ESG không còn là xu hướng
Tại Hội nghị nhà đầu tư của VinaCapital gần đây, 130 nhà đầu tư trên thế giới đã thảo luận sâu về các cơ hội đầu tư mới. Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital cho biết, tại hội nghị năm nay, các nhà đầu tư dành mối quan tâm đặc biệt tới các doanh nghiệp đi theo chiến lược ESG, bởi ESG giờ đây không còn là xu hướng, mà là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp hay một quốc gia muốn phát triển bền vững. Bên cạnh đó, công nghệ bán dẫn cũng là lĩnh vực thu hút hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư.
ESG là bộ khung tiêu chuẩn để đánh giá mức độ bền vững và tác động của doanh nghiệp trên ba trụ cột: môi trường (E), xã hội (S) và quản trị (G). Tại Việt Nam, việc triển khai ESG trong doanh nghiệp đã có sự gia tăng đáng kể trong thời gian qua, bên cạnh cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ về mục tiêu đạt phát triển thải ròng bằng 0 vào năm 2050, còn được thúc đẩy bởi áp lực từ thị trường, từ đối tác, nhà đầu tư.
“Các đối tác, thị trường có yêu cầu về sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững. Yếu tố này đặt ra thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi để bắt kịp xu thế, nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và mất cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Thực tế này được ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT xác nhận. Ông Khoa chia sẻ, FPT có mặt tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, khi ký hợp đồng với khách hàng, việc đầu tiên họ đòi hỏi là phải tuân thủ ESG. Những điều cơ bản nhất có thể kể đến như tôn trọng quyền bình đẳng giới, thời gian làm việc của người lao động… Nếu doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn này mới ký được hợp đồng.
“Khi triển khai ESG, có ba yếu tố quan trọng với doanh nghiệp: Thứ nhất, tính quan trọng với tổ chức và chiến lược kinh doanh; thứ hai, tính cấp thiết và cuối cùng là khả năng thực hiện đề án”, ông Khoa nói và nhấn mạnh, “ESG không phải là một món trang sức, mang vào vì xu hướng”.
“Khi đã xác định mục tiêu, cách thức tiếp cận, doanh nghiệp tập trung bốn định hướng: quản trị xuất sắc, tạo môi trường làm việc đẳng cấp và hạnh phúc, môi trường xanh, trách nhiệm vì cộng đồng”, ông Khoa nói thêm.
Nhờ thực hiện theo bốn định hướng đã đề ra, hoạt động kinh doanh của FPT duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong hàng thập kỷ qua. Trung bình 3 năm, Tập đoàn lại tăng gấp đôi về quy mô, doanh thu, lợi nhuận. Ông Khoa còn nhấn mạnh, ESG đã góp phần giúp FPT đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Triển khai ESG giúp FPT mở cánh cửa thị trường quốc tế |
Từ phía tổ chức đầu tư, bà Kimberly Tân, Giám đốc điều hành Tập đoàn đầu tư GenZero khẳng định, “sự thành công trong đầu tư không chỉ được đo lường về mặt lợi nhuận tài chính, mà còn về mặt tác động tích cực đến khí hậu mà chúng tôi tạo ra”. Với triết lý này, GenZero cùng với Temasek, Breakthrough
Energy Ventures đầu tư vào Farm Rize - một nền tảng hỗ trợ công nghệ giảm lượng khí thải mê-tan trong trồng lúa, thúc đẩy việc áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững.
Kimberly Tân tin rằng, sự tăng tốc nỗ lực của các quốc gia, doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào phát triển xanh là đòi hỏi bắt buộc. Bởi lẽ, lượng phát thải khí nhà kính tại khu vực Đông Nam Á đã tăng 13% trong năm 2023 và sẽ tiếp tục tăng khi mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng cùng với tốc độ tăng trưởng GDP. Đầu tư năng lượng tái tạo vào Đông Nam Á tăng 9% vào năm 2023, nhưng năng lượng tái tạo mới chiếm chưa tới 10% sản lượng điện trong khu vực.
Ông Andrea Campagnoli, Đối tác sáng lập kiêm Trưởng văn phòng Bain tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam có tiềm năng to lớn để tăng tốc và phát triển hơn nữa nền kinh tế xanh. Riêng thị trường này ước tính mang lại 300 tỷ USD cho Đông Nam Á vào năm 2030. Để nắm bắt cơ hội, Việt Nam nên ưu tiên các giải pháp có tác động lớn và sẵn sàng để triển khai như phát triển năng lượng gió và mặt trời quy mô lớn, mở rộng cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối (T&D) để hỗ trợ năng lượng tái tạo và thúc đẩy canh tác lúa gạo bền vững.
Tăng tốc phát triển bền vững
Thực tế, từ yêu cầu của chính khách hàng đã thúc đẩy doanh nghiệp Việt đi trên con đường sản xuất xanh ngày một nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (mã chứng khoán TNG) cho biết, TNG hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm dệt may. Sản phẩm của Công ty chủ yếu được xuất sang Mỹ, EU - các thị trường có yêu cầu khắt khe về sản xuất xanh, nguyên liệu bền vững, sử dụng năng lượng sạch. Để bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp buộc phải tuân thủ và TNG đã dành nhiều nguồn lực, thời gian chuẩn bị, sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn đó.
Tại cuộc họp định kỳ tháng 9 vừa qua, ông Song Jae Ho, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại - Dệt may Thành Công (mã chứng khoán TCM) chia sẻ định hướng và lộ trình để đạt các mục tiêu chiến lược mà Công ty đã đề ra về chất lượng, tốc độ, R&D, ODM và dự kiến doanh thu, nguồn lực cần chuẩn bị như vốn, năng lực, nhân lực nhằm đưa Công ty hướng đến mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2030 và phát triển bền vững.
Lãnh đạo TCM cho biết, Công ty nỗ lực bắt kịp xu hướng dệt may thời trang bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo, nghiên cứu và từng bước thực hiện bộ tiêu chí ESG trong hoạt động.
Với lĩnh vực bất động sản công nghiệp, nhiều khu công nghiệp đã được phát triển theo mô hình khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái; trong đó, có Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), do Công ty cổ phần Shinec làm chủ đầu tư.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Shinec cho biết, khi bắt tay vào phát triển khu công nghiệp, ông tìm hiểu về các yếu tố để khu công nghiệp thu hút đầu tư và nhận thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện ESG từ rất lâu. Điều này thôi thúc Shinec đẩy mạnh hơn nữa trong thực hành ESG, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp sinh thái. Nhờ vậy, khu công nghiệp do Sinec phát triển có cơ hội thu hút doanh nghiệp FDI vào thuê.
Các khu công nghiệp do Shinec phát triển đều được bao phủ bởi màu xanh. Ông Điệp cho biết, Shinec thường xuyên tổ chức lễ hội trồng cây, với sự tham gia của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, vừa tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp vừa mang lại giá trị bền vững.
Ông Vũ Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty cổ phần Xây dựng Vilai Việt cho biết, nhiều khách hàng đến từ Malaysia,
Singapore... khi tiếp xúc với Vilai Việt đều đặt câu hỏi Công ty đã triển khai ESG hay chưa. Nhận thấy không thể đứng ngoài xu thế, Vilai Việt đẩy mạnh hoạt động ESG.
Phát triển bền vững đang trở thành xu hướng toàn cầu, thay thế dần mô hình phát triển tuyến tính - tập trung vào lợi nhuận. Kết quả khảo sát của PwC về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 cho thấy, có tới 80% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết đã đặt ra cam kết/đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG. Thời điểm này, ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024 và xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025, lấy ESG là động lực tăng trưởng mới.
“Muốn tồn tại, doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình, theo xu hướng phát triển bền vững. Sức ép từ các yêu cầu khắt khe về sản xuất xanh của các thị trường lớn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đi nhanh hơn, đón nhận nhiều cơ hội rộng mở hơn”, Chủ tịch TNG Nguyễn Văn Thời nói và cho biết thêm, TNG lên kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 5 -10% so với năm 2024.
Tại Công ty cổ phần Sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel, Tổng giám đốc Trần Thị Thu Trang cho biết, mặc dù bối cảnh kinh doanh năm nay nhiều khó khăn hơn nhưng hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn duy trì đà tăng trưởng hai chữ số nhờ tuân thủ các tiêu chí ESG, phát triển bền vững.
Hanel là công ty xuất khẩu linh kiện, máy móc sang thị trường Nhật Bản, khách hàng không chỉ có những yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm mà còn chú trọng các yếu tố phát triển bền vững. Ngoài ra, Hanel còn phát triển sản phẩm máy sấy lạnh giúp nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu.
Công ty cổ phần Phú Tài (mã chứng khoán PTB) được Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự phóng tăng trưởng tích cực trong năm 2024, với doanh thu 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 190 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 11% và 49,6% so với năm ngoái. Mảng gỗ được xác định là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng cho Phú Tài trong năm 2024. Doanh thu xuất khẩu chiếm hơn 90% trong cơ cấu doanh thu mảng chế biến gỗ của Công ty, chủ yếu từ thị trường Mỹ.
Tại báo cáo thường niên 2023, Phú Tài cho biết, năm 2024, ngành gỗ có thể sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do các yếu tố như khủng hoảng địa chính trị, suy thoái kinh tế toàn cầu và sự chậm phục hồi của các thị trường xuất khẩu chính. Các yêu cầu về mẫu mã và chất lượng sản phẩm ngày càng cao, cùng với các rào cản thương mại khắt khe hơn như chứng chỉ quản lý rừng bền vững và giảm phát thải các-bon, đặt ra nhiều thách thức cho ngành này. Trong bối cảnh này, ngành chế biến gỗ Việt Nam cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế như Đạo luật Lacey Act của Hoa Kỳ và Quy chế gỗ của EU (EUTR). Các công ty sản xuất gỗ cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gỗ khai thác, đảm bảo chất lượng sản phẩm và cung cấp thông tin đầy đủ về nguồn gốc và các yếu tố môi trường liên quan. Bên cạnh việc tập trung vào quản lý chất lượng và thông tin sản phẩm để hạn chế rủi ro trong kinh doanh, Phú Tài cũng mở rộng thị trường và tái cơ cấu khách hàng để tận dụng các cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và các hiệp định thương mại giữa châu Âu và Việt Nam.
Công ty khẳng định, “ngành chế biến gỗ không chỉ liên kết chặt chẽ với ngành lâm nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ rừng. Phú Tài cam kết mở rộng diện tích rừng, góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành”.
Lấy phát triển bền vững là mục tiêu cho hành trình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang “mở khóa” thị trường, “mở khóa” cơ hội tăng trưởng.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Standard Chartered Việt Nam
Các ngân hàng đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các sáng kiến tài chính xanh và đầu tư bền vững nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang một tương lai xanh hơn. Nhiều ngân hàng đang phát triển các nguyên tắc phân loại tài chính xanh như một bộ hướng dẫn cho các giao dịch tài chính xanh.
Standard Chartered Việt Nam gần đây đã cho ra mắt sản phẩm tài khoản bền vững, được thiết kế nhằm huy động nguồn tiền gửi không kỳ hạn để tài trợ các dự án xanh. Standard Chartered cam kết mở rộng quy mô và cung cấp tài trợ tài chính bền vững lên tới 300 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Mở thêm không gian tăng trưởng mới gắn với ESG là xu hướng tiềm năng nhưng không dễ với doanh nghiệp, do đó, đòi hỏi sự kiên tâm và chiến lược đường dài.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phí Mạnh Cường, Chủ tịch Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) cho biết, hơn một năm trước, Tổng công ty đã lập đề án, thuê chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước triển khai thí điểm với mục tiêu chậm nhất đến năm 2026, có sản phẩm là tín chỉ các-bon bán ra. Tuy vậy, quá trình triển khai đang gặp nhiều thách thức. Trước hết, diện tích rừng mà Vinafor quản lý hiện vào khoảng 40.000 ha, quy mô khá nhỏ so với yêu cầu triển khai là từ 100.000 ha trở lên. Tổng công ty đã lên phương án hợp tác với các địa phương có rừng để có nguồn thu từ việc bán tín chỉ các-bon nhưng cơ chế triển khai đang vướng. Cụ thể, rừng là tài sản công, nếu doanh nghiệp đầu tư kinh phí, nguồn lực để tư vấn, đo đạc, kiểm đếm tín chỉ, khi bán sẽ thực hiện theo cơ chế nào, ai bán. Một số địa phương đang đề xuất hình thức hợp tác công - tư (PPP), tuy nhiên, hình thức đầu tư này mới được áp dụng trong lĩnh vực giao thông, chứ chưa có hướng dẫn ở lĩnh vực khác.
Thực tế cũng cho thấy Việt Nam đang chậm trễ trong việc khai thác nguồn lực xanh từ bán tín chỉ các-bon rừng, dù tiềm năng được nhận định là rất lớn. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, nhiều địa phương có độ che phủ rừng cao, từ khoảng 57 - 60% và mỗi năm có thể tạo gần 1 triệu tín chỉ các-bon. Các địa phương đều kỳ vọng có thể sớm thực hiện được cơ chế này, tuy nhiên, vẫn đang chờ cơ chế để thực hiện.