Vài ngày nay, chị Hoàng Kim Thu (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) tìm đến mấy đại lý quen thuộc để tìm mua sữa Enfamil A+ cho con, nhưng đều nhận được câu trả lời “đã hết hàng”. Các đại lý cho biết, sản phẩm Enfamil A+ sẽ không còn tiếp tục lưu hành trên thị trường nữa và nhà sản xuất đã tung ra sản phẩm mới thay thế là Enfamil A+ 360* Brain Plus.
Cực chẳng đã, chị Thu phải mua tạm dòng sữa mới cho con, dù giá của sản phẩm không hề rẻ, 600.000 đồng/hộp 900g, trong khi Enfamil A+ chỉ có giá 550.000 đồng/hộp 900g. Thời gian tới, chị Thu đang tính chuyện chuyển sang dùng sản phẩm sữa của Vinamilk và Nutifood với giá chỉ bằng một nửa sản phẩm ngoại.
Trên thực tế, không ít người tiêu dùng cũng gặp tình cảnh giống chị Thu. Mọi người rỉ tai nhau rằng, việc chấm dứt sản xuất dòng sản phẩm nằm trong nhóm bị áp giá trần, thay thế bằng dòng sản phẩm mới với giá cao là chiêu mới của các nhà sản xuất sữa nhằm né quy định trần giá sữa sắp có hiệu lực.
Thời điểm sáng 27/5, tại không ít siêu thị ở TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng, hầu như 5 sản phẩm sữa của Mead Jonhson nằm trong danh mục bình ổn giá đều không còn đủ hàng để bán, thậm chí hết hàng. Các đại lý sữa lớn tại Hà Nội cho biết, họ đã nhận được thông báo của hãng này về việc tung ra dòng sản phẩm mới và dừng sản xuất dòng sản phẩm cũ.
Cụ thể, dòng sản phẩm mới nhất của Mead Jonhson là Enfamil A+ 360* Brain Plus và Enfagrow A+ 360* Brain Plus thay thế cho dòng sản phẩm cũ Enfamil A+ và Enfagrow A+. Điều đáng nói là, giá bán lẻ của những sản phẩm mới cao cũng hơn từ 50.000 đến 90.000 đồng/hộp so với dòng sản phẩm cũ khi chưa áp giá trần. Trong khi đó, nếu thực hiện quy định của Bộ Tài chính, thì có những sản phẩm của Hãng phải giảm giá tới 30%, như Enfagrow 3+ 900gr phải giảm 135.000 đồng/hộp.
Như vậy, cơ hội mua sữa bột với giá bình ổn, rẻ hơn khoảng 15-30% so với giá trước đây cho trẻ em dưới 6 tuổi của người tiêu dùng đang vơi dần đi. Điều này đồng nghĩa với việc, các biện pháp bình ổn giá của cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự mạnh tay. Doanh nghiệp chỉ cần làm vài động tác khá đơn giản như tung sản phẩm mới thay thế là đã không phải chịu ảnh hưởng từ quyết định áp giá trần.
Hãng Abbott dù chưa có động thái gì đối với 5 sản phẩm nằm trong danh mục bị áp giá trần, nhưng cũng đã tăng giá với sản phẩm PediaSure BA dành cho trẻ em từ 1 đến 10 tuổi. Chiêu thức của Abbott được thực hiện qua việc giảm trọng lượng từ
900 gr xuống 850 gr, nhưng giá bán lại không thay đổi.
Theo lý giải của Abbott, lần thay đổi trọng lượng này nhằm thống nhất khối lượng toàn cầu. Sẽ không có gì đáng nói, nếu việc thay đổi trọng lượng, thống nhất khối lượng trên toàn cầu của sản phẩm PediaSure BA thuộc Abbott không diễn ra tại thời điểm này và giá bán cũng giảm tương ứng với trọng lượng.
Việc đưa giá sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi về mức giá chấp nhận được thể hiện quyết tâm lớn của Bộ Tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định, giá sữa theo cơ chế thị trường nhưng phải đảm bảo có sự quản lý của nhà nước, hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, nhà nước và người tiêu dùng.
Cũng theo Bộ trưởng Dũng, sở dĩ bộ này chọn 25 mặt hàng sữa để áp giá trần trong hàng trăm mặt hàng sữa là do các sản phẩm này chiếm tới 60% thị phần trên thị trường sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Với các sản phẩm còn lại, doanh nghiệp tiếp tục đăng ký giá với cơ quan nhà nước.
Trong số 5 doanh nghiệp sữa có sản phẩm bị áp giá trần, kết quả thanh tra từ Bộ Tài chính đã chỉ rõ, chỉ có Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là doanh nghiệp nội duy nhất thực hiện nghiêm các quy định về chi phí cho quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi. 4 doanh nghiệp ngoại còn lại đều chi quảng cáo vượt mức với số tiền lớn, điển hình là Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition (Việt Nam) vượt mức 249 tỷ đồng…
Động thái mới trên thị trường sữa trước thời điểm áp trần giá sữa cho thấy, một số doanh nghiệp sữa ngoại vẫn tiếp tục dồn gánh nặng lên vai người tiêu dùng và mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, nhà nước và người tiêu dùng của cơ quan quản lý nhà nước vẫn khó thành hiện thực.