Đó là một trong những ý chính ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam trao đổi với ĐTCK xung quanh câu chuyện NHNN quốc hữu hóa Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB).
Tại sao ĐHCĐ của VNCB diễn ra từ cuối tuần trước mà đến đầu tuần này NHNN mới ra thông cáo báo chí, thưa ông?
Không phải NHNN bưng bít thông tin mà sự thận trọng này là có lý do. Câu chuyện này khá nhạy cảm và mới, nên đòi hỏi thông tin đưa ra chính thống, tránh những bình luận một cách vô tội vạ sẽ tác động xấu đến nền kinh tế. Mà thực tế tôi muốn nhấn mạnh ở đây là câu chuyện tái cơ cấu nói chung, chứ không riêng gì vấn đề của VNCB.
Như ông nói, có thể hiểu là việc quốc hữu hóa VNCB là trường hợp đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam? Tại sao NHNN không cho sáp nhập luôn vào một ngân hàng khác như ở đây là Vietcombank?
Đúng vậy và tôi hy vọng năm 2015 sẽ làm tiếp và xử lý hết các ngân hàng tương tự. Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ rằng, câu chuyện quốc hữu hóa ngân hàng cũng đã được triển khai ở các quốc gia khác trên thế giới.
Gần đây nhất là tại Mỹ, giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, Chính phủ Mỹ đưa tiền thực vào tạo thanh khoản trong một số ngân hàng để làm cổ phần. Khi phục hồi được, giá tăng, Chính phủ Mỹ bán hết cổ phần rồi rút vốn ra.
Và Việt Nam cũng làm như vậy trên cơ sở Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”. Khi một ngân hàng hoạt động kinh doanh bị lỗ, mất vốn, không bổ sung tiếp được nguồn tiền, ông chủ và cổ đông hết quyền, rời khỏi vị trí để NHNN nắm quyền. Mục tiêu lúc này không phải là kinh doanh mà là ổn định chính trị, xã hội.
Để ổn định chính trị, xã hội thì phải có tiền trả cho người dân (người gửi tiền – PV) khi cần, nên bắt buộc phải ổn định tổ chức và Nhà nước vào can thiệp để ổn định niềm tin, người dân có tiền không rút ra mà còn gửi vào ngân hàng trong điều kiện ổn định. Đây là một động thái khôn khéo để ngân hàng tự phục hồi, có tiền mới trả tiền cũ, huy động được vốn kinh doanh, có lợi nhuận, phục hồi…
NHNN cũng chưa cho sáp nhập ngay vào ngân hàng khác vì VNCB đang lỗ quá, nhập vào sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng nhận sáp nhập. Khi Ngân hàng phát triển ổn định trở lại, NHNN triển khai sáp nhập vào một ngân hàng khác để giảm đầu mối và cũng không loại trừ việc bán cho một ngân hàng khác thu hồi vốn Nhà nước về.
NHNN sẽ chịu trách nhiệm với người gửi tiền
Trao đổi với ĐTCK, một vài cổ đông cho rằng chính họ cũng là người bị thiệt hại?
Cổ đông nào làm bậy (kinh doanh không tuân thủ theo pháp luật - PV) thì chắc chắn bị tước quyền và tất nhiên, việc làm bậy có ở một số người, chứ không phải là tất cả nhưng tham gia vào câu chuyện kinh doanh phải chấp nhận cuộc chơi lời ăn, lỗ chịu. NHNN sẽ chịu trách nhiệm với người gửi tiền, còn người đầu tư vốn, mất là phải chịu chứ NHNN không bảo kê cho bất kỳ một ai.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, NHNN không thể can thiệp sâu vào từng ngân hàng khi kinh doanh, bởi họ sẽ mất quyền tự chủ mà NHNN chỉ 2-3 năm thanh tra một lần. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, NHNN sẽ đánh giá lại giá trị thực vốn điều lệ. Nếu phát hiện ngân hàng nào thiếu vốn, NHNN kiên quyết bắt buộc phải tăng vốn. Nếu không tăng được vốn, NHNN sẽ mua phần thiếu để đảm bảo vốn hoạt động. Tất nhiên, câu chuyện này sẽ đụng chạm tới nhiều bên, nhưng việc mất hết vốn, hoặc âm vốn là cũng như nhau đối với người gửi tiền. Nhà nước tham gia chi phối là để chịu trách nhiệm với người gửi tiền, còn xử lý những tồn tại nặng, nhẹ đối với từng trường hợp cụ thể sẽ khác nhau.
Ông đã từng đề cập tới chuyện để một ngân hàng phá sản, tại sao lần này NHNN không mạnh tay?
Nếu ngân hàng phá sản (nghĩa là lâm vào tình trạng mất khả năng thanh khoản - PV) người dân sẽ mất hết tiền mà NHNN không muốn vấn đề đó xảy ra. Tôi muốn nhắc lại mục tiêu của NHNN là để tạo cho hệ thống ngân hàng ổn định cũng đồng thời là ổn định về mặt xã hội vì nếu xã hội mất lòng tin, đặc biệt là lòng tin vào ngành tài chính - ngân hàng có nghĩa là người dân không tin vào chế độ. Do đó, NHNN mua lại bắt buộc cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/cổ phần để nắm quyền tại đây.
Như vậy, có thể hiểu là câu chuyện để phá sản được một ngân hàng, chúng ta sẽ còn phải chờ đợi rất lâu?
Sẽ có những ngân hàng phải phá sản, nhưng trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ chưa muốn một ngân hàng phá sản. Theo đó, có khả năng cứu được ngân hàng thì Chính phủ vẫn cứu với mục tiêu là để đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, còn người gây ra hậu quả Nhà nước sẽ xử lý, tài sản của họ sẽ bị thanh lý.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói rộng ra trong nền kinh tế Việt Nam, DN tự chết có, DN ra tòa tiến hành thủ tục phá sản cũng có nhưng được tòa án tuyên bố phá sản theo đúng luật thì rất hiếm. Trong khi đó, việc phá sản DN là tương đối dễ nhất bởi không liên quan đến người dân mà chủ yếu dính dáng đến tài sản của DN và công nợ với nhau.
Còn câu chuyện của ngành ngân hàng là tiền huy động trong dân nên nếu phá sản sẽ ảnh hưởng đến ổn định xã hội, do đó bắt buộc phải xử lý làm sao cho tốt. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, việc phá sản ngân hàng cũng có những cái khó về mặt thủ tục, nhưng dẫu sao, về lâu dài chắc chắn cũng phải có luật lệ, khái niệm rõ ràng để người dân dần dần có ý thức về vấn đề này.