Muốn tự do cạnh tranh về giá
Lần đầu tiên, tại thị trường Việt Nam, các ông lớn trong ngành sữa, như Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam; Công ty TNHH Nestle; Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam; Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (phân phối độc quyền sản phẩm sữa Abbott)... bị thanh tra quyết liệt về việc tăng giá.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định: “Nếu phát hiện trường hợp nào tăng giá bất hợp lý, Nhà nước sẽ tịch thu vào ngân sách tất cả tiền chênh lệch mà doanh nghiệp thu được do tăng giá quá mức. Thêm nữa, doanh nghiệp còn bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Bà Gift Samabhandhu, Tổng giám đốc Công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam cho hay, Công ty tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật ở từng thị trường. Đặc biệt tại Việt Nam, Công ty đã chính thức gửi văn bản kê khai giá với Cục Quản lý giá từ ngày 5/12/2013, đúng một tuần trước khi chính sách giá có hiệu lực (ngày 12/12/2013).
Bà Gift Samabhandhu phân tích, một yếu tố quan trọng dẫn đến việc thay đổi về giá (trung bình khoảng 7% đối với các sản phẩm) chính là việc chi phí nhập khẩu của các sản phẩm đã tăng gần gấp đôi kể từ ngày 1/8/2013, do giá sữa nguyên liệu trên thế giới gia tăng đáng kể từ đầu năm 2013.
Trong đó, giá của hai trong số thành phần chính trong sản phẩm là bột sữa gầy và bột sữa nguyên kem đã tăng lần lượt 68% và 89% so với cùng kỳ năm ngoái và lần lượt tăng 30% và 57% so với tháng 1/2013.
Thêm vào đó, chi phí quản lý và điều hành, bao gồm chi phí kiểm soát chất lượng, chi phí nghiên cứu phát triển, cải tiến về thành phần dưỡng chất và bao bì, các sáng kiến cho việc phát triển bền vững, cũng như tỷ lệ “lạm phát” của các nguyên vật liệu đầu vào đã tăng lên và trở thành xu hướng chung của thị trường trong nhiều năm gần đây.
“Chúng tôi đã tìm nhiều phương án khả thi để đảm bảo sự ổn định của chi phí và các sản phẩm được bán với mức giá hợp lý. Nhưng dù nỗ lực, chúng tôi vẫn phải điều chỉnh giá các sản phẩm theo thời gian”, bà Gift Samabhandhu cho biết.
Trong khi đó, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, đơn vị đang nắm thị phần sữa bột lớn nhất hiện nay trên thị trường, khoảng trên 30% thị phần với các nhãn hiệu như Similac, Gain, PediaSure, Ensure và Glucerna lại im lặng trước giới truyền thông.
Tuy nhiên, ở những đợt tăng giá trước, 3A luôn lý giải vì các sản phẩm của Abbott đều được nhập khẩu từ Hoa Kỳ và châu Âu, nên việc tỷ giá USD tăng cao đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của 3A.
“Trước nhu cầu tồn tại và tiếp tục các hoạt động kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng nhập khẩu là cần thiết”, đại diện 3A khi đó cho biết.
Riêng Công ty Nestlé Việt Nam, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, sẽ bị xử lý nghiêm khắc vì công ty này vẫn cố tình tăng giá sữa trong thời gian Bộ yêu cầu giải trình.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Truyền thông - Đối ngoại Nestlé Việt Nam khẳng định, Công ty sẵn sàng chấp hành quyết định thanh tra của Bộ Tài chính về đợt tăng giá vừa rồi và đã giải trình trong công văn gửi Cục Quản lý giá ngày 27/2/2014.
Mặc dù các ông lớn này đã phần nào có sự phân bua, nhưng các chuyên gia, người tiêu dùng vẫn bức xúc, vì họ lặp lại nguyên nhân và không loại trừ có sự thỏa thuận về giá bán, hay lạm dụng vị thế trên thị trường để nâng giá bán lẻ.
“Nestlé không bình luận về những thông tin dựa trên giả thiết. Trung bình mỗi sản phẩm sữa của Nestlé tăng giá dưới một lần/năm, trong đó có những sản phẩm có giá thấp hơn sản phẩm của doanh nghiệp trong nước”, ông Tuấn cho biết.
Trước động thái của các ông lớn này, Bộ Tài chính đang cân nhắc việc áp dụng một trong 7 biện pháp bình ổn giá trong Luật Giá là áp giá trần đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.
“Chúng tôi không có ý kiến về các biện pháp của Bộ. Quan điểm của chúng tôi là tự do cạnh tranh sẽ đem lại giá tốt nhất cho người tiêu dùng”, ông Tuấn nói.
Còn bà Gift Samabhandhu cho biết, thời gian và sự điều chỉnh giá tùy thuộc từng thị trường khác nhau. Nhưng các vấn đề về chính sách giá luôn là những quyết định độc lập của Công ty, phụ thuộc vào giá vốn cụ thể và những yếu tố chi phối khác tại mỗi thị trường kinh doanh.
“Cũng như các thị trường khác trên thế giới, trong tương lai, chúng tôi cam kết duy trì sự quan tâm đặc biệt về vấn đề này ở thị trường Việt Nam”, bà Gift Samabhandhu nói và khẳng định, Công ty luôn nghiêm túc tuân thủ theo luật, quy định và tiêu chuẩn của các ban ngành liên quan về việc phân phối và tiếp thị các sản phẩm. “Tất cả sản phẩm của Mead Johnson đều được phê duyệt bởi cơ quan Chính phủ trong việc xây dựng sản phẩm và đăng ký nhãn mác, giá cả”, bà Gift Samabhandhu cho biết thêm.
Độc quyền nhóm tư nhân?
Việc tăng giá trong thời gian qua chỉ diễn ra ở phân khúc thị trường sữa bột. Đây là một lĩnh vực khá cạnh tranh trên toàn cầu, đặc biệt là tại Việt Nam với gần 30 công ty và hơn 80 thương hiệu khác nhau, đa dạng hóa về giá cả, cũng như chủng loại sản phẩm, từ phổ thông đến cao cấp.
Theo thống kê của Bộ Công thương, về chủng loại sữa bột, sữa ngoại chiếm đến gần 80% thị phần. Trong đó đứng đầu là Abbott, Mead Johnson, Dutch Lady (Freisland Campina), Dumex, Nestlé… Với tỷ lệ này, các hãng sữa ngoại hoàn toàn dẫn dắt thị trường và quyết định giá bán. Trong đó, Abbott với hơn 120 nhãn sữa đang bày bán trên thị trường nội địa đã chiếm khoảng 30-31%, với mức doanh thu trung bình 3.000-4.000 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó, thị phần của Mead Johnson tại Việt Nam dao động 3 - 13%, tùy thuộc vào từng phân khúc cụ thể của các sản phẩm công thức cho trẻ (0-12 tháng).
Không chia sẻ về con số cụ thể, nhưng ông Tuấn cho hay, thị phần sữa của Nestlé trên thị trường Việt Nam rất thấp, ở mức một con số.
Cần phải nhắc lại rằng, năm 2013, các thương hiệu sữa lớn trên toàn cầu (trong đó có Abbott, Nestlé, FrieslandCampina) đã phải đối mặt với sự kiểm soát gắt gao từ thị trường Trung Quốc khi nước này phát đi thông báo sẽ khởi động chương trình điều tra giá sữa bột của các doanh nghiệp.
Khi đó, Abbott Laboratories (ABT), hãng sữa lớn thứ 4 tại Trung Quốc, thông báo sẽ giảm 12% giá sữa công thức cho trẻ em, đối với nhãn hiệu Similac và Pediasure. Riêng Công ty liên doanh Nestle SA (NESN), giảm tới 20%.
Trong khi đó, đối với các cơ quan chức năng Việt Nam, thì đây là một cuộc chiến quyết liệt, vô cùng khó khăn. Bởi theo họ, các ông lớn này luôn hoạt động theo cơ chế thị trường, rất am hiểu pháp lý, nên không dễ tìm ra được chứng cứ để chứng minh doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý. Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, việc tăng giá sữa ồ ạt, rồi kiểm tra, thanh tra đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng người tiêu dùng vẫn bức xúc mỗi khi giá sữa tăng. Thực tế, việc kiểm soát giá thành sữa nguyên liệu, sữa bột, sữa hoàn nguyên, chi phí sản xuất… còn rất lỏng lẻo; phần lớn là do doanh nghiệp chủ động khai báo và họ chẳng run sợ gì mỗi khi bị liệt vào diện thanh tra giá.
“Nếu lấy lý do sữa nguyên liệu nhập về tăng giá để đẩy giá thành lên, thì họ sẽ giải thích sao với việc trước đây, nhiều thời điểm giá nguyên liệu giảm mà giá bán ra không hạ? Đây là biểu hiện của sự thiếu minh bạch và có dấu hiệu độc quyền”, ông Phú nhận định.