Ngày 29/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 2239/QĐ – TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch; các ủy viên Hội đồng là đại diện các Bộ, cơ quan: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ; đại diện Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; đại diện Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện UBND các thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ; đại diện Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam.
Thủ tướng cũng quyết định các chuyên gia phản biện Quy hoạch gồm: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trần Tùng (Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam), Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Ký (Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Khoa sau đại học, Trường Đại học GTVT), Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Phong (Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam);
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nêu trên có trách nhiệm cử đại diện cơ quan tham gia Hội đồng, gửi về cơ quan thường trực Hội đồng trước ngày 30/12/2020.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 sẽ tiếp tục cải tạo, nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có (trong đó trọng tâm là tuyến đường sắt Bắc - Nam). Đồng thời, ưu tiên triển khai và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị ở các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM; nghiên cứu, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các tuyến nối với các cảng biển lớn, khu công nghiệp, du lịch, đường sắt nối các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với đường sắt xuyên Á…
Trong đó, giai đoạn đến 2030 sẽ tiếp tục nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có (trong đó ưu tiên tuyến Bắc - Nam). Đồng thời, nghiên cứu, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; các tuyến nối với các cảng biển lớn, khu công nghiệp, du lịch, đường sắt nối các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với đường sắt xuyên Á… nhằm đáp ứng khoảng 3-4% thị phần vận tải hành khách và 4-5% thị phần vận tải hàng hóa. Tiếp tục triển khai và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp.HCM để đáp ứng khoảng 15-20% thị phần vận tải hành khách đô thị.
Đến 2050, Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; hiện đại hóa mạng lưới tuyến đường sắt hiện có đáp ứng chủ yếu về nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách địa phương; hoàn thành việc xây dựng đường sắt Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển lớn nhằm đáp ứng tối thiểu 5-8% thị phần vận tải hành khách và 5-6% thị phần vận tải hàng hóa. Hoàn chỉnh mạng đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp.HCM, phát triển đường sắt đô thị tại các thành phố lớn khác để đáp ứng được trên 30% thị phần vận tải hành khách đô thị.