Trong phần kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai, cơ quan kiểm toán ghi rõ: “Diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước được giao rất lớn, song chưa được bản thân doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ; nhiều diện tích đất chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa được ký hợp đồng thuê đất hoặc có đầy đủ hồ sơ pháp lý; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước; tính tiền sử dụng đất phải nộp của dự án bất động sản chưa đúng quy định”.
Nhiều cái tên được nhắc đến.
Trong số diện tích đất chưa sử dụng, Tổng công ty Khánh Việt có 286 ha; PVFCCo có 24,39 ha; Tổng công ty Cấp nước Sài gòn (Sawaco) có 18,92 ha; VNPT có 7,01 ha; VNPost có 1,92 ha... Trong phần đất sử dụng chưa hiệu quả, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) có 37 địa chỉ nhà đất kinh doanh trống, chưa cho thuê; Becamex có 1.370,35 ha đất thương phẩm chưa cho thuê; Viglacera có 353,7 ha đã giải phóng xong mặt bằng nhưng chưa cho thuê được... Trong số diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) có 140,08 ha; Sawaco có 3,57 ha...
Thậm chí, trong phần báo cáo chuyên đề liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hóa DNNN thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP. Hà Nội giai đoạn 2013 - 2017, cơ quan kiểm toán phát hiện hầu hết doanh nghiệp cổ phần hóa chưa xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp. UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc bổ sung mục đích sử dụng đất không đúng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa...
Phải nhắc lại, doanh nghiệp nhà nước và khối tài sản nhà nước giao đầu tư cho sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đang là nguồn lực lớn của nền kinh tế.
Đặc biệt, với những lợi thế đặc thù, doanh nghiệp nhà nước thường được nắm giữ nhiều tài sản và nguồn lực đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế như hệ thống hạ tầng, kho bãi, mạng truyền tải điện, mạng viễn thông, hệ thống cung cấp xăng dầu, mạng lưới các cơ sở cung cấp tài chính, tín dụng… giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước hiện có giá trị thực tế lớn hơn rất nhiều xét trên góc nhìn của của các nhà đầu tư và đánh giá của thị trường.
Quá trình cổ phần hóa nhiều năm qua cho thấy, giá trị thực tế của phần lớn doanh nghiệp nhà nước sau khi đánh giá lại theo giá thị trường thường lớn hơn nhiều lần giá trị sổ sách báo cáo.
Nếu khối tài sản này, trong đó có đất đai - dù chỉ là một phần, không được sử dụng hiệu quả, sẽ gây lãng phí cho không phải một vài doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) từng tính toán, nếu xét trong quan hệ giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và tiềm năng tăng trưởng kinh tế, với quy mô tài sản hiện tại là 3,05 triệu tỷ đồng, chỉ cần tăng hiệu quả sử dụng tài sản thêm 1%, thì GDP của nền kinh tế có khả năng tăng thêm 0,8% đến 0,9%.
Xét ở góc độ kinh tế, những tồn tại trong quản lý và sử dụng đất của khu vực doanh nghiệp nhà nước đang làm nền kinh tế mất đi một phần động lực trực tiếp của tăng trưởng.
Không những thế, những yếu kém trong quản lý, sử dụng tài sản sở hữu toàn dân đầu tư tại doanh nghiệp ảnh hưởng xấu đến việc đảm bảo vai trò của kinh tế nhà nước.
Đây cũng là lý do khiến nỗ lực cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chưa tác động tích cực đến tái cơ cấu nền kinh tế, mà chủ yếu tập trung vào thoái vốn, cổ phần hóa.
Nhìn ở góc độ chi phí cơ hội, những tồn tại trong doanh nghiệp nhà nước có thể đã và đang làm suy mòn năng lực phát triển, của cải và thịnh vượng quốc gia, ảnh hưởng đến cơ hội của những doanh nghiệp khác…
Thậm chí, phân tích sâu hơn, những bất cập, không rõ ràng về trách nhiệm quản lý đang khiến tài sản nhà nước rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, tạo cơ hội cho các mối quan hệ lợi ích, trục lợi tại doanh nghiệp, nhất là trong mua sắm tài sản, định giá và thâu tóm cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Trong khi đó, lợi ích cục bộ của các cá nhân, cơ quan, tổ chức được giao quản lý doanh nghiệp nhà nước là quá lớn, đã gây ra tâm lý không muốn thay đổi và không có động lực để thay đổi một cách thực chất.
Không thể để tình trạng này kéo hơn nữa.