Hướng dẫn Luật Đầu tư: Bổ sung nhiều điểm thuận lợi cho nhà đầu tư

(ĐTCK) Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện thủ tục lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. 
Luật Đầu tư (sửa đổi)  mở ra môi trường đầu tư thông thoáng cho các NĐT trong và ngoài nước Luật Đầu tư (sửa đổi) mở ra môi trường đầu tư thông thoáng cho các NĐT trong và ngoài nước

Bỏ quy định về xác định dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng

Theo ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Nghị định đã được Bộ hoàn thiện và trình lên Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Về nguyên tắc, việc ban hành nghị định hướng dẫn luật phụ thuộc vào ý kiến đồng thuận của các thành viên Chính phủ đối với các đề nghị bổ sung, sửa đổi, chỉnh lý.

Ông Tuấn cho biết, dự thảo Nghị định mới nhất được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 59 ngày 7/8/2015 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Công văn số 6160/VPCP-KTTH ngày 5/8/2015.

Theo đó, các nội dung chỉnh lý bao gồm: bỏ quy định về xác định dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng do các nội dung này đã được quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư; chỉnh lý về kỹ thuật một số nội dung để phân định rõ điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng chung và điều kiện đầu tư áp dụng riêng đối nhà đầu tư nước ngoài (điều kiện tiếp cận thị trường), đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc, cách thức áp dụng, công bố, sửa đổi, bổ sung các điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ này; hoàn thiện các quy định về áp dụng ưu đãi đầu tư, tạo cơ sở cho nhà đầu tư căn cứ điều kiện thực tế triển khai dự án để tự xác định ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật; bổ sung và điều chỉnh một số nội dung về bố cục đầu tư.

Dự thảo còn sửa đổi, bổ sung các quy định chuyển tiếp để làm rõ việc áp dụng pháp luật đối với những dự án đầu tư đã thực hiện trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành. Rà soát các quy định về ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai để hoàn thiện danh mục ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Nghị định.

Bỏ quy định về xác định dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng do các quy định này không làm rõ hơn cách xác định dự án đầu tư mới và mở rộng, mà còn dễ dẫn đến những cách hiểu khác nhau giữa quy định của Nghị định với quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cùng với việc phân định điều kiện đầu tư kinh doanh, điều kiện tiếp cận thị trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, tập hợp điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Danh mục các điều kiện tập hợp cũng được trình kèm theo dự thảo mới nhất của Nghị định. 

Công bố và cung cấp thông tin cho nhà đầu tư

Đặc biệt, một nội dung điều chỉnh quan trọng tại dự thảo Nghị định đó là bổ sung quy định về trách nhiệm công bố và cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, bao gồm: đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho các khu vực thuộc phạm vi địa giới hành chính do cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng quản lý, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư của cơ quan quản lý tài nguyên môi trường.

"Việc bổ sung các điều này này để quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, tạo cơ sở để liên thông giải quyết thủ tục hành chính đối với các dự án này theo tinh thần Nghị quyết số 43/NQ-CP của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Tuấn nói.

Cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư và thủ tục đăng ký kinh doanh đồng bộ cũng được bổ sung vào các quy định về thủ tục đầu tư để đơn giản hóa thủ tục hành chính, thiết lập cơ chế liên thông giải quyết các thủ tục này cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Theo đó, nhà đầu tư được quyền nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư và hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại một đầu mối tiếp nhận hồ sơ để được đồng thời trả kết quả giải quyết thủ tục đầu tư và thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Cùng với đó, dự thảo bổ sung quy định để làm rõ quy trình, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định về vấn đề này theo phản ánh của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý ở địa phương; bổ sung quy định trên cơ sở kế thừa quy định trước đây tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định dự án có quy mô trên 5.000 tỷ đồng phù hợp với quy hoạch mà không phải trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, nhằm đơn giản hóa thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với quy định về hoàn thiện thiện quy trình, trình tự thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo ông Tuấn, dự thảo chỉnh lý theo hướng chỉ yêu cầu thẩm định những nội dung thay đổi so với chủ trương đã được quyết định, nhằm tránh việc xem xét nhiều lần những nội dung dự án đầu tư đã được phê duyệt. 

Đơn giản thủ tục hành chính

Về quy trình, trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo quy định rõ cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm bất kỳ loại giấy tờ nào khác ngoài hồ sơ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế; không xem xét lại nội dung đã được quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được điều chỉnh hoặc bổ sung ngành, nghề kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh, mà không nhất thiết phải có dự án đầu tư. Việc hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài và hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng nhằm phân định rõ quyền, nghĩa vụ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp trong quá trình thành lập doanh nghiệp và thực hiện dự án đầu tư.

Một điều chỉnh khác đáng lưu ý là dự thảo bỏ yêu cầu doanh nghiệp có sở hữu dưới 51% vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài phải thông báo việc thực hiện dự án đầu tư và thay yêu cầu này bằng việc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại khoản 5 Điều 71 Luật Đầu tư, theo đó hoàn toàn phù hợp với ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Về việc sửa đổi, bổ sung các quy định chuyển tiếp để làm rõ việc áp dụng pháp luật đối với những dự án đầu tư đã thực hiện trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, dự thảo Nghị định quy định, nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục theo quy định tại Luật Đầu tư đối với các dự án đã thực hiện thủ tục hoặc đã thực hiện trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực, đồng thời được lựa chọn đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thay cho giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp.

“Việc sửa đổi này là nhằm đảm bảo tạo thuận lợi cho nhà đầu tư cũng như không làm xáo trộn hoạt động đầu tư và không buộc nhà đầu tư phải thực hiện thêm thủ tục hành chính không cần thiết”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục