Hiện tổng quy mô gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của các ngân hàng đã lên tới hơn 300.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, khó tiếp cận gói tín dụng này. Ông có bình luận gì?
Hiện nay, ngân hàng không thiếu tiền, gói 300.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đã sẵn sàng. Song, doanh nghiệp muốn vay vốn thì phải chứng minh được vay để làm gì, dự án có thật không, có hiệu quả không, có nguyên liệu đầu vào, có thị trường đầu ra hay không.
Tôi đồng ý là ngân hàng phải hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế, các ngân hàng đang chấp nhận giảm lợi nhuận, giảm lãi vay 0,5-3%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng, vay vốn ngân hàng, dù lãi suất đã được giảm, doanh nghiệp vẫn phải trả gốc, trả lãi, có nghĩa là phải chứng minh khả năng trả nợ. Hiện nay, một số doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn, nhưng không có tài sản thế chấp đã đành, lại còn không chấp nhận cho ngân hàng quản lý dòng tiền, không chứng minh được đầu vào, đầu ra, vậy làm sao ngân hàng dám cho vay?
Ngành ngân hàng đang hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp, chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng không phải là hỗ trợ vô điều kiện, cho vay vô tội vạ. Nếu cho vay dễ dãi, doanh nghiệp dùng vốn vay để đảo nợ, sử dụng không hiệu quả thì nợ xấu sẽ tăng vọt, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, hiện nhu cầu vay mới của các doanh nghiệp ra sao, thưa ông?
Hiện nay, không chỉ Việt Nam, mà hầu hết các nước trên thế giới đều đang phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch, phần lớn doanh nghiệp hoạt động ở mức hạn chế. Các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đều bị ảnh hưởng. Trong điều kiện như thế thì doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu ở đâu, sản xuất thế nào, xuất khẩu cho ai mà vay vốn?
Trong 3 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 1,3%, 4 ngân hàng thương mại nhà nước muốn tăng trưởng tín dụng mà không tăng được. Ngoại trừ nhóm ngành sản xuất hàng tiêu dùng, nông, lâm, thủy sản… vẫn hoạt động khá bình thường và ngân hàng đang nỗ lực cho vay, thì nhu cầu tín dụng các ngành khác đều sụt giảm mạnh.
Tôi không rõ những doanh nghiệp phản ánh khó tiếp cận tín dụng là những doanh nghiệp nào, khó khăn cụ thể ra sao, vì báo chí phản ánh khá chung chung. Tôi khẳng định, doanh nghiệp có đích danh cụ thể, có dự án tốt, dòng tiền rõ ràng mà bị ngân hàng cản trở, gây khó khăn tiếp cận tín dụng, chỉ cần liên hệ trực tiếp với tôi, tôi sẽ báo cáo Thống đốc NHNN để kiểm tra và kỷ luật ngay lập tức ngân hàng đó.
Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn hiện nay, theo ông, câu chuyện lãi suất làm thế nào để dung hòa cho hợp lý?
Có một thực tế là hiện nay, người gửi tiền, kể cả doanh nghiệp khi gửi tiền, vẫn luôn đòi hỏi lãi suất tiết kiệm cao. Về phía ngân hàng, một mặt vẫn đảm bảo chi trả lãi suất tiết kiệm cho người gửi, song trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do dịch bệnh, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải giảm chi lương, thưởng, tạm thời chưa chia cổ tức, giảm mạnh lợi nhuận… để có điều kiện giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này cho thấy sự quyết tâm chia sẻ của ngành ngân hàng với nền kinh tế.
Mức giảm lãi suất bao nhiêu là tùy thuộc khả năng tài chính, kết quả kinh doanh của từng ngân hàng, song tinh thần chung của toàn ngành là nỗ lực giảm lãi suất, chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Ngoài tiếp cận tín dụng mới, một số doanh nghiệp cũng phản ánh, việc tái cơ cấu cho các khoản nợ hiện hữu bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đang thực hiện khá chậm. Theo ông, đâu là lý do?
Việc hỗ trợ doanh nghiệp là trách nhiệm của các ngân hàng. Thống đốc NHNN đã chỉ đạo rất quyết liệt, ngân hàng nào cũng phải thực hiện nghiêm Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Theo đó, tất cả dư nợ hiện hữu bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều được cơ cấu nợ, doanh nghiệp nào không được ngân hàng cơ cấu nợ cứ liên hệ với NHNN, chúng tôi sẽ lập tức xử lý và thông báo trên toàn quốc để làm gương.
Doanh nghiệp cũng không nên quá nóng vội. Thông tư 01 mới được ban hành 1 tháng, rất nhiều thủ tục pháp lý phải triển khai, các ngân hàng thương mại đang hết sức nỗ lực chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp “tị nạnh” ngân hàng này hỗ trợ lãi suất ít, ngân hàng kia hỗ trợ lãi suất nhiều. Theo ông, có nên ban hành hướng dẫn chung, thay vì cho phép các ngân hàng chủ động ban hành hướng dẫn nội bộ về cơ cấu nợ cho doanh nghiệp như hiện nay?
NHNN chỉ có thể ra quy định chung để các ngân hàng thương mại thực hiện nếu gói hỗ trợ 300.000 tỷ đồng này là tiền ngân sách, song thực tế gói hỗ trợ này là “tiền túi” của các ngân hàng thương mại. Vì vậy, NHNN trao quyền chủ động cho các ngân hàng. Trên cơ sở sức khỏe của mình, các ngân hàng sẽ tự quyết định mức hỗ trợ.