Thạc sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Phó trưởng ban thông tin DN và thị trường -Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, Luật DN và Luật Đầu tư 2014 ra đời xuất phát từ nhu cầu cấp thiết Việt Nam phải cải cách môi trường đầu tư, tạo cở sở cho sự phát triển của DN. Sau 5 tháng triển khai và áp dụng, Luật mới đã tạo được những tác động tích cực bước đầu đến hoạt động của DN nói chung.
Dẫn số liệu đăng ký, ông Hoàng cho biết, từ ngày 1/7 đến ngày 17/11, có 40.880 DN đăng ký thành lập mới, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2014. Dự kiến cả năm 2015 sẽ có khoảng 94.000 DN đăng ký thành lập mới. Tháng 7 và tháng 8/2015, tổng số vốn DN đăng ký lần lượt là 40.780 tỷ đồng và 55.154 tỷ đồng, tăng 45,8% và 102,4% so với cùng kỳ 2014.
Những quy định mới về giấy chứng nhận đăng ký DN, quy định về con dấu… trong 2 văn bản luật mới được nhiều DN đánh giá là có tác động trực tiếp, tạo thuận lợi cho DN. Đặc biệt, thời gian cấp giấy đăng ký thành lập mới DN giảm xuống 2,47 ngày, thấp hơn 2 ngày so với trước đó, cũng tạo thuận lợi cho các doanh nhân khi khởi nghiệp.
Ngoài ra, theo luật mới, trừ các ngành, nghề đầu tư có điều kiện, DN có thể tự lựa chọn ngành nghề đăng ký kinh doanh mà pháp luật không cấm, tạo ra không gian kinh doanh rộng mở cho các DN.
Nhiều ý kiến đồng tình, Luật DN và Luật Đầu tư 2014 đã có những tác động tích cực, khích lệ tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp của doanh nhân. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, Luật DN và Luật Đầu tư mới chủ yếu tháo gỡ khâu về gia nhập thị trường, trong khi con đường của DN từ khi mở cửa cho đến khi đi trên chặng đường hoạt động, là một quá trình rất dài và rất gian nan.
“Đông đảo DN mà tôi có điều kiện tiếp xúc vừa qua đều thừa nhận, 2 luật mới tạo thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp gia nhập thị trường. Tuy nhiên, DN cần nhiều sự hỗ trợ hơn thế, nhất là trong quá trình hoạt động thực tế, khi môi trường kinh doanh ngày càng chịu sức ép cạnh tranh lớn từ hội nhập”, bà Lan nói.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh chia sẻ, 5 tháng vừa qua, cùng với số DN thành lập mới tăng lên, Bộ cũng nhận được nhiều vướng mắc, phản ánh từ phía DN về 2 luật mới.
“Đơn cử, việc cấp giấy phép đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Trước đây, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần có giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện quyền đầu tư hợp pháp thì hiện nay theo quy định mới, nhà đầu tư phải xin cấp 2 giấy chứng nhận, bao gồm 1 giấy chứng nhận đầu tư và 1 giấy chứng nhận đăng ký DN”, ông Tâm nói và cho biết, nhiều DN cảm nhận, thủ tục này gây phiền toái và mất thời gian cho họ.
Một quy định khác các DN cũng thắc mắc là việc Luật không yêu cầu ghi ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng DN vẫn phải khai trong hồ sơ đăng ký thành lập và theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, DN phải có giấy xác nhận đăng ký thay đổi đăng ký kinh doanh khi thực hiện việc kinh doanh ngành nghề khác.
Trước những vướng mắc của DN, ông Tâm cho biết, Cục đã giải thích, hỗ trợ để DN hiểu quy định pháp lý. Chẳng hạn, về việc xin cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký DN, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn cơ chế một cửa liên thông để nhà đầu tư có thể nộp một hồ sơ và nhận đồng thời 2 giấy chứng nhận cùng lúc.
Về việc yêu cầu giấy xác nhận thay đổi đăng ký kinh doanh, tinh thần của luật là ghi nhận nguyện vọng của các DN, do người Việt Nam vẫn còn thói quen sử dụng giấy tờ để tạo niềm tin trong kinh doanh. Thực tế, thông tin cơ bản về DN đã được công khai trên Internet và có giá trị pháp lý.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Huy Hoàng, các DN còn nhiều thắc mắc vì thời gian chính thức có hiệu lực của 2 luật còn ngắn, trong khi các nghị định hướng dẫn đang ở trong giai đoạn chuẩn bị hoặc vừa mới ban hành. Ngoài ra, nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác chưa được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với quy định của 2 luật mới.
Cũng không phủ nhận về chủ quan, một số cán bộ, công chức chưa nhận thức được đầy đủ những nội dung đổi mới của Luật, không chủ động thực hiện cải cách. Theo đó, ông Hoàng cho rằng, công tác phổ cập luật, giải thích luật cần được tiến hành thường xuyên để kéo gần khoảng cách giữa hiểu đúng và thực thi đúng 2 luật quan trọng này.