Báo cáo tài chính thường thiếu thông tin
Hợp nhất báo cáo tài chính là một kỹ thuật khó trong kế toán và cần có sự kết hợp các yêu cầu của chuẩn mực Báo cáo tài chính hợp nhất (Chuẩn mực 25) và chuẩn mực Hợp nhất kinh doanh (Chuẩn mực 11).
Sai sót thường xảy ra liên quan đến việc phân loại các khoản đầu tư thành công ty con, công ty liên kết, công ty liên doanh hay một khoản đầu tư vốn dài hạn, sau đó liên quan đến việc xác định được đầy đủ các giao dịch và số dư giữa các đơn vị của tập đoàn và các khoản lợi nhuận chưa thực hiện cần phải loại trừ khi hợp nhất.
Ngoài ra, việc xác định giá trị hợp lý của tài sản ròng của một công ty con, mà công ty mẹ vừa mua, cũng là vấn đề có thể dẫn đến sai sót liên quan đến việc ghi nhận lợi thế thương mại, đặc biệt khi lợi thế này được tạo ra do việc cơ cấu lại các khoản đầu tư chịu sự kiểm soát chung bởi cùng một cá nhân/nhóm cá nhân/DN/nhóm DN.
Báo cáo tài chính của DN Việt Nam thường thiếu thông tin, thậm chí là không chuẩn xác, khiến công chúng khó có được cái nhìn đầy đủ về sức khỏe DN. Đây là vấn đề mà dường như ai cũng dễ dàng đồng ý, nhưng không phải ai cũng biết là thông tin gì đang thiếu và thông tin thiếu đó ảnh hưởng thế nào đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư.
Thực tế cho thấy, có nhiều thông tin chưa được trình bày thỏa đáng trong báo cáo tài chính hay thông tin báo cáo tài chính được trình bày sai với bản chất của nó. Ví dụ, khoản phải thu khó thu hồi được cơ cấu lại thành khoản trái phiếu để tránh việc lập dự phòng, hay các khoản hợp tác đầu tư hay giao dịch với đối tượng có yếu tố đối nghịch quyền lợi nhưng lại được trình bày như các giao dịch thông thường với các bên không liên quan.
Tuy nhiên, điểm quan trọng hơn ảnh hưởng tới chất lượng báo cáo tài chính là việc DN kiểm toán/kiểm toán viên không thu thập đủ bằng chứng kiểm toán hay không xử lý các bằng chứng kiểm toán và phản ánh trung thực trên báo cáo kiểm toán. Người viết đã gặp trường hợp kiểm toán viên gửi xác nhận số dư tài khoản của một DN, nhưng không tiến hành các thủ tục bổ sung khi mà kiểm toán viên này không nhận được phản hồi từ thư xác nhận số dư.
Cần sự tự giác của DN, tính chuyên nghiệp của công ty kiểm toán
Thông tư 200/2014/TT-BTC có một thay đổi rất lớn, đó là yêu cầu việc hạch toán kế toán được tiến hành dựa vào bản chất hơn là hình thức, cũng như yêu cầu DN chủ động thuyết minh các thông tin có tính hữu ích cho người sử dụng báo cáo tài chính. Tuy nhiên, để đạt được chất lượng thực tế thì cần có sự tự giác của DN, tính chuyên nghiệp của công ty kiểm toán và việc hướng dẫn, kiểm tra sát sao của hội nghề nghiệp và Bộ Tài chính. Thông tư 200 có nhiều điểm mới, nhưng việc áp dụng sẽ rất khác biệt trong giai đoạn đầu.
Để nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, điểm quan trọng và mấu chốt là các giao dịch nội bộ hay các giao dịch với các bên có ảnh hưởng đáng kể đến DN được nhận dạng, kiểm soát và thuyết minh đầy đủ. Hiện tại, TTCK Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp khi một cá nhân thông qua các bên khác để kiểm soát DN nhưng trong báo cáo tài chính lại không được xác định là bên liên quan. Ngoài ra, việc lựa chọn công ty kiểm toán cũng là vấn đề quan trọng để nâng cao chất lượng báo cáo tài chính.
Ở các thị trường phát triển, kiểm toán viên thường được bổ nhiệm bởi Ủy ban Kiểm toán và ủy ban này có trách nhiệm giám sát chất lượng báo cáo tài chính và hoàn toàn độc lập với ban giám đốc. Khi có Ủy ban Kiểm toán độc lập, kiểm toán viên có thể trao đổi trực tiếp các vấn đề kiểm toán/kế toán và chất lượng kiểm toán sẽ do Ủy ban đánh giá dựa vào chất lượng kiểm toán, hơn là dựa vào các tiêu chí thông thường hiện nay trên TTCK là giá cả và "dễ bảo".