TTCK giảm: “Con dê tế thần” mang tên Thông tư 36!
Trong ngày đầu tuần (2/2), sau khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN chính thức có hiệu lực, chỉ số chứng khoán trên 2 sàn giao dịch chìm trong sắc đỏ với hàng loạt mã giảm điểm được nhìn nhận là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư muốn thoát khỏi trạng thái nắm giữ cổ phiếu, đẩy áp lực bán tăng cao. Kết thúc phiên giao dịch này, VN-Index giảm 5,7 điểm (-0,99%), xuống 570,37 điểm. VN30-Index giảm 8,08 điểm (-1,33%), xuống 598,46 điểm. Song song với đó, thanh khoản trong ngày cũng sụt giảm khá mạnh khi tổng khối lượng giao dịch giảm gần 17% so với phiên cuối tuần trước…
“Mọi tội lỗi được dồn lên ‘con dê tế thần’ có tên Thông tư 36. Thực tế, Thông tư 36 đã được các nhà đầu tư quan tâm từ cuối năm ngoái và họ đã tính toán đến chuyện không có việc điều chỉnh lùi thời hạn thực hiện thông tư này. Do đó, nếu TTCK có chao đảo vì Thông tư 36 thì điều này đã xảy ra từ trước ngày 1/2 chứ không phải đến ngày Thông tư có hiệu lực mới giảm mạnh. Thông tư 36 nói chính xác là có tác động đến TTCK, chứ không phải là ‘tội đồ’ duy nhất gây nên những ảm đạm của thị trường trong những ngày qua”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhìn nhận.
Trả lời câu hỏi của ĐTCK, sau hai ngày Thông tư 36 có hiệu lực, NHNN đã nhận được phàn nàn gì từ phía TTCK? Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN cho biết, là không. Theo Phó Thống đốc, thực tế thị trường đều hiểu, Thông tư 36 không phải vì riêng lợi ích của ngành ngân hàng, mà cả nền kinh tế nói chung. Hệ thống ngân hàng được ví như mạch máu trong một cơ thể, mạch máu có thông suốt, cơ thể mới khỏe mạnh, nên một hệ thống ngân hàng mạnh trên cơ sở các ngân hàng hoạt động đúng luật pháp, quy định, phát triển bền vững, sẽ tạo sự ổn định cho đất nước.
“Một DN vay vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp công nghệ thông tin… để phát triển lâu dài là phải dựa vào vốn của TTCK, còn vốn vay từ ngân hàng chỉ là nguồn vốn lưu động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay bắt ngân hàng tham gia ‘cả phần gốc và phần ngọn’ là phi lý. Thị trường vốn và thị trường tiền tệ cần có sự hỗ trợ lẫn nhau nhưng không thể dựa vào nhau”, ông Thanh phân tích thêm.
Theo ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB, TTCK trong những ngày gần đây có xuất hiện những phiên giảm khá mạnh chủ yếu là do yếu tố tâm lý chưa vững chắc của các nhà đầu tư. Xét về tổng thể các yếu tố vĩ mô, đây mới là tháng đầu tiên của năm, nên chưa thể đánh giá có yếu tố nào có thể tác động tiêu cực đến thị trường. Các mục tiêu tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, cán cân thương mại, thu hút đầu tư, tỷ giá, lãi suất… vẫn ổn định, hỗ trợ cho các triển vọng kinh tế. Xét các yếu tố sự vụ, có lẽ một vài sự kiện nổi bật trên thị trường tài chính gần đây có thể phần nào tác động đến các nhà đầu tư.
Chẳng hạn, Thông tư 36 có hiệu lực từ 1/2/2015 chắc chắn có tác động đến một phần công tác triển khai các hoạt động cấp tín dụng cho vay margin (ngân hàng nào đã hết room, bắt buộc phải dừng cấp thêm tín dụng cho kinh doanh chứng khoán) tại một số ngân hàng. Hay việc NHNN có quyết định liên quan đến ngân hàng VNBC và các giải pháp tái cơ cấu khác nhằm ổn định hệ thống, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, cũng tác động đến việc đầu tư khi nhà đầu tư phải tự đánh giá và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
“Theo quy luật hàng năm, thời điểm giáp Tết, các nhà đầu tư thường có tâm lý muốn duy trì tiền mặt nhiều hơn, nên sẵn sàng cắt lỗ để cơ cấu lại danh mục… Tuy nhiên, xét tổng thể, không có yếu tố chủ đạo nào có thể dẫn dắt một xu thế giảm mạnh của TTCK ở thời điểm hiện tại”, ông Quang nói.
TTCK: Cần đi lên bằng “đôi chân” của mình
Sang đến ngày 4/2, TTCK đảo chiều với sự trở lại của nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/2, VN-Index tăng 3,98 điểm, lên 561,45 điểm, khối lượng giao dịch đạt 100,16 triệu cổ phiếu. HNX-Index tăng 0,63 điểm, lên 83,2 điểm, khối lượng giao dịch đạt 33,56 triệu cổ phiếu. Thanh khoản hai sàn đạt 1.968 tỷ đồng.
Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, theo ước tính của BIDV, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống NHTM hiện nay khoảng 435.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức dư nợ cấp tín dụng tối đa cho riêng đầu tư kinh doanh cổ phiếu, tương ứng 5% vốn điều lệ, sẽ tương ứng khoảng 21.750 tỷ đồng. Số liệu này hiện đang lớn hơn nhiều số dư cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.
“Quy định này, cùng với điều kiện được cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu (TCTD phải đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3%), thể hiện rất rõ định hướng của NHNN trong quản lý hoạt động cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu tại các TCTD. Tuy nhiên, theo tính toán ở trên, những tác động của quy định này đến TTCK mang tính trung và dài hạn. TTCK sẽ phát triển ổn định và bền vững hơn nhờ nguồn vốn đầu tư thực chất, vì mục đích phát triển doanh nghiệp”, ông Phương nói.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thị trường đang ở giai đoạn khá nhạy cảm từ yếu tố chính sách, trong khi thiếu vắng các thông tin hỗ trợ mới, do đó các chỉ số có thể có thêm vài phiên diễn biến khó khăn trước khi hồi phục thực sự trở lại khi có thông tin vĩ mô sáng sủa, tích cực hơn về xuất nhập khẩu, tỷ giá, bất động sản, nợ công, nợ xấu…
“Câu chuyện TTCK đi xuống còn do nhiều tác động khác như hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN ảm đảm, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn… Đặc biệt, nếu TTCK đi lên do vốn ngân hàng đổ vào, tôi cho rằng, đó chính là điều tai hại cho đất nước. Không ai muốn thừa nhận cái yếu của mình và cần phải tìm chỗ đổ lỗi, nhưng TTCK cần phát triển thực sự, đi lên bằng ‘đôi chân’ của mình. Thông tư 36 nhằm hỗ trợ TTCK phát triển lành mạnh”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh nhấn mạnh.