Đại biểu Quốc hội lo doanh nghiệp Việt “chết mòn” vì Temu, Shein…

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc hàng loạt sàn thương mại điện tử của Trung Quốc như Temu, Shein... tràn vào Việt Nam là một sự cảnh báo lớn, nếu cơ quan quản lý không kịp thời có các biện pháp phòng vệ thương mại cần thiết thì sẽ khiến doanh nghiệp nội địa chịu cảnh "chết mòn".
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phát biểu tại họp tổ Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phát biểu tại họp tổ

Tiếp chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, tại phiên họp tổ sáng 26/10 bàn về các vấn đề kinh tế xã hội và ngân sách sáng 26/10, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại khi hàng giá rẻ bán trên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc như Temu, Shein..., mặc dù chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam nhưng đang tràn lan trên mạng xã hội, đe dọa nền sản xuất và doanh nghiệp nội địa.

Thời gian gần đây, Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc), tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo, quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội để mời gọi người mua hàng Việt Nam tải app và mua hàng, thanh toán trực tiếp trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.

Để thu hút khách hàng, nền tảng này đang khuyến mãi nhiều hàng hoá tới 70-90%. Hàng được thanh toán trực tiếp qua thẻ tín dụng hoặc ví điện tử và vận chuyển thẳng vào Việt Nam qua các doanh nghiệp hậu cần của Trung Quốc là Best Express và Ninja Van.

Trước đó, những nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc khác như Taobao, 1688, Shein cũng đã xuất hiện ở thị trường Việt Nam.

Bình luận về vấn đề này, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách nói "đây là sự cảnh báo rất lớn", bởi sản phẩm giá rẻ nước ngoài tràn vào qua kênh này sẽ triệt tiêu hàng hóa trong nước.

Theo quy định, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch/năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công thương nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan.

Tuy nhiên, tại Họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Công thương diễn ra ngày 23/10, khi được hỏi quan điểm về việc quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt gần đây là sự xuất hiện của sàn Temu, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: “Về giá cả, đến tôi cũng giật mình vì giá bán hàng hóa của Temu rất rẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải điều tra, nghiên cứu cụ thể".

Ông Tân cho biết, Bộ Công thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động.

"Bộ Công thương sẽ triển khai đề án để đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống gian lận, hàng giả, hàng nhái và có giải pháp để kiểm soát phù hợp", Thứ trưởng Bộ Công thương nói.

Để xảy ra hiện tượng các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chưa xin phép nhưng hoạt động rầm rộ ở Việt Nam, đại biểu Hoàng Văn Cường đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

"Chúng ta cần hành động, phải kiểm soát về chất lượng hàng hóa, chứ không thể buông lỏng", ông Cường nhấn mạnh.

Nêu giải pháp cụ thể, ông Cường đề nghị, cơ quan quản lý cần xem lại các giải pháp hàng rào thuế quan, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước. Cụ thể, cần xem xét, sửa đổi chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng giá trị dưới 1 triệu đồng, khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này.

Cũng tại họp tổ sáng 26/10, khi bàn về biện pháp quản lý và kiểm soát tốt kinh doanh thương mại điện tử, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho biết, 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam ước đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng 36%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới… cho thấy, kinh doanh qua mạng xã hội, qua các sàn giao dịch thương mại điện tử tăng rất nhanh.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) phát biểu tại họp tổ sáng 26/10.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) phát biểu tại họp tổ sáng 26/10.

Tuy nhiên, vị đại biểu nêu vấn đề, hàng hóa kinh doanh trên các sàn là hàng hoá gì? Nguồn gốc xuất xứ ở đâu? Tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm bao nhiêu trong số tiền 28 tỷ USD đó? Hay là chúng ta phải chi trả phần lớn số tiền ấy cho nước ngoài, do chúng ta đã mua hàng hóa với giá cực rẻ của họ, để kinh doanh trên sàn thương mại điện tử trong nước?

"Chính hàng hóa của nước láng giềng có giá quá rẻ, với chi phí logistics cực kỳ tốt và được kinh doanh dễ dàng trên sàn thương mại điện tử của ta, một mặt mang lại nhiều tiện lợi cho người dân nhưng mặt khác, nó đang khiến sản xuất và doanh nghiệp trong nước chết dần, chết mòn...", ông Tuấn lưu ý.

Đồng quan điểm, đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, người tiêu dùng lo ngại lỗ hổng pháp lý này đang mở đường cho hàng giá rẻ bên ngoài tràn vào nội địa.

Dẫn chiếu hành động của một số quốc gia khác đối với Temu như Indonesia ra lệnh cấm, Thái Lan tăng thuế còn các nước Âu, Mỹ định siết các quy định hoạt động và nhập khẩu..., ông Hiếu nói rằng, trong bối cảnh tự do hoá thương mại toàn cầu, chúng ta không thể cấm Temu hay Shein hoạt động, tuy vậy, Chính phủ cần rà soát hoạt động này để có biện pháp về thuế, quy tắc xuất xứ, xuất nhập khẩu để đảm bảo thương mại công bằng.

Bởi lẽ, cùng một mặt hàng, doanh nghiệp Việt nhập khẩu về sẽ phải nộp thuế, ghi nhãn xuất xứ, nhưng nếu bán qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu hay Shein thì không.

Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu tại họp tổ sáng 26/10

Đại biểu Phan Đức Hiếu phát biểu tại họp tổ sáng 26/10

"Đây là vấn đề rất lớn. Cơ quan quản lý cần rà soát toàn bộ hoạt động này để có biện pháp phòng vệ thương mại theo luật pháp Việt Nam và quốc tế. Theo tôi, Chính phủ cần có giải pháp ngay", ông Hiếu nêu quan điểm.

Liên quan đến câu chuyện sử dụng công cụ thuế để quản lý hàng nhập khẩu qua biên giới, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, khi bàn về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị dừng miễn thuế VAT đối với hàng hoá nhập khẩu giá trị nhỏ (dưới 1 triệu đồng) qua Shopee, Lazada và các nền tảng giao dịch khác.

Khi thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, trong thời gian qua, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần.

Báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách dẫn số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, tại Việt Nam, hằng ngày có trung bình 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok,…

Chỉ tính riêng tháng 3/2023, giá trị mỗi đơn hàng nói trên dao động từ 100.000 - 300.000 đồng. Với số lượng này, theo tính toán, hằng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, 1 tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…

Nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Từ đó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục