Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tốc độ “rùa bò“

(ĐTCK) Cuối tuần này, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera thu về 1.587 tỷ đồng, dù vẫn ế cổ phần. Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera thu về 1.587 tỷ đồng, dù vẫn ế cổ phần.

Bởi vậy, một trong những nội dung được quan tâm hiện nay là việc thực hiện tái cơ cấu DNNN theo các kế hoạch đã được phê duyệt đang diễn ra như thế nào.

Số liệu từ Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho thấy, việc triển khai các kế hoạch vô cùng ì ạch.

Cụ thể, theo Công văn số 991/TTg-ÐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020 cổ phần hóa 127 doanh nghiệp. Trong đó, năm 2017 cổ phần hóa 44 doanh nghiệp; năm 2018 cổ phần hóa 64 doanh nghiệp; năm 2019 cổ phần hóa 18 doanh nghiệp; năm 2020 cổ phần hóa 1 doanh nghiệp.

4 tháng đầu năm nay, có 2 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 295 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 276 tỷ đồng, tuy nhiên cả 2 doanh nghiệp này đều không thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ÐMDN.

Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 4/2019, đã có 161 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.571 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 161 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 30 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ÐMDN. Số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa còn lại là 97 doanh nghiệp, chiếm 76% kế hoạch đề ra.

Thoái vốn cũng ì ạch không kém. Theo Quyết định số 1232/QQD-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong đó, năm 2017 , 2018 và 2019 lần lượt thoái vốn tại 135, 181 và 62 doanh nghiệp. Năm 2020 thực hiện thoái vốn tại 28 doanh nhiệp.

4 tháng đầu năm, có 9 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QÐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 4.657 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera thu về 1.587 tỷ đồng, dù vẫn ế cổ phần.

Các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn với tổng giá trị 7 tỷ đồng, thu về 5,8 tỷ đồng (trong đó có thoái vốn dưới mệnh giá tại Công ty Xây dựng số 8 - Thăng Long).

Lũy kế từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến nay, chỉ có 87 đơn vị thoái vốn theo kế hoạch với tổng giá trị thoái khoảng 4.549 tỷ đồng, bằng 7,5% theo kế hoạch.

Việc phê duyệt Ðề án cơ cấu lại của các DNNN giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 707/QÐ-TTg cũng không mấy tích cực.

Từ khi ban hành Quyết định số 707/QÐ-TTg  ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, mới có 35 DNNN (35/526 DNNN) và 32 doanh nghiệp thuộc 2 Tập đoàn (EVN, TKV) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của 7 tập đoàn, tổng công ty.

Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp nhận xét, việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN đề ra theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tái cơ cấu DNNN chậm, đòi hỏi phải có giải pháp quản trị, giám sát chặt chẽ để nguồn lực từ khu vực này được sử dụng hiệu quả hơn. Theo ông Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, dù đã giảm quy mô nhưng khu vực DNNN vẫn nắm giữ các nguồn lực khổng lồ của cả nền kinh tế. Chỉ cần “đẩy” khu vực này tăng trưởng 1%, tăng trưởng GDP của cả nước sẽ tăng tương ứng.

Dữ liệu từ Bộ Tài chính đã chứng minh tính thực tế của quan điểm trên. Ðến năm 2018, cả nước có khoảng 490 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (DNNN) trong đó có 6 tập đoàn kinh tế, 55 tổng công ty nhà nước và 9 công ty TNHH 1 thành viên hoạt động theo mô hình mẹ-con.

Tổng vốn chủ sở hữu tại các DNNN đến thời điểm đầu năm 2018 là 1.371,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2016. Tổng tài sản đạt 3.015 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 1.605 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 167,5 nghìn tỷ đồng. DNNN vẫn duy trì đóng góp khoảng 26% - 28% tăng trưởng kinh tế (GDP), là nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước, chiếm 24,82% tổng cân đối thu ngân sách nhà nước 2016.

Ông Cung cho rằng, nếu tính cả quy mô vốn nhà nước trong các công ty cổ phần (hiện chưa có dữ liệu tổng hợp), phải coi khu vực kinh tế nhà nước vẫn là một trọng tâm lớn cần thúc đẩy.

Phương Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục