Xu hướng ngày càng mạnh mẽ
Xu hướng đầu tư ESG (Environmental, Social and Governance - Môi trường, Xã hội và Quản trị) đang phát triển rất mạnh mẽ trên thị trường tài chính toàn cầu.
Theo báo cáo của Tập đoàn PwC toàn cầu, tổng tài sản của các quỹ ESG đã tăng lên hơn 18.400 tỷ USD vào cuối năm 2021, chiếm 14,4% tổng quy mô tài sản của tất cả các quỹ đầu tư và dự kiến sẽ đạt gần 34.000 tỷ USD vào năm 2026.
Tốc độ tăng trưởng này vượt xa mức tăng trưởng của thị trường quỹ đầu tư truyền thống. Trong quý I/2023, thống kê của Morningstar cho thấy, 43 USD trong mỗi 100 USD tiền mới rót vào các quỹ đầu tư tại châu Âu đã chảy vào các quỹ ESG chuyên biệt hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Điều này cho thấy sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư đến các quỹ ESG, đặc biệt là ở châu Âu, nơi mà nhận thức về các vấn đề môi trường và xã hội đã được nâng cao rất nhiều.
Theo một nghiên cứu gần đây của Morgan Stanley, 84% các nhà đầu tư tổ chức hiện đang áp dụng các chiến lược ESG trong quá trình đầu tư của mình. Tại châu Á, Trung Quốc là một trong những nước đang dẫn đầu xu hướng này, với các quy định và chính sách ngày càng khắt khe hơn về bảo vệ môi trường và xã hội.
Các quỹ ESG tại thị trường Trung Quốc đã tăng trưởng vượt bậc về tổng tài sản, từ 1.700 tỷ USD năm 2020 lên 3.000 tỷ USD vào năm 2022. Những con số này cho thấy đầu tư ESG không chỉ là một hiện tượng nhất thời mà đã trở thành xu hướng tất yếu của thị trường tài chính toàn cầu.
Sự phát triển của các sản phẩm ESG mới như các quỹ đầu tư ESG, trái phiếu xanh và các công cụ tài chính xanh đang thu hút nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư toàn cầu. Các cơ quan quản lý đã và đang phát triển khung pháp lý và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ và đảm bảo sự minh bạch cho sự phát triển của thị trường đầu tư ESG.
Tại Việt Nam, xu hướng đầu tư ESG bắt đầu phát triển. Nhận thức về tăng trưởng xanh và ESG trong các doanh nghiệp niêm yết đã tăng đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc chủ động tích hợp ESG tại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối hạn chế. Theo báo cáo của PwC, chỉ có 35% doanh nghiệp niêm yết đã lập kế hoạch và cam kết ESG; 58% đang ở giai đoạn lập kế hoạch cho 2 - 4 năm tới.
Thị trường vốn xanh tại Việt Nam còn non trẻ nhưng đã có những bước tiến rõ rệt. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng giá trị trái phiếu xanh phát hành đến cuối năm 2023 đạt 1 tỷ USD, tương đương 2% tổng lượng trái phiếu đang lưu hành và dự kiến sẽ tăng lên trong thời gian tới. Quy mô và tỷ trọng vốn tín dụng dành cho lĩnh vực kinh tế xanh đã tăng trưởng đáng kể qua các năm.
|
Diễn biến chỉ số VNSI từ khi đi vào vận hành đến nay |
Còn theo Ngân hàng Nhà nước, nếu như năm 2018, tỷ trọng vốn tín dụng xanh chỉ chiếm 3,33% tổng tín dụng của nền kinh tế thì đến năm 2022, con số này đã tăng lên 4,2%, với quy mô hơn 528.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, nhà đầu tư vào các sản phẩm tài chính xanh.
Tại Eastspring Investments Việt Nam, chúng tôi cam kết đầu tư có trách nhiệm và áp dụng quy trình tích hợp đánh giá các rủi ro và cơ hội ESG vào quy trình ra quyết định đầu tư cho các danh mục đầu tư từ năm 2018.
Chúng tôi đã phát triển Quỹ Đầu tư cổ phiếu ESG Eastspring Investments Việt Nam (EVESG) - một quỹ mở chuyên đầu tư vào các công ty có triển vọng tăng trưởng bền vững, với mô hình kinh doanh phù hợp và có nỗ lực cải thiện các vấn đề liên quan đến ESG. Hiện Quỹ có quy mô tài sản hơn 1.400 tỷ đồng.
Đầu tư bền vững, lợi nhuận vững bền
Từ tháng 7/2017, chỉ số VNSI – bộ chỉ số bao gồm 20 công ty niêm yết có điểm số phát triển bền vững cao nhất trong nhóm 100 công ty niêm yết có vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE - ra đời.
Chỉ số VNSI hướng tới thúc đẩy việc tích hợp tính bền vững vào chiến lược kinh doanh và hoạt động của các công ty, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư và khuyến khích sự phát triển của đầu tư cổ phiếu hướng tới bền vững và có trách nhiệm tại Việt Nam.
Dù số lượng công ty trong chỉ số này còn tương đối nhỏ, việc có các doanh nghiệp được định giá cao cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư vào các công ty này.
Nhìn chung, các công ty trong VNSI thường có các chính sách rõ ràng và hiệu quả về môi trường và xã hội, có quản trị công ty tốt, minh bạch thông tin và có trách nhiệm với khách hàng và nhà đầu tư, tạo nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng dài hạn.
Các công ty trong VNSI trải qua quá trình đánh giá khắt khe về các tiêu chí ESG, do đó, các nhà đầu tư có thể yên tâm hơn về tính bền vững và khả năng chống chịu của các công ty này trước các rủi ro ESG.
Từ khi chỉ số VNSI được thành lập vào tháng 7/2017, đến cuối tháng 11/2024, chỉ số này đã tăng trung bình 12,9% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trung bình mỗi năm 9,0% của chỉ số VN-Index và 10% của chỉ số VN30 trong cùng thời gian. Điều này cho thấy các công ty thực hiện tốt các tiêu chí ESG có thể mang lại lợi nhuận đầu tư cao hơn và bền vững hơn so với các công ty khác.
Việc đầu tư vào các công ty thực hành tốt ESG, hướng tới phát triển bền vững không chỉ giúp bảo vệ môi trường, tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng, mà còn mang lại hiệu quả đầu tư bền vững trong dài hạn.
Các nhà đầu tư ngày càng đánh giá cao các tiêu chí ESG và coi đó là yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư của họ. Việc các công ty chú trọng đến các yếu tố ESG không chỉ giúp họ quản lý rủi ro tốt hơn mà còn tăng cường uy tín và vị thế trên thị trường, mang lại niềm tin của các nhà đầu tư.
Theo nghiên cứu của MSCI, các công ty có điểm ESG cao thường có hiệu suất tài chính tốt hơn, với mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với các công ty không chú trọng đến ESG. Điều này khẳng định rằng, chú trọng vào thực hành tốt ESG không chỉ là xu hướng, mà còn là chiến lược kinh doanh hiệu quả và bền vững của công ty.