Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ thống ngân hàng đã cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 166.544 khách hàng với dư nợ 62.835 tỷ đồng.
Đồng thời, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.368 khách hàng với dư nợ 12.319 tỷ đồng. Hạ lãi suất với dư nợ hiện hữu cho 289.204 khách hàng với dư nợ 948.407 tỷ đồng với số lãi dự kiến hạ cho khách hàng là 3.530 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 146.571 khách với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỷ đồng.
“Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 102.930 khách hàng với dư nợ 2.815 tỷ đồng, cho vay mới đối với 516.668 khách hàng với dư nợ 18.825 tỷ đồng”, ông Hùng nói.
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của toàn hệ thống, phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng nhận định, dịch Covid-19 có diễn biến rất phức tạp. Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều biện pháp quyết liệt triển khai các giải pháp cụ thể phòng ngừa tác động…, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế có rất nhiều biện pháp cụ thể.
Thống đốc nhấn mạnh, ngành Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong việc tham mưu, ban hành, triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ quá trình phục hồi của nền kinh tế. Phải thường xuyên kịp thời có đánh giá cụ thể về kết quả, khó khăn vướng mắc trên thực tế để kịp thời tháo gỡ.
“Vừa qua, các tổ chức tín dụng đã vào cuộc rất quyết liệt, hệ thống Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố cũng rất quyết liệt. Yêu cầu thực tiễn đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa để đưa được những giải pháp chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đi vào cuộc sống, tháo gỡ kịp thời tất cả khó khăn vướng mắc phát sinh của các doanh nghiệp”, ông Hưng nhấn mạnh.
Theo ông Hưng, đối với Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị thành lập đường dây nóng. Triển khai thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin, chủ động báo cáo lãnh đạo tỉnh, làm việc với các sở, ban ngành địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trên địa bàn chủ động xử lý các kiến nghị. Phải chủ động phối hợp các tổ chức tín dụng trên địa bàn để xử lý các vấn đề phát sinh trên thực tế.
“Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và hiệp hội để triển khai kịp thời là nhiệm vụ quan trọng nhất. Quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý các tổ chức tín dụng trên địa bàn thiếu trách nhiệm, không chấp hành chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, để khách hàng đáng lẽ được hỗ trợ nhưng chậm hoặc không được xử lý là phải xem xét xử lý trách nhiệm”, Thống đốc nhấn mạnh.
Đối với các vụ, cục Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc yêu cầu, trước diễn biến thị trường quốc tế, khu vực còn phức tạp, tác động của dịch bệnh với nền kinh tế, tăng trưởng, lạm phát…, các vụ, cục có liên quan đã chủ động theo chỉ đạo của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, thường xuyên rà soát bổ sung các kịch bản điều hành.
“Bây giờ đã có đầy đủ các kịch bản, phương án điều hành chính sách tiền tệ khác nhau. Khẳng định là năm nay Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ có đủ các công cụ và đủ biện pháp để kiểm soát tốt, giữ các cân đối vĩ mô theo chỉ đạo của Chính phủ”, Thống đốc nói.
Riêng các vấn đề lớn như tăng trưởng tín dụng, xử lý các vấn đề phát sinh, Thống đốc yêu cầu các vụ, cục phải chủ động, đặc biệt rà soát tình hình triển khai của các tổ chức tín dụng để báo cáo kịp thời về tăng trưởng tín dụng.
Đồng thời, chủ động rà soát tham mưu báo cáo Ngân hàng Nhà nước ban hành ngay sửa đổi các quy định hiện hành, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các vấn đề còn vướng mắc.
Các kiến nghị chủ yếu tập trung vào Thông tư 01/2020/TT-NHNN (quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19).
Cơ quan Thanh tra Giám sát, Vụ Pháp chế, Vụ Tín dụng nếu thấy cần thiết thì sửa đổi Thông tư 01, nhất là thời hạn cơ cấu lại nợ. Cần thiết nữa thì ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết liên quan trích lập dự phòng rủi ro, dự thu, xác định khách hàng…
“Nghiên cứu điều chỉnh các vấn đề kiến nghị cho vay tái cấp vốn… xử lý trên thực tế khi phát sinh đề xuất của tổ chức tín dụng", Thống đốc nói và cho biết thêm, tỷ trọng doanh số thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh là cơ hội tốt. Vụ Thanh toán khẩn trương tiếp tục triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, miễn giảm phí dịch vụ điện tử…
Bên cạnh đó, ông Hưng yêu cầu, khẩn trương phối hợp các bộ, ngành triển khai nhiệm vụ Ngân hàng Nhà nước được giao tại Nghị quyết 42 của Chính phủ, trong đó triển khai thủ tục hướng dẫn tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay người lao động ngưng việc tạm thời.
Vụ Chính sách tiền tệ khẩn trương dự thảo thông tư để kịp thời ban hành để tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội nghiêm túc thực hiện cơ cấu lại, cho vay mới các đối tượng chính sách, bị tác động bởi dịch bệnh. Hoàn thiện thủ tục xin ý kiến các bộ ngành trình thủ tướng giảm lãi suất
Đối với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Thống đốc đề nghị có tiếng nói mạnh mẽ kiến nghị các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để giảm phí cho các tổ chức tín dụng, nắm bắt và có hình thức thông tin rộng rãi về những khó khăn chung của ngành ngân hàng, cố gắng ghi nhận những kiến nghị phản ánh kịp thời…
“Với sự tập trung quyết liệt và trách nhiệm của toàn ngành ngân hàng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố, hiệp hội, thời gian tới sẽ có kết quả tốt hơn trong việc hỗ trợ nền kinh tế khắc phục khó khăn dịch bệnh, thúc đẩy nền kinh tế sau dịch. Mỗi cá nhân trong ngành ngân hàng phải quyết tâm nỗ lực hơn rất nhiều”, Thống đốc nhấn mạnh.