Cổ đông ngành nước “mát mặt”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh chỉ số chứng khoán đi ngang trong cả năm qua, cổ phiếu ngành cấp thoát nước là nhóm hiếm hoi ghi nhận đà tăng giá khá tích cực.
Nhu cầu nước sạch không ngừng tăng cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế. Nhu cầu nước sạch không ngừng tăng cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Điểm sáng trên thị trường chứng khoán

Theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, trong một năm qua, thị giá nhiều cổ phiếu ngành nước ghi nhận mức tăng trưởng từ 20 - 30% như BWE (của Công ty cổ phần Nước Môi trường Bình Dương - Biwase) tăng 25,6%, TDM (của Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một) tăng 29,12%, DNW (của Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai) tăng 28,73%, BWS (của Công ty cổ phần Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu) tăng 35,84%; PMW (của Công ty cổ phần Cấp nước Phú Mỹ) tăng 32,96%...

Đà tăng này khá tích cực, xét trong bối cảnh chỉ số chứng khoán chung đi ngang từ đầu năm tới nay và nhiều cổ phiếu, nhóm cổ phiếu giảm sâu, khiến đa phần nhà đầu tư trên thị trường thua lỗ.

Doanh nghiệp ngành nước năm nay gây ấn tượng khi tăng trưởng khá tích cực về lợi nhuận. Quý III/2024, Công ty cổ phần Cấp nước Bà Rịa - Vũng Tàu (BWS) báo lãi sau thuế gần 76 tỷ đồng, tăng 33,76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận quý vừa qua tăng trưởng mạnh, theo giải trình của BWS, là nhờ doanh thu bán hàng và doanh thu hoạt động tài chính tăng, trong khi giá vốn hàng bán giảm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của BWS đạt 208,9 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin từ Biwase cho biết, lũy kế 10 tháng đầu năm, Công ty ước đạt doanh thu 3.258 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 508 tỷ đồng, tăng 11% về doanh thu và giảm 6% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch năm, Biwase thực hiện được gần 80% chỉ tiêu doanh thu và 73% mục tiêu lợi nhuận.

Mảng nước sạch có doanh thu tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu nước sạch của khách hàng công nghiệp tiếp tục tăng và tiêu thụ của khách hàng hộ dân cư tăng do thời tiết nắng nóng. Việc mở rộng đường ống giúp gia tăng số lượng khách hàng cũng như sản lượng tiêu thụ. Trong 10 tháng đầu năm, sản lượng nước tiêu thụ của Biwase đạt gần 166 triệu m3, tăng 9% so với cùng kỳ, thực hiện gần 86% kế hoạch năm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai (DNW) ghi nhận doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm hơn 963 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 273,4 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một doanh nghiệp nước sạch ở Hà Nội đã vượt kế hoạch kinh doanh cả năm 2024 dù mới đi qua 3/4 chặng đường của năm là Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội (NS2). Trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này báo lãi 29,4 tỷ đồng, tăng 481% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 76% kế hoạch năm.

Doanh thu 9 tháng đạt 541,6 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, cũng là mức doanh thu cao nhất của NS2 kể từ năm 2016 tới nay. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NS2 tăng 157% từ đầu năm tới nay, hiện giao dịch quanh vùng 18.000 đồng/cổ phiếu.

Triển vọng tăng trưởng tích cực

Lâu nay, cổ phiếu ngành nước vẫn được xếp vào nhóm cổ phiếu phòng thủ, bởi hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này ổn định, không bị ảnh hưởng của biến động kinh tế, thường trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ tốt hơn so với lãi suất tiết kiệm. Một số doanh nghiệp lớn trong ngành được nhà đầu tư trông đợi có triển vọng tăng trưởng bền vững thông qua M&A.

Trong đó, Biwase gây dấu ấn trên thị trường M&A năm qua với hàng loạt thương vụ như đầu tư vào Công ty cổ phần Nước Sài Gòn - Cần Thơ, đơn vị sở hữu dự án Nhà máy Nước Sài Gòn - Mê Kông; đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư nước Tân Hiệp - chủ đầu tư dự án Nhà máy Nước Tân Hiệp 2. Ông Trần Tấn Đức, Phó tổng giám đốc Biwase cho biết, cùng với việc góp vốn nâng công suất các nhà máy, Công ty còn đưa vào nhà máy những nhân sự có kinh nghiệm để xây lại đường ống nước, giảm tỷ lệ thất thoát nước, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Nước sạch là ngành kinh doanh có tính ổn định, bền vững, bởi nhu cầu nước sạch của đô thị và của khu công nghiệp phục vụ sản xuất không ngừng tăng cùng tốc độ phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành này đang đón nhận cơ hội tăng trưởng từ các hoạt động đầu tư, M&A mở rộng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Công ty Chứng khoán BSC dự phóng, năm 2024, doanh thu của Biwase đạt 4.139 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận dự kiến đạt 711 tỷ đồng, tăng trưởng 3,3% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu mảng nước sạch tăng 12,6%, với sản lượng nước sạch tăng 8% nhờ hoạt động sản xuất của tỉnh Bình Dương phục hồi trở lại, có thêm khách hàng hộ dân cư mới nhờ mở rộng mạng lưới đường ống.

Ngoài ra, Công ty còn có đóng góp của mảng xử lý rác thải và nước thải, với mức tăng trưởng doanh thu của các mảng này lần lượt là 13% và 138%. Doanh thu nước thải tăng mạnh trong năm 2024 nhờ khoản “để dành” 43 tỷ đồng từ năm 2023.

Triển vọng kinh doanh năm 2025 của Biwase, được BSC dự báo, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, với doanh thu 4.301 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 824 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 15,5% so với năm 2024.

Hiện Biwase Long An, công ty con của Biwase, đang xin giấy phép nâng cấp công suất Nhà máy Nước Nhị Thành từ 60.000 m3/ngày đêm lên mức 120.000 m3/ngày đêm. Tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 200 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu và 800 tỷ đồng từ vốn vay ngân hàng và trái phiếu.

Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong quý IV/2024 và kỳ vọng có thể đi vào hoạt động từ đầu năm 2026, nâng tổng công suất sản xuất nước sạch của Biwase thêm 6%.

Biwase đang tập trung đầu tư vào Long An, Đồng Nai - những khu vực có nhu cầu nước sạch đang tăng trưởng mạnh.

Một thương vụ M&A ngành nước đang được chú ý là Công ty cổ phần Thủ Dầu Một (TDM) thông báo chào mua công khai để nâng sở hữu tại Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ (CTW).

Cụ thể, Nước Thủ Dầu Một dự kiến chào mua công khai 6,82 triệu cổ phiếu CTW với giá 30.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền đầu tư khoảng 207,3 tỷ đồng, để nâng sở hữu từ 0% lên 24,36% vốn điều lệ tại Cấp thoát nước Cần Thơ trong năm 2024 - 2025.

Nước Thủ Dầu Một đang nắm giữ 29,93% tại Biwase, trong khi Biwase sở hữu 24,64% vốn điều lệ Cấp thoát nước Cần Thơ. Nếu tính cả bên liên quan, nhóm Nước Thủ Dầu Một sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Cấp thoát nước Cần Thơ từ 24,64% lên 49% vốn điều lệ.

Công ty Chứng khoán DSC nhận định, việc gia tăng đầu tư vào các công ty liên kết là động lực tăng trưởng lợi nhuận cho Nước Thủ Dầu Một.

Trong năm 2024, Nước Thủ Dầu Một sẽ hoàn thành kế hoạch đầu tư mua cổ phần của Công ty Cấp thoát nước Cần Thơ và Công ty Cấp thoát nước Cà Mau (CMW). Dự kiến sau khi kết thúc các đợt chào mua công khai, Nước Thủ Dầu Một sẽ sở hữu 24,36% cổ phiếu đang lưu hành của CTW và 24,39% vốn điều lệ của CMW.

Động lực tăng trưởng của Nước Thủ Dầu Một trong giai đoạn 2024 - 2030 đến từ chiến lược đầu tư vào các công ty liên kết thuộc ngành nước ở các vùng lân cận và các dự án mở rộng công suất, giúp tăng trưởng sản lượng nước.

Nước sạch là ngành kinh doanh có tính ổn định, bền vững, bởi nhu cầu nước sạch của đô thị và của khu công nghiệp phục vụ sản xuất không ngừng tăng cùng tốc độ phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngành này đang đón nhận cơ hội tăng trưởng từ các hoạt động đầu tư, M&A mở rộng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục