời điểm năm 1980, Việt Nam có 12.000 doanh nghiệp nhà nước. Qua sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, đến nay chỉ còn khoảng 500 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh và chỉ còn hiện diện tại 11 ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội và quốc phòng an ninh.
Tuy vậy, 70 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước hiện vẫn là bộ phận quan trọng nhất của kinh tế nhà nước, đóng góp 27 - 28% GDP, 24% tổng cân đối thu ngân sách, đồng thời giữ nhiều nguồn lực quan trọng như 79% ngành khai khoáng, 91% ngành điện, 80% ngành thông tin truyền thông, 57% ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, phải thận trọng với việc đưa các tập đoàn kinh tế nhà nước trở thành công cụ dẫn dắt, chi phối, điều tiết nền kinh tế.
Chuyên gia này cho rằng, đầu tư của nhà nước là cần thiết, nhưng việc đầu tư lớn, dồn nguồn lực vào một số ít tập đoàn kinh tế có thể tạo rủi ro, gây hậu quả nghiêm trọng khi không thành công hoặc thiếu cơ chế giám sát hiệu quả, tạo sức ỳ bởi doanh nghiệp nhà nước dễ dàng tiếp cận nguồn lực tài chính và lợi thế
chính sách.
Đặt cơ chế thị trường với DNNN
Ông Cung nhấn mạnh, cạnh tranh, cơ chế thị trường là nền tảng cho các tập đoàn kinh tế phát triển. Ông dẫn ví dụ điển hình là việc hình thành thị trường trong lĩnh vực viễn thông, từ chỗ độc quyền thay đổi sang thị trường cạnh tranh, nhờ có cạnh tranh mà dịch vụ tốt hơn, giá cả rẻ hơn.
“Không chỉ cạnh tranh trong nước, các tập đoàn kinh tế phải cạnh tranh với các ông lớn trên thị trường nước ngoài, hướng đến mục tiêu tăng dần thị phần. Có như vậy mới chứng tỏ năng lực của doanh nghiệp”, ông Cung nói.
Chuyên gia này khuyến nghị áp đặt cơ chế thị trường, trước hết là vấn đề quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, áp dụng công cụ quản trị và giám sát tập đoàn kinh tế theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tái cơ cấu toàn diện, đa dạng hóa sở hữu tập đoàn kinh tế nhà nước; chuyên nghiệp hóa cán bộ quản lý (bao gồm cả bộ máy cơ quan chủ sở hữu và cán bộ điều hành tại doanh nghiệp).
Có như vậy mới hy vọng xây dựng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước mạnh, hoạt động hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực then chốt, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện CIEM đang hoàn thành báo cáo “Đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước vai trò của kinh tế nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020, quan điểm, phương hướng của giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch 2021 - 2025”.
Theo TS. Trần Tiến Cường, chuyên gia kinh tế, sự trì trệ, thiếu động lực, thiếu công cụ, sức ép có hiệu lực đối với cơ cấu lại đang diễn ra tại doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là cơ cấu lại quản trị công ty tại các doanh nghiệp nhà nước. Việc doanh nghiệp chưa áp dụng các thông lệ quản trị doanh nghiệp hiện đại ảnh hưởng đến sự nhanh nhạy, năng động, linh hoạt, minh bạch, trách nhiệm giải trình của bộ máy quản lý trước chủ sở hữu và các bên có liên quan.
Bên cạnh đó, diễn ra tình trạng cồng kềnh, cắt khúc, hành chính hóa thực hiện chức năng chủ sở hữu; thiếu cơ sở và nguồn lực thông tin, dữ liệu toàn diện, thống nhất và tin cậy; năng lực phân tích, khả năng phối hợp và thống nhất thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu còn rất thiếu và yếu, không phù hợp với vai trò của chủ sở hữu.
Một trong những mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2030 mà CIEM đang lấy ý kiến cho dự thảo liên quan đến tính thị trường của khu vực doanh nghiệp nhà nước là hoàn thành việc tách hoàn toàn đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước ra khỏi chế độ công chức, viên chức chức nhà nước, thực hiện chế độ lương theo thị trường, hợp đồng lao động với tất cả các chức danh điều hành doanh nghiệp nhà nước; thống nhất pháp luật về kinh doanh, doanh nghiệp, cạnh tranh…