Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một DN sản xuất sữa tươi thanh trùng cho biết, từ cuối năm 2013, có thực tế là giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới tăng mạnh, thậm chí bột sữa và dầu bơ tăng giá gần 40%. Tuy nhiên, do các DN đã nhập khẩu nguyên liệu từ trước, nên việc đẩy giá sữa thành phẩm tại Việt Nam tăng ngay tức là hành động trục lợi của các nhà sản xuất.
“Việc tính giá nhập khẩu nguyên liệu mang về sản xuất thường có độ trễ nhất định, có khi lên tới vài tháng”, vị đại diện này nhấn mạnh.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho hay, việc sữa tăng giá ồ ạt, rồi kiểm tra, thanh tra đã diễn ra nhiều năm nay, trong khi đó, khâu quan trọng là kiểm tra quá trình hình thành giá sữa thành phẩm (gồm giá sữa nguyên liệu, sữa bột, sữa hoàn nguyên và các chi phí sản xuất của các nhà sản xuất) lại lỏng lẻo, chồng chéo. “Điều này dẫn tới việc quản lý giá đối với mặt hàng sữa rất khó khăn”, ông Phú khẳng định.
Hơn thế, với chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan hải quan chỉ quản lý hàng hóa ở khâu nhập khẩu cho tới khi hàng hóa được thông quan, phần quản lý khi sản phẩm đưa vào thị trường tiêu thụ nội địa lại thuộc chức năng của cơ quan quản lý thị trường, nên có thể thấy quá trình quản lý giá bị đứt đoạn. Trong khi đó, một sản phẩm sữa nhập khẩu tới tay người tiêu dùng trải qua nhiều tầng nấc trung gian và qua mỗi nấc như vậy, giá sữa lại chênh lên. Đó là chưa kể, sản phẩm sữa còn phải cõng thêm các chi phí quảng cáo, tiếp thị, phân phối sản phẩm...
Bởi vậy, động thái của đoàn thanh tra giá sữa là tích cực, khi mục tiêu là làm rõ cơ cấu giá, rà soát các quy định của pháp luật để làm rõ nghi vấn, có hay không việc các doanh nghiệp sữa “bắt tay” tăng giá, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ở góc độ người tiêu dùng, thì kỳ vọng về lập lại trật tự về quản lý giá sữa khá thấp. Chị Trịnh Thị Hà (Hà Nội) không đặt kỳ vọng nhiều vào việc bình ổn được giá sữa qua đợt thanh tra này, bởi theo chị, hầu như năm nào cũng có đoàn thanh tra, kiểm tra, nhưng giá sữa vẫn chỉ có tăng, chứ không có giảm, cũng chưa thấy DN nào phải nộp phạt vì tăng giá sữa.
Tại thời điểm này, thị trường vẫn khá yên ắng, nhưng là yên ắng theo mặt bằng giá đã tăng từ 5 đến 12% so với thời điểm cuối năm 2013. Theo đó, sữa Dealac Alpha 123 (loại 900 g) của Vinamilk 217.000 đồng/hộp, tăng 20.000 đồng; Dealac Alpha 456 (900 g) 210.000 đồng/hộp, tăng 17.000 đồng; sữa Ensure loại 900 g, giá 680.000 đồng/hộp, tăng 30.000 đồng; sữa Pediasure 900 g, giá 550.000 đồng/hộp, tăng gần 20.000 đồng…
Ông Vũ Văn Bình, chủ đại lý Tú Phương (14, ngõ Quỳnh, Bạch Mai, Hà Nội) thừa nhận, cùng một sản phẩm, nhưng giá bán tại mỗi đại lý thường khác nhau, và nếu có kiểm tra thì chỉ kiểm tra ở khâu đầu nguồn, tức là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa, chứ khó mà quản lý được giá bán trên thị trường.
Liên quan đến câu chuyện áp giá trần để quản lý giá sữa, một trong 7 biện pháp quản lý giá, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thừa nhận, trên thực tế, áp trần giá sữa là chuyện không đơn giản, vì mỗi loại sữa, nhãn hiệu sữa có công thức sản xuất riêng. Chưa kể các đơn vị sản xuất cũng có những cách thức kinh doanh riêng, chứ không phải đơn giản như mặt hàng xăng dầu để áp giá trần.
Cũng cho rằng, việc áp giá trần sẽ không hề đơn giản, song nhiều chuyên gia về quản lý giá cho rằng, nếu thực sự giá sữa bắt buộc phải tăng do “yếu tố đầu vào tăng” như cách lập luận quen thuộc của các DN sữa, thì người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận. Còn nếu việc tăng giá sữa thiếu minh bạch hoặc các hãng sữa bắt tay nhau để “làm giá” thì phải xử lý nghiêm.