Thúc đẩy ESG qua môi trường làm việc

(ĐTCK) Con người là chìa khóa thành công của doanh nghiệp, cùng với lương thưởng, doanh nghiệp cần trang bị nhiều yếu tố khác như điều kiện làm việc linh hoạt, môi trường làm việc thân thiện...

Đó là quan điểm được nhấn mạnh tại Hội thảo ESG do báo Dân trí tổ chức sáng 30/10.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam khẳng định, vấn đề liên quan đến lương thưởng rất quan trọng với người lao động không chỉ ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Nhưng nếu chỉ tập trung lương cao cho người lao động thì không thể giải quyết và giữ chân họ.

"Như vậy, chúng ta cần nói về động lực làm việc là gì? Động lực làm việc của mỗi người lại khác nhau, như có người cần sự tự do trong công việc, sự tôn trọng, ghi nhận… ", bà Ingrid Christensen cho hay.

Theo ông Thipphiansak, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH SCG Việt Nam, ESG ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp, trong đó xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là của tổ chức và doanh nghiệp. SCG đặc biệt chú trọng đào tạo nhân viên, nâng cao hiệu suất và thúc đẩy tinh thần học hỏi. Nhân viên cũng rất hào hứng tham gia vào các chương trình đào tạo, giúp họ phát triển kỹ năng và thích nghi với những tiến bộ mới trong công việc.

Theo báo cáo Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum) năm 2021, 58% người lao động cân nhắc các cam kết về môi trường và xã hội khi lựa chọn nơi làm việc. Họ có xu hướng gắn bó lâu dài gấp 3 lần và có mức độ gắn kết cao hơn 1,4 lần với các doanh nghiệp mà họ tin tưởng có mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, đại diện Việt Thắng Jean cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện ESG dễ dàng. Bên cạnh bài toán về vốn đầu tư, doanh nghiệp còn đối mặt với thách thức về nguồn nhân lực. Điều này không chỉ đòi hỏi khả năng tuyển dụng những nhân sự sáng tạo, có tư duy logic và chuyên môn phù hợp với định hướng phát triển mà còn là bài toán giữ chân nhân tài trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

"Chúng tôi hiểu rằng quản lý nhân sự là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy ESG. Trong lĩnh vực dệt may, nơi lực lượng lao động đông đảo và đa thế hệ, mức lương không còn là yếu tố hàng đầu để giữ chân nhân tài. Người lao động ngày càng quan tâm đến các giá trị mà họ nhận được, bao gồm sự công bằng, minh bạch và tính linh hoạt trong công việc", ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM nói.

Tiến sỹ Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đánh giá, việc thực hành chữ “S” trong ESG hay hỗ trợ phát triển người tài cần gắn với lợi ích sát sườn của doanh nghiệp. Nếu không giữ chân lao động tốt, họ sẽ nghỉ việc.

Theo ông Minh, 2 năm trở lại đây, việc phát triển bền vững có sự thay đổi cấp độ vĩ mô. Còn cấp độ vi mô, doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng, thể hiện qua việc nhắc đến yếu tố về mặt xã hội, nhân lực được đề cập hơn những yếu tố về môi trường, quản trị.

Ông Minh lấy ví dụ trong những doanh nghiệp lớn thu hút người tài bằng cách quan tâm đến đào tạo, tạo cơ hội phát triển cho người lao động. Như một tập đoàn lớn về công nghệ hỗ trợ thêm đào tạo cho con em, đẩy mạnh chính sách tăng cường gắn bó nhân viên giúp tỷ lệ nghỉ việc giảm đi, tăng năng suất lao động.

Bên cạnh đó, ông Minh đánh giá việc chuyển động ở địa phương chưa theo kịp chuyển động vĩ mô hay sự cần thiết cấp độ vi mô. Chính sách về môi trường, lao động mới, nhiều địa phương cũng chưa nắm được. Khi nằm trong danh sách kiểm kê lao động, doanh nghiệp mới bắt đầu quan tâm đến nhân lực bền vững.

5 năm tới, trong bối cảnh kinh tế phát triển, bà Ingrid Christensen cho rằng doanh nghiệp cần thực hiện giá trị của xã hội thông qua chương trình, môi trường làm việc một cách hiệu quả.

Theo chuyên gia này, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và thiên tai trên toàn cầu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho doanh nghiệp và nhà nước phải có các chính sách ứng phó để bảo vệ người lao động và duy trì bền vững trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bà Ingrid Christensen đánh giá biến đổi khí hậu và các tác động môi trường đòi hỏi doanh nghiệp cần có các kế hoạch ứng phó với thiên tai. Thêm vào đó, với dân số trẻ và tốc độ già hóa nhanh chóng, Việt Nam cần có các chính sách để tận dụng thời điểm “dân số vàng” này.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong công việc ngày càng phổ biến khi các doanh nghiệp gia tăng ứng dụng công nghệ thông tin, đi kèm tỷ lệ thâm nhập internet cao. Điều này thúc đẩy đầu tư vào kỹ năng số và môi trường làm việc thuận lợi.

Bà Ingrid Christensen nêu khái niệm “đối thoại xã hội” như một công cụ thiết yếu. Đối thoại xã hội giúp chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động hợp tác nhằm giải quyết các tranh chấp và đạt được thỏa thuận thông qua các hình thức thương lượng tập thể.

Thêm vào đó, sự hợp tác tại nơi làm việc và các thỏa thuận khung quốc tế giúp nâng cao chất lượng đối thoại xã hội, là chìa khóa để thúc đẩy công bằng xã hội và việc làm bền vững trong bối cảnh các cộng đồng kinh tế khu vực.

Với sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, từ nhà tuyển dụng đến người lao động và các tổ chức quốc tế, Việt Nam có tiềm năng thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục