Bảo hiểm liên kết đầu tư tăng trưởng nhanh
Từ một dòng sản phẩm khi mới được đem vào thị trường với sự đón nhận khá dè dặt và có nhiều ý kiến còn hoài nghi tính khả khi, thì tính đến quý III/2019, theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 72% doanh thu phí khai thác mới.
Tiếp theo là bảo hiểm hỗn hợp, chiếm tỷ trọng 13%, bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 2,5%, các nghiệp vụ chính còn lại như bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe (sản phẩm chính) chiếm tỷ trọng 1,8%. Doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ chiếm tỷ trọng gần 11%.
So với cùng kỳ năm 2018, doanh thu khai thác mới của nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư tăng gần 43%, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp giảm hơn 40%...
Nhiều doanh nghiệp liên tục đưa các sản phẩm mới thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết ra thị trường, khiến cơ cấu doanh thu phí mới có sự biến động mạnh ở hai sản phẩm chính là liên kết đầu tư và các sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp.
Sự thay đổi doanh thu của hai sản phẩm này xuất phát từ việc các công ty bảo hiểm đẩy mạnh bán sản phẩm liên kết đầu tư, sau khi Nghị định 151/2018/NÐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện đại lý được bán sản phẩm liên kết đầu tư được ban hành.
Ngoài ra, một lý do quan trọng khác là trong giai đoạn lãi suất trái phiếu chính phủ giảm thấp, các công ty bảo hiểm chủ động đẩy mạnh bán bảo hiểm liên kết đầu tư và giảm bán sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp nhằm giảm áp lực chi phí trích lập dự phòng rủi ro cho các sản phẩm này theo Thông tư 50/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Ðược biết, lãi suất trái phiếu chính phủ trung bình là một tham số được sử dụng trong tính toán dự phòng toán học đối với sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp và lãi suất trái phiếu chính phủ trung bình càng thấp, chi phí dự phòng toán học càng cao.
Nếu doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh doanh số đối với sản phẩm này, chi phí trích lập dự phòng toán học có thể sẽ tăng mạnh.
Theo ông Ngô Thế Triệu, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Eastspring Việt Nam, không chỉ ở Việt Nam, thị trường tài chính thế giới cũng đang ở chu kỳ các loại lãi suất đều giảm mạnh.
Các tập đoàn tài chính ở các quốc gia cũng luôn phải tìm giải pháp để tăng tổng tài sản của khách hàng và tái cấu trúc danh mục đầu tư là một phương án.
Các mức lãi suất này có giảm hay không là khó có thể đoán trước. Chính vì thế, tất cả các công ty đều phải nghiên cứu các loại thị trường khác nhau để đầu tư tăng lợi nhuận, chẳng hạn chuyển hướng sang trái phiếu doanh nghiệp và các loại hình đầu tư khác như cổ phiếu…
Năm 2018, lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi sự sụt giảm của lãi suất trái phiếu.
Năm 2019, dù các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động thay đổi, đẩy mạnh việc phát triển và bán các sản phẩm liên kết đầu tư, nhưng thử thách vẫn chưa phải đã hết nếu lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm, ảnh hưởng đến vốn và lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Có thể, các công ty bảo hiểm lại phải tiếp tục thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm trong thời gian tới.
Chiến lược mới có thể là bảo hiểm liên kết đơn vị
“Nếu lãi suất trái phiếu tiếp tục giảm sâu, các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ lại gặp khó, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm trước đây bán nhiều sản phẩm hỗn hợp. Còn các sản phẩm liên kết đầu tư ít bị ảnh hưởng hơn, trừ khi lãi suất xuống dưới 3%/năm.
Lúc này, các doanh nghiệp bảo hiểm lại phải tiếp tục chỉnh sửa sản phẩm, giảm lãi suất cam kết và đẩy mạnh bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị (unit-linked)”, đại diện một công ty bảo hiểm chia sẻ.
Nếu như bảo hiểm liên kết đầu tư giúp khách hàng thỏa mãn đồng thời hai nhu cầu là bảo vệ tài chính trước các rủi ro và tiết kiệm - đầu tư thu lợi nhuận, trong đó yếu tố tiết kiệm - đầu tư là chủ yếu.
Cụ thể, sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến hợp đồng, phí bảo hiểm còn lại sẽ được dùng để mua các đơn vị đầu tư trong quỹ liên kết. Với sản phẩm này, công ty bảo hiểm sẽ đảm bảo mức lợi nhuận cơ bản.
Ngoài ra, giá trị các quỹ đầu tư có thể tăng lên, hoặc giảm xuống, phụ thuộc vào giá trị các đơn vị đầu tư trong quỹ liên kết.
Còn bảo hiểm liên kết đơn vị là dòng sản phẩm giúp khách hàng vừa được bảo hiểm rủi ro, tai nạn bất ngờ, vừa trở thành nhà đầu tư thông qua hình thức liên kết với doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào các quỹ liên kết đơn vị.
Ðây là dòng sản phẩm công ty bảo hiểm không cam kết lợi nhuận, khách hàng tự đầu tư vào các quỹ đầu tư từ an toàn đến mạo hiểm theo nhu cầu của mình.
Theo các chuyên gia trong ngành tài chính, khi thị trường chứng khoán ra đời và phát triển, nhiều người có tiền nhàn rỗi muốn tham gia đầu tư dài hạn nhưng không có điều kiện trực tiếp mua bán các loại cổ phiếu trên thị trường, họ có thể uỷ thác đầu tư cho các quỹ đầu tư chứng khoán. Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị sẽ đáp ứng nhu cầu này.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, trên thị trường bảo hiểm hiện nay, Prudential đang là doanh nghiệp bán rất mạnh dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, với sản phẩm Pru-Ðầu tư linh hoạt.
Doanh thu phí từ dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị của Prudential tính đến tháng 9/2019 chiếm khoảng 60 - 70% tổng doanh thu phí của hãng bảo hiểm này.
Với dòng sản phẩm liên kết đầu tư, Công ty mới cho ra mắt thị trường sản phẩm Pru-Chủ động cuộc sống, thêm sự lựa chọn cho khách hàng về nhu cầu bảo vệ và tích lũy.
Cùng với lý do lãi suất trái phiếu có thể tiếp tục xuống thấp nên các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải đẩy mạnh việc bán các sản phẩm không cam kết lãi suất như bảo hiểm liên kết đơn vị thì nhìn chung, thị trường Việt Nam với lực lượng dân số có thu nhập cao có nhu cầu đầu tư sinh lợi, tích lũy tài sản gia tăng chính là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung khai thác bằng việc ra mắt các dịch vụ, sản phẩm tài chính mới, trong đó có sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị.
Lãnh đạo cấp cao của Dai-ichi Life Việt Nam cho biết, Công ty đã bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị từ lâu, nhưng chưa tập trung đẩy mạnh.
Trong thời gian tới, chiến lược phát triển của Công ty sẽ có sự thay đổi, trong đó thay đổi điều kiện bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư để đại lý bảo hiểm có thể bán nhiều dòng sản phẩm.
Lãnh đạo Dai-ichi Life Việt Nam kỳ vọng, chiến lược khai thác mới sẽ giúp nâng tỷ lệ doanh thu phí của sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị lên khoảng 10% tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới.
Trong khi đó, tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ, công ty đã triển khai cho lực lượng đại lý nòng cốt bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị.
“Bảo hiểm liên kết đơn vị, chúng tôi vẫn đang triển khai khá thận trọng, bởi rủi ro lớn nhất khi bán sản phẩm này chính là nếu đại lý tư vấn không đúng và xảy ra trên diện rộng thì có thể ảnh hưởng đến cả ngành bảo hiểm”, tổng giám đốc công ty bảo hiểm trên nhìn nhận.
Thực tế, không phải bắt đầu từ năm 2019 các doanh nghiệp bảo hiểm mới đẩy mạnh bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, mà ngay từ năm 2018 đã khởi động việc thúc đẩy dòng sản phẩm này, tập trung vào đối tượng khách hàng thành thị, có thu nhập khá và ổn định.
Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị là loại sản phẩm được rất nhiều nước trên thế giới phát triển, nhưng với thị trường Việt Nam, do trình độ dân trí về tài chính chưa cao, các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ phải mất nhiều thời gian để cung cấp kiến thức đầu tư cho khách hàng.