Thu ngoài lãi là “cứu cánh” lợi nhuận của ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn thu ngoài lãi, từ phí dịch vụ được kỳ vọng sẽ là “cứu cánh” lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý giãn cách xã hội vừa qua.
Gần 60% tổ chức tín dụng trong cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2021 kỳ vọng, kết quả hoạt động quý cuối năm sẽ tăng trưởng so với quý III. Gần 60% tổ chức tín dụng trong cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2021 kỳ vọng, kết quả hoạt động quý cuối năm sẽ tăng trưởng so với quý III.

Tỷ trọng dịch vụ đóng góp tăng

Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng được đẩy mạnh, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi chuyển dần thói quen sang thanh toán phi tiền mặt. Đáng chú ý, trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài trong quý III/2021, hầu hết việc thanh toán của người dân đều thông qua hình thức “không chạm”. Thậm chí, ngay cả người mua và những đơn vị bán hàng cũng từ chối trao - nhận tiền mặt, nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm Covid-19.

Chuyển đổi số giúp các ngân hàng vượt qua khó khăn trong đại dịch. Điều này được chứng minh qua kết quả kinh doanh của các nhà băng khi tỷ trọng nguồn thu từ phí dịch vụ, bán bảo hiểm... trong tổng lợi nhuận ngân hàng là không nhỏ. TPBank là ngân hàng đầu tiên tiết lộ kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm 2021, với lợi nhuận trước thuế gần 4.400 tỷ đồng, đạt 75,76% kế hoạch năm.

Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, Ngân hàng đã có những điều chỉnh tích cực theo hướng đa dạng hóa nguồn thu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu lãi từ tín dụng. Thu lãi thuần từ dịch vụ trong 3 quý đầu năm 2021 của TPBank tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.052 tỷ đồng. Trong đó, thu dịch vụ từ hoạt động thanh toán, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Thu nhập lãi thuần trong quý III/2021 của các ngân hàng ước tính giảm khoảng 2% so với quý II.

Tương tự, tại ACB, số lượng giao dịch tăng gấp đôi trong 8 tháng đầu năm 2021, cho dù Ngân hàng phải đóng cửa tạm thời đến 100 điểm giao dịch vì dịch bệnh. ACB kỳ vọng, nguồn thu từ phí dịch vụ sẽ đóng góp tích cực vào tổng lợi nhuận của Ngân hàng trong quý III cũng như ba quý đầu năm 2021. Mục tiêu của ACB là gia tăng nguồn thu từ mảng dịch vụ, với tỷ trọng tăng 30 - 40% hàng năm. Trong đó, thu từ phí bảo hiểm đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng lợi nhuận của Ngân hàng.

Nửa đầu năm 2021, lãi thuần dịch vụ của ACB đạt 1.511 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu đến từ mảng bảo hiểm khi Ngân hàng chính thức phân phối độc quyền sản phẩm nhân thọ của Sunlife Việt Nam, khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD (tương đương 8.500 tỷ đồng). Vì vậy, ACB đặt mục tiêu đạt thêm 1.300 tỷ đồng từ phí dịch vụ trong nửa cuối năm 2021.

Báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của các nhà băng cho thấy, hầu hết ngân hàng đều có tổng lợi nhuận sau thuế ở mức cao, nhưng phần lớn đến từ hoạt động dịch vụ. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của BIDV đạt 3.175 tỷ đồng, VietinBank đạt 2.639,9 tỷ đồng, MSB đạt 2.197 tỷ đồng...

Lãnh đạo các nhà băng cho hay, sở dĩ lợi nhuận tăng trong nửa đầu năm 2021 chủ yếu nhờ tăng thu từ dịch vụ, ngân hàng số và kỳ vọng, thu từ phí sẽ là “cứu cánh” lợi nhuận trong hai quý cuối năm.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa có báo cáo phân tích lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý III/2021, đề cập tăng trưởng tín dụng toàn ngành bị chững lại do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhưng đây không phải là điều quá bất ngờ. Công ty chứng khoán này dự báo, biên lãi ròng sẽ giảm do các ngân hàng hạ lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Theo đó, thu nhập lãi thuần trong quý III/2021 của các ngân hàng giảm khoảng 2% so với quý II.

Tuy nhiên, Chứng khoán Yuanta kỳ vọng, thu nhập phí của các ngân hàng trong quý III sẽ tăng, trở thành động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận trong quý này. Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, ít nhất là đến cuối năm, giúp biên lãi ròng cải thiện trong quý IV, khi tín dụng tăng trở lại trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Nguồn thu từ lãi chịu áp lực

Nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, nhưng đồng thời cũng “nuôi” con nợ để có thể thu hồi được nợ gốc, nhất là với doanh nghiệp, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.

Cụ thể, Agribank có tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 4.726 tỷ đồng; tổng số tiền lãi đã giảm tại BIDV là 1.032 tỷ đồng, tại VietinBank là 857 tỷ đồng, tại Vietcombank là 943 tỷ đồng, tại MB là 550 tỷ đồng, tại Techcombank là 155 tỷ đồng, tại ACB là 83 tỷ đồng...

Vì vậy, lợi nhuận quý III/2021 của ngành ngân hàng được nhìn nhận sẽ “ngấm” dịch Covid-19 và nhiều nhà băng cũng thể hiện quan ngại này trong cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2021 của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước. Lần đầu tiên kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều tra xu hướng kinh doanh theo quý (từ quý I/2014), hệ thống tổ chức tín dụng dự kiến, lợi nhuận trước thuế cùng các kết quả hoạt động kinh doanh cụ thể như thu nhập ròng từ lãi, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ, thu nhập từ hoạt động tự doanh trong quý điều tra có chiều hướng suy giảm so với quý liền trước.

Dự báo, trong tương lai, lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm đáng kể, vì đại dịch đang gây khó khăn cho cả những khoản nợ nhóm 1, là những khoản ngân hàng được phép tính dự thu trong thu nhập và nếu không thu được thì phải thoái thu. Trong khi đó, ngoài các nhà băng quy mô lớn thì với các ngân hàng vừa và nhỏ hiện nay, nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận vẫn chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần. Bên cạnh đó, trước mắt là năm 2021, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tối thiểu 30%, đây chính là một áp lực lớn.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - tài chính, kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra đến nay, ngành ngân hàng đã nhanh chóng có các giải pháp hỗ trợ nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đã giúp giảm nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp, tạo nguồn tiền cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Nhưng bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, giảm lãi vay tức là giảm lợi nhuận ngân hàng và cổ tức cho cổ đông. Do đó, việc giảm lãi suất cần cụ thể về số dư nợ trong hạn được giảm bao nhiêu lãi vay…

Trong khi đó, chủ tịch một nhà băng cho rằng, với nền kinh tế, thị trường vốn cung ứng vốn chính. Hiện thị trường vốn chưa phát triển như mong muốn, nên thị trường tiền tệ vẫn đang vận hành và cung ứng nguồn vốn chính cho nền kinh tế. Do đó, ngân hàng phải “khỏe” và lợi nhuận tốt là yếu tố tích cực.

Thực tế, lợi nhuận ngân hàng được đóng góp không nhỏ từ nguồn thu ngoài lãi, nhất là với những nhà băng có sản phẩm, dịch vụ tài chính trên công nghệ số hiện đại, thu hút được người dùng trước làn sóng số hóa hiện nay.

Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2021 của các ngân hàng cho thấy, lãi dịch vụ ngân hàng tăng mạnh một phần nhờ nghiệp vụ ủy thác, phí dịch vụ đại lý bảo hiểm. Thu nhập từ nghiệp vụ này nửa đầu năm của nhiều nhà băng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, thu từ dịch vụ ngân quỹ và dịch vụ khác cũng đều tăng trưởng cao.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục