Trước đó, trong quá trình kiểm tra thị trường, các cơ quan quản lý nghi ngờ nhiều sản phẩm là sữa, nhưng núp dưới tên gọi khác để không bị áp giá trần. Bộ Tài Chính đã yêu cầu Bộ Y tế xác minh 30 sản phẩm và kết quả là 12/30 sản phẩm được khẳng định là nằm trong danh mục sữa phải bình ổn giá. Theo đề nghị của Cục Quản lý giá, Cục An toàn thực phẩm đã rà soát lại hồ sơ của 18 sản phẩm còn lại và kết luận, tất cả đều là sữa và nằm trong danh mục phải thực hiện bình ổn giá theo quy định.
Việc Cục quản lý giá đề nghị Cục An toàn thực phẩm kiểm tra kỹ lưỡng các sản phẩm sữa “núp bóng” dưới mác thực phẩm bổ sung, hay sản phẩm chức năng để không bị đưa vào danh mục quản lý giá một lần nữa cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý giá sữa.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã khẳng định, Bộ này sẽ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế rà soát danh mục sản phẩm sữa và thực hiện quản lý nhà nước về giá. Đồng thời, Bộ cũng thường xuyên phối hợp với Bộ Công thương triển khai các đoàn thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định về mức giá bán lẻ tối đa, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Tại thời điểm này, tức là sau gần 2 tháng giá sữa bán lẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi phải thực hiện áp giá trần, thị trường sữa về cơ bản đã có những chuyển động thuận chiều với chủ trương đưa giá sữa về mặt bằng giá mới của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực thi giá bán lẻ mỗi nơi mỗi khác, số lượng sản phẩm được giảm giá còn rất hạn chế so với danh mục các doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý giá.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư tại thị trường Hà Nội, vẫn có đại lý, cửa hàng bán lẻ chưa thực hiện theo giá bán mới. Đơn cử, tại đại lý 89 - Đê Tô Hoàng (Bạch Mai), sản phẩm Enfamil A+1 400g được ghi giá bán là 270.000 đồng/hộp, trong khi giá trần bán buôn theo quy định của Bộ Tài chính là 187.000 đồng/hộp, nếu cộng thêm tối đa 15% thì giá bán lẻ đến người tiêu dùng chỉ là 215.000 đồng/hộp. Enfamil A+ 2 900g có giá bán buôn là 363.000 đồng/hộp, giá bán lẻ nếu cộng thêm 15% là 417.000 đồng/hộp, nhưng đại lý này bán 425.000 đồng/hộp…
Bà Nguyễn Thị Liên, chủ đại lý sữa 89 - Đê Tô Hoàng cho biết, thời gian qua, bà chỉ nhận được thông báo về giá bán mới đối với một số nhãn sữa, chứ không thấy đoàn nào đến kiểm tra việc niêm yết cũng như thực hiện giá bán lẻ các loại sữa thuộc diện bình ổn đã đúng hay chưa.
Ngoài trách nhiệm của các đại lý, nhà sản xuất và phân phối sản phẩm, thực tế trên còn có sự “tiếp tay” của người tiêu dùng, khi quá tin cậy các đại lý, không chủ động tìm hiểu và nắm vững mức giá quy định của sản phẩm sữa mà mình thường mua.