Thống nhất trình Quốc hội nhiều cơ chế vượt trội cho đầu tàu kinh tế TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan soạn thảo Nghị quyết đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ năm, có hiệu lực thi hành sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua và được thực hiện trong 5 năm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận.

Tiếp tục phiên họp thứ 23, chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Thí điểm 7 nhóm chính sách trong 5 năm

Báo cáo tóm tắt dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết có 7 nhóm cơ chế, chính sách.

Nhóm 1 gồm các cơ chế chính sách về quản lý đầu tư, trong đó có quy định Thành phố áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD): sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt dọc theo tuyến Đường sắt đô thị số 1, số 2, các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 để thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.

Thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa với quy mô không thấp hơn 100 tỷ đồng.

Nhóm 2 về các cơ chế chính sách về tài chính ngân sách có quy định tổng mức dư nợ vay của Thành phố không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Nhóm này cũng quy định các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) bao gồm tăng vốn điều lệ từ nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Thành phố, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ.

Thành phố được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.

Nhóm 3 gồm các cơ chế chính sách về tài nguyên môi trường, cho phép Thành phố xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Nhóm 4 là các cơ chế chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược, quy định ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực như sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới…

Các ưu đãi nhà đầu tư chiến lược được hưởng như: ngân sách Thành phố hỗ trợ một phần chi phí, ưu tiên thủ tục hải quan, khấu trừ 150% chi phí thực tế chi phí R&D để tính thu nhập chịu thuế; Quy định các điều kiện để kiểm soát việc nhà đầu tư thực hiện các cam kết, tiến độ thực hiện dự án.

Nhóm 5 là các cơ chế, chính sách về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, quy định miễn, giảm thuế thu nhập đối với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố. Quyết định chính sách thu hút và giữ chân nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ.

Nhóm 6 về các cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy của Thành phố, cho phép Thành phố quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định bố trí ngân sách Thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.

Nhóm 7 gồm các cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy của Thành phố Thủ Đức quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức.

Nhóm này còn có quy định việc thành lập một số Ban, phòng Ban, Văn phòng thuộc thành phố Thủ Đức; quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của HĐND và UBND TP. Thủ Đức.

Cơ quan soạn thảo đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ năm, theo trình tự thủ tục rút gọn tại một kỳ họp Quốc hội, có hiệu lực thi hành sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua và được thực hiện trong 5 năm.

Chính sách mới phải tạo cú hích cho TP.HCM

Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Về phạm vi chính sách, cơ quan thẩm tra lưu ý, đối với những chính sách chưa đủ căn cứ thực tiễn, chưa rõ về nội hàm, có thể dẫn đến vướng mắc pháp luật thì không nên quy định. Cụ thể về việc: Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế; Phát triển SaiGon Coop theo mô hình Liên đoàn Hợp tác xã, đề nghị thể hiện theo đúng Nghị quyết 31, không mở rộng phạm trù chính sách.

Các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ đều tán thành cao sự cần thiết trình Quốc hội ban hành nghị quyết, tạo điều kiện cho đầu tàu kinh tế TP.HCM bứt phá.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại cuộc họp mới đây, đa số ý kiến tại Đảng đoàn Quốc hội đồng ý mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đầu tư PPP hơn, không chỉ trong lĩnh vực thể thao, văn hóa, y tế như đề xuất. Và cũng không nhất thiết quy định quy mô 100 tỷ để thành phố linh hoạt hơn khi quyết định.

Về triển khai BOT trên đường hiện hữu, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với dự thảo, đồng thời đề nghị Chính phủ và cơ quan thẩm tra nghiên cứu có thêm quy định có tính chất như “van, khóa”, quy định về điều kiện, thủ tục thực hiện để hài hòa lợi ích của Nhà nước về người dân và chủ đầu tư.

Với ý kiến đề xuất mạnh dạn nghiên cứu để chuyển Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) thành một Quỹ đầu tư của chính quyền địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiên cứu tính toán thêm đề xuất này.

Ghi nhận TP.HCM và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tâm huyết, tìm tòi, nghiên cứu thực tiễn để có đề xuất các chính sách để thí điểm dày dặn, khá toàn diện, kỳ vọng sẽ tạo được những cú hích về những đột phá phát triển cho Thành phố, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp các cơ quan tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu để trình Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra chính thức, sau đó trình Quốc hội ở Kỳ họp thứ năm.

Đã thí điểm sẽ khác với luật định ở chỗ phải có không gian thời gian, địa điểm cụ thể, thử nghiệm phải có kiểm soát có quản lý. Do đó, đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu với tinh thần trên để hoàn thiện, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ đây là Nghị quyết rất khó, đòi hỏi rất cao, phải vừa đạt mục tiêu giải quyết những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển vừa phải phải tạo được cú hích mới cho Thành phố.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo giải trình
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo giải trình

“Chúng tôi đã làm việc không quản ngày đêm, đạt được sự thống nhất rất cao giữa các bộ, ngành”, ông Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Tiếp thu ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng cho biết sẽ đề xuất mở rộng hơn lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP và bỏ giới hạn về quy mô, rà soát phạm vi về đối tượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; rà soát việc phân cấp, phân quyền cho UBND, HĐND. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với TP.HCM, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và các bộ, ngành hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết .

Liên quan đến Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, Bộ trưởng cũng đồng tình với cơ quan thẩm tra và cho biết thêm sáng cùng ngày đã chủ trì họp riêng về mô hình này và các ý kiến còn đang rất lúng túng cả về thể chế , mô hình, bước đi...

"TP.HCM cũng đã có nghiên cứu bước đầu cùng với Đà Nẵng, có 2 hồ sơ cũng đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi đang hết sức thận trọng nghiên cứu kỹ, trong thời gian tới sẽ có báo cáo với Quốc hội sau", Bộ trưởng cho biết.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục