Mấu chốt là cơ chế để huy động nguồn lực
Liên tiếp trong 2 - 3 tuần qua, Ban soạn thảo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết số 54), đã phải “chạy đua với thời gian” để họp bàn, nhằm sớm hoàn thiện Dự thảo, báo cáo Chính phủ xem xét để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV (tháng 5/2023) theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp Quốc hội.
“Nếu như trọng tâm của Nghị quyết số 54 là có cơ chế để tạo nguồn thu cho Thành phố, thì nay, trọng tâm của Dự thảo Nghị quyết mới là tạo cơ chế để thu hút nguồn lực đầu tư, đồng thời phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho Thành phố trong các hoạt động đầu tư”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.
Tại Dự thảo, có 52 chính sách đặc thù cho TP.HCM được đề xuất. Trong đó, có 10 cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54 và đang phát huy hiệu quả; 3 cơ chế, chính sách đã được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các cơ quan khác; 9 cơ chế, chính sách đang có trong dự thảo các luật Đất đai, Nhà ở (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới; và đặc biệt là 26 cơ chế, chính sách mới, mà TP.HCM kiến nghị được thực hiện.
Trong đó, một trong những cơ chế, chính sách được nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây là tăng thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên, với mức tăng không quá 2 lần so với mức hiện hành.
Lý giải về đề xuất này, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, chuyên gia tư vấn cho TP.HCM trong đề xuất các cơ chế đặc thù cho rằng, việc áp dụng mức thuế suất này chủ yếu để chống đầu tư tăng giá đất, ảnh hưởng đến thị trường, đến người nghèo. “Một miếng đất bỏ hoang, nếu không sử dụng hoặc cho thuê, thì phải đánh thuế cao hơn”, ông Trần Du Lịch nói.
Tuy nhiên, mới đây, khi trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mặc dù việc này có thể tạo nguồn thu ngân sách cho TP.HCM và kết quả thí điểm sẽ là cơ sở xem xét trên phạm vi rộng hơn, song lại có thể không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp. Chẳng hạn, người có một nhà ở, đất ở diện tích lớn, giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có hai nhà ở, đất ở nhưng diện tích nhỏ hoặc giá trị nhỏ lại bị đánh thuế.
Việc đánh thuế đối với bất động sản thứ hai, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng chưa phù hợp với điều kiện thực tế, vì các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, nên nhiều tổ chức, cá nhân sẽ tìm cách lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên. Thêm nữa, đánh thuế với bất động sản thứ hai sẽ tác động đến thị trường bất động sản, làm giảm cả cung và cầu của thị trường bất động sản TP.HCM. Chưa kể, thực tế, cũng có rất ít quốc gia trên thế giới đánh thuế đối với việc sở hữu nhà đất thứ hai trở lên.
Ngoài vấn đề thuế cho bất động sản thứ hai, Dự thảo Nghị quyết cũng kiến nghị thực hiện một loạt cơ chế, chính sách giúp TP.HCM huy động nguồn lực để tạo nền tảng cho sự phát triển đột phá trong thời gian tới. Chẳng hạn, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược vào xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm R&D, hay các lĩnh vực sản xuất chip, bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng sạch…, hay chính sách thí điểm đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; phân cấp, ủy quyền cho TP. Thủ Đức…
Các vấn đề về cơ chế, chính sách cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, hay chính sách giảm ùn tắc giao thông, úng ngập và khai thác không gian ngầm… cũng đã được đề xuất.
“TP.HCM rất cần có các cơ chế đặc thù để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược”, ông Trần Hoàng Ngân, chuyên gia tư vấn cho TP.HCM cũng đã nói như vậy.
Đảm bảo nguyên tắc “đặc thù, vượt trội”
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, thay thế Nghị quyết số 54 vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chủ trương chung là phải xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, đưa ra các cơ chế, chính sách có tính đột phá, đổi mới, góp phần giải quyết những vấn đề lớn, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực mới cho Thành phố phát triển…
“Quan điểm chung là thực hiện phân cấp, ủy quyền tối đa cho Thành phố theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP.HCM phát triển. Hơn nữa, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phải hiểu là không phải chỉ cho riêng Thành phố, mà còn tạo điều kiện cho đầu tàu kinh tế của cả nước phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng cũng giải thích thêm, đã gọi là “đặc thù, vượt trội”, thì phải là đặc thù so với mặt bằng trong nước và vượt lên, cạnh tranh được với quốc tế.
Ủng hộ nhiều cơ chế, chính sách mà TP.HCM đề xuất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng kiến nghị cho phép TP.HCM thực hiện trước các cơ chế, chính sách đang được đề xuất trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi nhằm phát huy sớm hiệu quả của chính sách, cũng như tạo điều kiện cho Thành phố. Chẳng hạn, TP.HCM tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; được thực hiện thu hồi đất đối với các dự án bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng mà đã tách ra khỏi dự án đầu tư công…
Hiện tại, các cơ chế, chính sách được đề xuất tại Dự thảo Nghị quyết đang được Ban soạn thảo phối hợp với TP.HCM rà soát để làm rõ cơ sở pháp lý, tính khả thi, cũng như đánh giá tác động của chính sách…, từ đó hoàn thiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Liên quan đến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 , ngày 27/2, Thường trực Chính phủ đã họp trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM về các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và TP.HCM tiếp tục rà soát lại nội dung Dự thảo để xây dựng các cơ chế, chính sách cho Thành phố theo hướng đặc thù, thông thoáng, vượt trội, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá, tác động lớn, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước. Đồng thời, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện trên thực tế, tạo điều kiện tốt nhất có thể để Thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.