TTCK tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh khi ngay tại thời điểm hiện nay, khi Thông tu 36 chính thức có hiệu lực. Sự xuất hiện của Thông tư 36 khiến nhiều NĐT lâu năm nhớ lại ảnh hưởng của Chỉ thị 03/NHNN vào tháng 11/2007 đến TTCK giai đoạn đó. Nhiều NĐT hiểu đơn giản và lo ngại rằng, nếu dòng vốn tín dụng vào TTCK sẽ bị thắt chặt thì thị trường sẽ không thể lên được và bán cổ phiếu ra. Liệu kịch bản của TTCK 2007 có lặp lại?
Khó khăn chỉ là tạm thời
Thông tư 36 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 20/11/2014 đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2015.
TTCK phản ứng khá tiêu cực với 3 phiên giảm điểm liên tiếp, khi nhiều nhà đầu tư đánh giá văn bản này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn lực cho vay của các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán đối với hoạt động đầu tư chứng khoán.
Để tuân thủ Thông tư 36, một số ngân hàng thương mại đã công bố dừng giải ngân một số sản phẩm cho vay đối với hoạt động đầu tư chứng khoán. Một số công ty chứng khoán cũng có thông báo tạm ngừng các sản phẩm cho vay hợp tác ba bên giữa nhà đầu tư, công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại.
Các thông tin trên đã làm nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại, song nếu phân tích một cách thấu đáo ở nhiều khía cạnh, sẽ nhận thấy rằng, bối cảnh Thông tư 36 ra đời khác xa bối cảnh của Chỉ thị 03/NHNN. Trong đó, hệ thống ngân hàng thương mại đang trải qua quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ và quyết tâm xử lý nợ xấu, sở hữu chéo và góp phần ngăn chặn việc sử dụng tiền gửi của ngân hàng chuyển sang các công ty sân sau. Hạn chế các yếu điểm và tiêu cực của hệ thống ngân hàng thương mại qua đó giúp hệ thống tài chính ổn định, bền vững hơn và như vậy sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung cũng như TTCK nói riêng. Cụ thể:
l Thứ nhất, quy định chặt chẽ về hoạt động cho vay đầu tư cổ phiếu tại các ngân hàng thương mại hoặc công ty chứng khoán sẽ giảm thiểu yếu tố đầu cơ ngắn hạn với dòng tiền tín dụng nóng trên TTCK. Điều này sẽ khiến TTCK sẽ có các nhịp tăng trưởng lành mạnh, bền vững và phản ánh đúng triển vọng của nền kinh tế vĩ mô nói chung và lợi nhuận doanh nghiệp nói riêng.
Thứ hai, Thông tư 36 sẽ thúc đẩy và khuyến khích các công ty chứng khoán tăng cường nguồn lực tài chính, thay đổi chiến lược kinh doanh, nhằm cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ thay vì chạy đua bằng hoạt động cho vay với tỷ lệ cao đầy rủi ro.
Thứ ba, Thông tư 36 chính là một công cụ mạnh để NHNN có thể xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo đang tồn tại dai dẳng trong hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay, qua đó hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Điều này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho triển vọng kinh tế của Việt Nam trong các năm tới qua đó hỗ trợ mạnh mẽ cho triển vọng dài hạn của TTCK.
Thông tư 36 và Đạo luật Glass Steagall Act
Nhắc đến đạo luật Glass Steagall Act, người ta không khỏi nhắc tới thời kỳ "Đại suy thoái" của Mỹ giai đoạn 1929 -1933 khiến hệ thông ngân hàng sụp đổ. Trong bối cảnh đó, Đạo luật Glass Steagall được đưa ra và đặt trọng tâm vào việc tách biệt cơ chế hoạt động ngân thương mại ra khỏi hoạt động đầu tư chứng khoán của Phố Wall. Đây là bức tường bảo vệ an toàn và hiệu quả cho tiền gửi tiết kiệm, phân tách dòng vốn chảy vào sản xuất và dòng vốn đầu tư tài chính. Sau khi đạo luật này được áp dụng, TTCK Mỹ trải qua thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ từ mức Dow Jones 100 điểm năm 1933, lên mức 500 điểm năm 1955 và ổn định nhiều năm sau đó đến năm 1998.
Điều này cho thấy, về mặt triển vọng, chúng ta cũng có thể kỳ vọng Thông tư 36 sẽ giúp thị trường có những bước phát triển ổn định và bền vững hơn, tránh những cú sốc tăng hay giảm đột biến và mạnh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và gây thiệt hại cho NĐT.
Vai trò định hướng dòng tiền chuyển sang “vai” các CTCK
Trên thực tế, trái với lo ngại chung của thị trường sau khi Thông tư 36 chính thức có hiệu lực, một số công ty chứng khoán lớn đang và đã có sự chuẩn bị cùng định hướng cụ thể nhằm đảm bảo nguồn lực cho thị trường phát triển ổn định, bền vững.
Trong đó, một số công ty chứng khoán lớn như HSC, SSI, và MBS… đã định hướng khách hàng chuyển sang sử dụng sản phẩm margin chuẩn và cam kết đảm bảo nguồn lực tài chính phục vụ khách hàng. Bên cạnh đó, các công ty đã có những bước chuẩn bị chủ động về nguồn lực cũng như sản phẩm mới để đảm bảo khả năng tăng trưởng trong thời gian tới.
Ngày 20/1/2015, SSI công bố phát hành riêng lẻ thành công 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi và không có tài sản đảm bảo. Đây là 500 tỷ đồng đầu tiên của "lô" trái phiếu 1.500 tỷ đồng mà SSI lên kế hoạch phát hành trong năm nay. Mới đây, VCBS cũng công bố hoàn tất đợt phát hành trái phiếu lần thứ 2 trị giá 300 tỷ đồng, nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Theo kế hoạch, VCBS sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu cho các đợt sau, dự kiến đợt phát hành tiếp theo sẽ thực hiện vào cuối quý II/2015 với khối lượng khoảng 200 - 300 tỷ đồng. Với CTCK có ngân hàng mẹ đứng sau như MBS, mặc dù có lợi thế từ sự hỗ trợ toàn diện của ngân hàng mẹ, nhưng MBS cũng đã lên kế hoạch củng cố nguồn vốn thông qua việc phát hành trên 1.000 tỷ đồng trái phiếu, bao gồm trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu thường trong 6 tháng đầu năm 2015. Trái phiếu MBS hiện nhận được sự quan tâm của một số nhà đầu tư lớn trên thị trường.
Làn sóng tăng vốn trong năm 2015 với các CTCK là tất yếu và điều này sẽ giúp TTCK có thêm nguồn lực để phát triển một cách ổn định và chắc chắn hơn. Và vai trò định hướng dòng tiền sẽ chuyển từ ngân hàng thương mại sang các CTCK, đặc biệt là về cả mặt sản phẩm và chất lượng tư vấn.
Củng cố và tạo đột phá bằng sản phẩm
Về mặt sản phẩm, nhiều công ty chứng khoán đã chủ động đưa ra các sản phẩm mới nhằm phục vụ tốt hơn khách hàng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Chẳng hạn, MBS đã xây dựng lại toàn bộ hệ thống sản phẩm dịch vụ theo tiện ích sản phẩm đa dạng. Sản phẩm Trading T+ (cho vay miễn lãi tối đa lên đến 6 ngày) của MBS có thể tối ưu hóa lợi ích cho các khách hàng giao dịch liên tục. Khách hàng sẽ có 2 ngày T+3 và T+4 để bán chứng khoán mà không phải chịu bất kỳ một khoản lãi vay nào.
Về mặt lãi suất cho vay, CTCK cũng đang áp dụng những mức rất đa dạng. Hai công ty chiếm thị phần hàng đầu là SSI và HSC, mức lãi suất margin cao hơn khá nhiều các CTCK có ngân hàng mẹ đứng sau. HSC hiện áp dụng mức lãi suất margin bình quân là 14,5%/năm và SSI áp dụng mức lãi suất margin là 14%/năm.
Các CTCK có ngân hàng mẹ đứng sau có mức ưu đãi cho khách hàng cũng khác nhau, CTCK Maritime Bank áp dụng lãi suất 16%/năm, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) mức 12,5% cho khách hàng có giá trị tài khoản lớn hơn 1 tỷ đồng và khách hàng mới, còn lại các khách hàng khác là 13,5%. CTCK MB (MBS) áp dụng cho tất cả các khách hàng mức lãi suất là 13%/năm…
Về tổng thể, Thông tư 36/TT-NHNN ít nhiều tác động tới thị trường trong ngắn hạn, khi một số công ty chứng khoán nhỏ khó tiếp cận các nguồn lực tài chính từ ngân hàng thương mại do đó giảm một phần nguồn vốn cho TTCK. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán lớn sẽ đa dạng hóa nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu và cổ phiếu, qua đó, bù đắp sự thiếu hụt trên, đủ sức hỗ trợ hoạt động đầu tư của khách hàng.