“Nút thắt” đầu tư của các quỹ ESG

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các sản phẩm đầu tư có tích hợp việc đánh giá ESG vào quy trình đầu tư tại Việt Nam còn khá hạn chế. Tuy nhiên, sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với các sản phẩm này đang gia tăng.
Việt Nam đang thiếu các tiêu chuẩn ESG cản trở dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này Việt Nam đang thiếu các tiêu chuẩn ESG cản trở dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này

Nhà đầu tư gia tăng khẩu vị

Đầu tư ESG là quá trình đánh giá tiềm năng của các doanh nghiệp, dựa trên chỉ số ESG. ESG viết tắt của Environmental - Môi trường, Social - Xã hội, Governance - Quản trị doanh nghiệp, là một thước đo kết hợp cả ba khía cạnh này.

Theo PwC, ước tính tới năm 2026, tổng tài sản các quỹ ESG toàn cầu chiếm 21,5% tổng tài sản đầu tư, đạt 33.900 tỷ USD, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 12,9%, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,3% của thị trường quỹ đầu tư nói chung.

Tại thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, nhận thức về đầu tư bền vững không ngừng cải thiện trong những năm gần đây, gắn liền với cam kết mạnh mẽ từ các chính phủ để thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế cao, ổn định. Theo đó, khẩu vị của nhà đầu tư đối với đầu tư ESG cũng gia tăng.

Tại Việt Nam, từ năm 2017, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã chính thức giới thiệu chỉ số phát triển bền vững Việt Nam (Substainability Index - VNSI) nhằm chọn ra 20 doanh nghiệp có thực thành ESG tốt nhất. Chỉ số này cho thấy hiệu quả đầu tư của các mã cổ phiếu bền vững, thu hút quỹ đầu tư tổ chức quốc tế hoạt động theo nguyên tắc đầu tư ESG, đồng thời tạo ra công cụ tham khảo hoặc để làm tài sản cơ sở cho các sản phẩm đầu tư như ETF (Exchange Traded Fund - quỹ hoán đổi danh mục) và phái sinh chỉ số trong tương lai. Tuy nhiên, đến nay, chưa có các quỹ đầu tư “bám theo” chỉ số VNSI và có hoạt động chuyên biệt về đầu tư ESG.

Tới tháng 11/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận thành lập quỹ mở cho Quỹ đầu tư cổ phiếu United ESG Việt Nam (Quỹ UVEEF) cho Công ty cổ phần Quản lý quỹ UBO Asset Management (Việt Nam). Đây là quỹ mở đầu tiên trên thị trường tài chính Việt Nam áp dụng việc đánh giá chuẩn mực ESG song song với những tiêu chuẩn phân tích nền tảng cơ bản thông thường để lựa chọn cổ phiếu đầu tư. Đến nay, đây cũng là số ít quỹ tập trung vào yếu tố ESG trên thị trường.

Ông Trương Minh Hùng, Giám đốc Bộ phận ESG của UOB Asset Management (UOBAM) Việt Nam, đơn vị quản lý Quỹ UVEEF cho biết, các sản phẩm đầu tư có tích hợp việc đánh giá ESG vào quy trình đầu tư tại Việt Nam còn khá hạn chế. Tuy nhiên, sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là giới trẻ đối với các sản phẩm đầu tư đang gia tăng.

Danh mục đầu tư của UVEEF chú trọng vào cổ phiếu của các công ty áp dụng các tiêu chuẩn thực hành ESG cao theo đánh giá xếp hạng của Quỹ, đồng thời có các yếu tố nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tốt. Trong năm 2023, hiệu suất đầu tư của Quỹ UVEEF đạt mức khá tốt so với thị trường. Giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ tăng trưởng 17,7%, cao hơn 5,5% so với chỉ số VN-Index.

“Đến cuối năm 2023, tổng giá trị dòng tiền ròng vào Quỹ đạt tới 140% so với giá trị NAV thời điểm cuối năm 2022”, ông Hùng cho biết.

Việc quỹ đầu tư ESG đạt hiệu suất khả quan trong một năm thị trường có nhiều biến động và thu hút được dòng tiền đầu tư là tín hiệu tích cực đối với hoạt động đầu tư ESG.

Ông Hùng cho rằng, quỹ đầu tư bền vững sẽ tiếp tục thu hút nguồn vốn trong thời gian tới khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và sự khẳng định mạnh mẽ hơn của các quốc gia trong việc chuyển đổi khỏi năng lượng hóa thạch tại Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), đồng thời nhận thức của các nhà đầu tư về tầm quan trọng của đầu tư ESG ngày càng được nâng cao.

Đây cũng là quan điểm chung của các chuyên gia tài chính trên thị trường. Tại Hội nghị thường niên Nhóm Thông lệ thị trường tháng 10/2023, các chuyên gia cho rằng, đầu tư ESG tại Việt Nam chưa phát triển mạnh như ở các nước khác nhưng có nhiều tiềm năng thu hút vốn trong lĩnh vực này, vì Chính phủ đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.

Hiện tại, nhóm 20 cổ phiếu thuộc chỉ số VNSI luôn nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư. Chẳng hạn, cổ phiếu của các doanh nghiệp đi đầu trong phát triển bền vững tại Việt Nam, bao gồm FPT, VCB, MWG, VPB, PNJ, MBB, VNM… thường xuyên xuất hiện trong Top 5 khoản đầu tư lớn nhất danh mục của các quỹ đầu tư do Dragon Capital, VinaCapital, VCBF, SSIAM… quản lý.

“Nút thắt” tiêu chuẩn ESG

Mức độ quan tâm đến ESG của các quỹ đầu tư cũng như nhà đầu tư cá nhân ngày càng tăng trên toàn cầu và Việt Nam không là ngoại lệ. Tuy nhiên, để thu hút thêm dòng vốn đầu tư ESG cả trong và ngoài nước, câu chuyện thiết lập các tiêu chuẩn ESG đang là “nút thắt”.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2024 mới diễn ra, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã đưa ra kiến nghị liên quan tới tiêu chuẩn ESG trong hoạt động đầu tư và tiến hành mua bán - sáp nhập (M&A) tại thị trường Việt Nam. Theo đó, các quy định ESG trong nước vẫn còn ít và nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thường không cụ thể và không có bất kỳ hướng dẫn hoặc phân bổ trách nhiệm pháp lý rõ ràng nào. Sự thiếu chắc chắn này có khả năng cản trở các quyết định đầu tư và đòi hỏi phải tăng thêm nguồn lực và chi tiêu cho khía cạnh thẩm định môi trường của các thương vụ đầu tư. Để duy trì khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần thiết lập các tiêu chuẩn rõ ràng và đẩy nhanh tốc độ ban hành các văn bản pháp luật hỗ trợ các cam kết mạnh mẽ của COP26 về tính bền vững và phát thải ròng bằng 0.

“Chúng tôi kiến nghị hợp nhất các tiêu chuẩn ESG hiện có thành các nguồn luật toàn diện, cụ thể và thông qua các luật bổ sung để khắc phục những lỗ hổng hiện có và quy định các trường hợp rõ ràng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức giữa các bên liên quan thuộc khu vực tư nhân và Nhà nước về tầm quan trọng của các tiêu chuẩn ESG trong đầu tư”, Eurocham cho biết.

Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn VBF, đối với dòng vốn đầu tư ESG, hành trình bắt đầu từ việc phân tách yếu tố ESG ra khỏi yếu tố quản trị và ghi nhận tính cấp thiết của yếu tố môi trường là bước đầu tiên. Việt Nam đã có nhận thức mạnh mẽ về quá trình chuyển dịch này và thể hiện ở những cam kết tại các sự kiện như COP26.

Bước thứ hai trong tài chính ESG chính là cần xây dựng hệ thống phân loại quốc gia tại Việt Nam (taxonomy). Trong đó, cần đưa ra một khung nêu lên các khái niệm, chính sách, quy định, luật cùng các ưu đãi để thực hiện cam kết trung hoà các-bon công bằng và hợp lý cùng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Điều này sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp có thể xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể cùng dòng tài chính cho các hoạt động đó.

Ngoài các nguồn vốn truyền thống như vốn ODA, đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp thông qua hệ thống ngân hàng và thị trường vốn…, thị trường đang hình thành các dòng vốn đặc biệt cho phát triển xanh. Việt Nam cần xây dựng các lựa chọn để tận dụng và điều hướng dòng vốn này.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục