Độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới: Nhìn từ “điển hình” của ngành đường sắt

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là ví dụ điển hình về độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới, với vị thế độc quyền rất lớn, gần như độc quyền toàn bộ ngành đường sắt, nhưng đã thiếu hẳn động lực nâng cao chất lượng, giảm giá thành, dẫn đến thị phần giảm và rơi vào khủng hoảng.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Hội thảo Cải cách độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng 6/7/2018 tại Hà Nội đã đề cập đến nhiều vấn đề bất cập liên quan đến độc quyền Nhà nước trong một số lĩnh vực then chốt của nền kinh tế (Viễn thông, đường sắt, điện, hàng không).

Báo cáo nghiên cứu Cải cách độc quyền nhà nước trong ngành công nghiệp mạng lưới ở Việt Nam, TS Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Thể chế kinh tế ( CIEM) nêu dẫn chứng cụ thể về độc quyền Nhà nước, khiến doanh nghiệp thậm chí rơi vào khủng hoảng từ chính sự độc quyền đó.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là ví dụ điển hình, với vị thế độc quyền rất lớn, gần như độc quyền toàn bộ ngành đường sắt, nhưng rõ ràng, ngành đường sắt  thiếu hẳn động lực nâng cao chất lượng, giảm giá thành, dẫn đến thị phần giảm.

Độc quyền nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới: Nhìn từ “điển hình” của ngành đường sắt ảnh 1

Sản lượng và luân chuyển trong ngành đường sắt giảm mạnh trong những năm gần đây. 

Nếu như năm 2010 có 11,2 triệu khách đi tàu hỏa thì đến năm 2017 con số này chỉ còn 9,5 triệu lượt.

Đường sắt vẫn là độc quyền nhà nước nên không có cạnh tranh và rất có thể sẽ tự rơi vào khủng hoảng.

Tương tự thị phần vận tải hàng hóa của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng giảm từ 0,97% - 0,39% thị phần vận tải hàng hóa. Hàng hóa vận tải của ngành đường sắt trong cùng giai đoạn này cũng giảm từ 7,8 triệu tấn xuống 5,55 triệu tấn.

Mạng lưới đường sắt nước ta hiện có tổng chiều dài 3.143km, trong đó 2.531 km tuyến chính, 612 km đường ga và đường nhánh; 3 loại khổ đường, khổ 1 mét chiếm 85%, khổi 1,435 mét chiếm 6%, và khổ đường lồng chiếm 9%.

Hiện mạng lưới có 7 tuyến chính ở nội địa và 2 tuyến đường sắt quốc tế nối với Trung Quốc tại Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lào Cai; 259 ga đường sắt, và phương tiện vận tải gồm 296 đầu máy (44 chiếc sử dụng trên 40 năm, chiếm 14,8%; 86 chiếc sử dụng 30-40 năm, chiếm 29%; 48 chiếc sử dụng 20-30 năm, chiếm 16,2%; 118 chiếc sử dụng dưới 20 năm, chiến 39,9%.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, khẳng định đường sắt Việt Nam đang lâm vào cuộc khủng hoảng rất lớn vì không thể cạnh tranh và thị phần đang ngày một giảm.

Giao thông vận tải đường sắt là bộ phận quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, loại hình vận tải chủ yếu đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn tuyến đường dài và trung bình; vận tải hành khách đường dài liên tỉnh, nhưng thực tế thì hạ tầng vận tải đường sắt Việt Nam khá biệt lập, lạc hậu và thiếu kết nối, Báo cáo nghiên cứu Cải cách độc quyền nhà nước trong ngành công nghiệp mạng lưới ở Việt Nam nêu rõ.

“Độc quyền nhà nước trong ngành đường sắt trao cho doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam độc quyền kinh doanh vận tải và khai thác sử dụng hạ tầng đường sắt. Nhưng kết cục thì hạ tầng ngành đường sắt những năm qua là đầu tư nhỏ giọt, và tất cả các hạng mục như đầu máy, toa xe, khổ đường đều lạc hậu nhiều chục năm”, theo TS Lê Đăng Doanh.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo đều khẳng định, ngành công nghiệp mạng lưới yếu kém nhất hiện nay chính là đường sắt. Mặc dù được thừa hưởng nhiều tiềm lực, có hệ thống, có cơ sở vật chất và ưu tiên của Nhà nước song đến nay, đây là ngành có năng lực yếu nhất, không xứng đáng trong chuỗi phát triển của Việt Nam chứ chưa so sánh với nước ngoài.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế độc lập khẳng định, ngành đường sắt không đáng để có vị trí như bây giờ.

Trong khi ở các quốc gia khác đường sắt có ưu thế rất lớn, vị trí cạnh tranh rất lớn đối với các phương thức vận tải khác khi nó có năng lực chuyên chở lớn về hàng hoá, người và phương tiện, đường sắt ở các nước được thừa hưởng hệ thống cơ sở hạ tầng và cũng cạnh tranh sòng phẳng với các phương thức khác.

Còn ở Việt Nam lâu nay,  đường sắt yếu kém không cải tổ, thậm chí không muốn cải tổ bằng việc loại bỏ độc quyền, khiến đường sắt không phát huy được lợi thế vận tải vốn có.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục