Không đặt kỳ vọng lớn
Các đoàn thanh tra sẽ thanh tra làm rõ cơ cấu giá, rà soát các quy định của pháp luật để làm rõ nghi vấn có hay không việc các DN sữa “bắt tay nhau” cùng tăng giá, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi kết quả kiểm tra từ cơ quan quản lý về việc chấp hành các quy định về giá của các DN trên, người tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục phải mua sữa với giá cao từ 6 đến 10% (theo công bố tăng giá mới nhất từ đầu năm 2014 của các DN sữa).
Chưa kể, sau không ít đợt thanh, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về tăng cường quản lý giá sữa, hầu như không thấy có chuyển biến gì, nên người tiêu dùng mất dần lòng tin và không còn kỳ vọng nhiều vào việc các nhà sản xuất hay DN nhập khẩu giảm giá bán sữa.
Theo thông lệ, đoàn thanh tra DN sữa của Bộ Tài chính sẽ làm việc tại DN trong vòng 20-35 ngày, sau đó mới có kết luận thanh tra chính thức và dựa vào kết quả cuối cùng, sẽ đề nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Như vậy, ít nhất trong vòng 1 tháng nữa, thị trường sữa sẽ chưa có động thái gì mới.
Trong khi đó, lý do tăng giá sản phẩm sữa của các nhà sản xuất và nhập khẩu trong tất cả các đợt tăng đều được viện cớ rất “chính đáng” là nguyên liệu (gồm bột sữa, dầu bơ…) nhập khẩu tăng giá, nhưng thực tế là, ngay cả khi giá nguyên liệu thế giới giảm, thì cũng chưa có DN nào chủ động giảm giá sản phẩm.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận xét, việc sữa tăng giá ồ ạt, rồi kiểm tra, thanh tra đều đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng việc kiểm soát giá thành sữa nguyên liệu, sữa bột, sữa hoàn nguyên và chi phí sản xuất của các ngành còn rất lỏng lẻo, chồng chéo. Điều này dẫn tới việc quản lý giá đối với mặt hàng sữa là rất khó khăn.
“Do các DN sữa hoạt động theo cơ chế thị trường, rất am hiểu pháp lý, vì vậy, cơ quan quản lý không dễ tìm được chứng cứ để chứng minh DN tăng giá bất hợp lý, nên phần lớn giá sản phẩm vẫn là do DN chủ động khai báo. Họ cũng chẳng cảm thấy e ngại mỗi khi bị liệt vào diện thanh tra giá”, ông Phú lý giải.
Phân tích của ông Phú cũng khá trùng hợp với quan điểm của Nestlé Việt Nam. Khi được phóng viên Báo Đầu tư đặt câu hỏi, Công ty giải trình thế nào về đợt đồng loạt tăng giá sữa mới đây với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), để qua đó người tiêu dùng đỡ bức xúc, ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Truyền thông - Đối ngoại Nestlé Việt Nam đã trả lời rất ngắn gọn rằng: “Chúng tôi đã giải trình trong công văn gửi Cục Quản lý giá ngày 27/2/2014. Hơn nữa, thị phần sữa của Nestlé trên thị trường Việt Nam rất thấp, chỉ ở mức một con số. Muốn có thông tin chi tiết hơn, xin vui lòng liên hệ các đơn vị nghiên cứu thị trường”.
Cần phải nói thêm rằng, theo Cục Quản lý giá, có tới 11 mặt hàng của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tăng từ 5% đến 9% từ ngày 31/1/2014, dù chưa được chấp thuận.
Xử phạt chưa đủ sức răn đe
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, sẽ có nhiều hình phạt được áp dụng, nếu DN tăng giá sữa bất hợp lý. Tuy nhiên, theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, thì mức xử phạt hành chính với DN vi phạm cao nhất cũng chỉ là 60 triệu đồng. Nếu so với lợi nhuận khổng lồ mà các DN nhập khẩu, kinh doanh sữa có được trong nhiều năm qua, thì rõ ràng khoản tiền phạt này… chẳng thấm vào đâu.
Tất nhiên, do chưa có kết luận thanh tra chính thức, nên tại thời điểm này, chưa có DN nào bị phạt tiền vì vi phạm quy định về giá sữa và cứ mỗi lần giá sữa “nhảy múa”, người tiêu dùng luôn là đối tượng chịu nhiều thua thiệt nhất.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thời gian qua, không có chế tài nào đủ mạnh, đủ sức răn đe áp dụng cho việc tăng giá sữa bất hợp lý, nên DN chưa sợ. Do đó, các đợt tăng giá sữa vẫn liên tục diễn ra. Vì cơ quan quản lý buông lỏng, nên mới xảy ra tình trạng loạn giá sữa.
Không phải ngẫu nhiên mà việc thanh, kiểm tra các DN sản xuất, kinh doanh, nhậpkhẩu và phân phối sữa được tiến hành vào thời điểm này. Sau một thời gian dài, các DN sữa “làm mưa làm gió” trên thị trường, đẩy mọi gánh nặng lên vai người tiêu dùng, thì việc siết chặt quản lý giá sữa của ngành chức năng không chỉ đơn thuần là bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng trong nước, mà cao hơn thế là làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các DN.