Cụ thể, ngay từ ngày 1/6 nhiều sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi đã đồng loạt được các siêu thị lớn, các đại lý sữa giảm giá bán lẻ với mức giảm từ 15-30% tùy sản phẩm.
Đơn vị phân phối các sản phẩm của Abbott là Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A đã gửi thông báo tới các đại lý từ ngày 28/5/2014 về việc “áp dụng giá bán buôn tối đa và giá bán lẻ khuyến nghị mới” cho 5 mặt hàng sữa Abbott có trong danh mục 25 sản phẩm bị áp giá trần.
Theo đó, 5 sản phẩm của Abbott có tên trong danh mục bình ổn gồm: Abbott Grow 3 900 g, Similac Gain Plus IQ 900 g, SimilacGain Plus IQ 1,7 kg, Grow G-Power Vanilla 1,7 kg, Grow G - Power Vanilla 900g đều có giá bán lẻ khuyến nghị giảm từ 41.000 – 140.000 đồng/hộp, tùy loại.
Đơn cử, Similac Gain Plus IQ 1,7 kg rẻ hơn 140.000 đồng so với trước và Abbott Grow 3 900 g giảm thấp nhất là 41.000 đồng/hộp.
Theo ghi nhận, tại hệ thống siêu thị Big C, từ ngày 3/6, nhiều sản phẩm sữa bột đã được giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng với mức giảm trên dưới 20%.
Ông Lê Sỹ Hiển, Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long cho biết, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp sữa Abbott và Nestlé và tiến hành giảm giá ngay với những sản phẩm thuộc diện áp giá trần theo quy định. Đối với các sản phẩm còn lại theo quy định áp giá trần của Bộ Tài chính, Big C đang làm việc với nhà cung cấp để triển khai, không để người tiêu dùng bị thiệt thòi.
Việc triển khai nghiêm túc quy định áp giá trần của Bộ Tài chính đã tác động ngay đến thị trường sữa, khiến mặt bằng giá đã giảm đáng kể và tạo phấn khởi cho người tiêu dùng.
Hệ thống siêu thị của Saigon Co.op cho biết, đã áp dụng giá bán lẻ đối với các mặt hàng sữa nằm trong danh mục bình ổn của Nestlé, Abbott, Mead Johnson từ ngày 3/6 với mức giảm so với trước từ 38.000 – 205.000 đồng/hộp, tùy trọng lượng và lứa tuổi.
Sau rất nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, đến thời điểm này, về cơ bản, các hãng sữa đã tích cực triển khai các quy định về giá theo Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về áp trần giá sữa.
Tích cực là ở chỗ, theo quy định, thì việc áp trần 25 mặt hàng sữa có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, nhưng giá bán buôn được áp dụng sau 10 ngày, còn giá bán lẻ được áp dụng sau 20 ngày (tức 21/6/2014), tuy vậy, ngay sau khi các hãng sữa gửi biểu giá bán buôn và bán lẻ khuyến nghị tới các đại lý, cửa hàng bán lẻ, các đơn vị này đã ngay lập tức thực hiện mức giá bán mới cho người tiêu dùng.
Mặc dù vậy, do các mức giá bán lẻ khuyến nghị mới, đơn cử như của Hãng Abbott chỉ cao hơn 5% giá bán buôn tối đa, trong khi tỷ lệ chênh lệch cho phép tối đa là 15%, nên sẽ có sự khác biệt (dù không lớn) tại các siêu thị, đại lý, cửa hàng khác nhau.
Đặc biệt, các hãng sữa cũng cho biết, chỉ quản lý giá tới nhà phân phối, còn giá bán lẻ do nhà phân phối tự quyết định. Vì thế, giám sát thực hiện quy định về giá ở khâu bán lẻ sẽ là công việc của cơ quan quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường(Bộ Công thương) cho rằng, họ đã có thông báo tới các Chi cục QLTT trên cả nước.
Sẽ không có chuyện các hãng sữa sẽ tự ý tăng giá bằng các chiêu lách luật, thay tên, đổi mẫu mã để để ra khỏi danh mục áp giá trần, bởi theo Bộ Tài chính, lường trước các tình huống này, nên bất kỳ nhãn sữa mới nào đều phải làm thủ tục đăng ký giá theo quy định về Cục Quản lý giá. Sau 5 ngày kể từ khi nộp hồ sơ đăng ký, bộ sẽ công bố mức giá trần mới cho sản phẩm đó. Với những sản phẩm thay đổi bao bì, thành phần giữ nguyên mà giảm trọng lượng, sẽ phải giảm giá bán.