Thỏa thuận OPEC - Nga đổ bể, cổ phiếu Aramco lần đầu dưới mệnh giá

Cổ phiếu của tập đoàn năng lượng quốc gia Saudi Arabia (Aramco) hôm nay 8/3 lần đầu tiên giao dịch dưới giá chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) hồi tháng 12/2019 sau khi thỏa thuận giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga về việc siết nguồn cung dầu mỏ thất bại.
Aramco trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới sau thương vụ IPO thành công hồi tháng 12/2019. Ảnh: AFP Aramco trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới sau thương vụ IPO thành công hồi tháng 12/2019. Ảnh: AFP

Cổ phiếu của Aramco sáng nay lao dốc 6,2% còn 30,85 riyal (8,22 USD), mức giảm sâu nhất trong ngày kể từ khi niêm yết và thấp hơn giá IPO 32 riyal. Chỉ số TASI trên thị trường chứng khoán Saudi Arabia “bay” 7,4%.

Aramco thực hiện thành công thương vụ IPO “khủng” vào tháng 12/2019 với số vốn huy động 1.700 tỷ USD, biến tập đoàn này trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Cổ phiếu Aramco đạt đỉnh trong ngày khi chạm mức 38,70 riyal ngay trong ngày giao dịch thứ 2 sau IPO, nhưng từ đó giảm dần.

Dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm nay khiến nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng, đồng thời tác động xấu tới nền kinh tế toàn cầu. Theo đà rơi của chứng khoán toàn cầu, tính chung lại cổ phiếu Aramco “bốc hơi” hơn 11% kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19.

Giá dầu thế giới liên tục sụt giảm khi dịch Covid-19 lan rộng và tiếp tục trượt sâu vào hôm 6/3 khi thỏa thuận có thời hạn 3 năm giữa OPEC và Nga về hỗ trợ thị trường dầu mỏ lâm vào bế tắc do Moscow từ chối cắt giảm sản lượng thêm. OPEC đã phản ứng lại bằng cách bỏ các cam kết giới hạn sản lượng của mình.

“Aramco đang chịu áp lực lớn vì thỏa thuận giữa OPEC và Nga thất bại”, Marie Salem, trưởng bộ phận nghiên cứu thể chế tại công ty chứng khoán Daman Securities cho biết.

Các thị trường chứng khoán khác tại vùng Vịnh cũng chìm trong sắc đỏ. Chỉ số chứng khoán Abu Dhabi (ADI) sụt giảm 5,8% còn chỉ số DFMGI của Dubai trượt dốc 7,4%.

Edward Bell, chuyên gia phân tích hàng hóa tại ngân hàng Emirates NBD kỳ vọng Saudi Arabia, UAE và các thành viên quan của OPEC sẽ tăng sản lượng những tháng còn lại của năm nay khi họ quay lại tập trung cho chiến lược thị trường thay vì mục tiêu giá cả.

“Chiến lược thị trường sẽ khiến các nước thành viên đối mặt với rủi ro lớn nếu tình hình tài chính xấu đi và phải xử lý các khủng hoảng thanh toán, đồng thời đặt ra câu hỏi về tính bền vững của chính sách tiền tệ”, chuyên gia Edward Bell nói thêm.

Saudi Arabia là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, nhưng nền kinh tế này đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề do giá dầu sụt giảm những năm gần đây và các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm giảm thâm hụt ngân sách.

Jaap Meijer, trưởng bộ phận nghiên cứu vốn tại Quỹ đầu tư Arqaam Capital cho rằng, các nhà đầu tư cổ phiếu Aramco sẽ được bảo vệ bằng nguồn cổ tức bảo đảm vì chính phủ Saudi Arabia sẽ hạn chế các khoản chi trả riêng để bảo vệ các cổ đông thiểu số.

Tập đoàn Aramco dự kiến trả cổ tức với giá trị lên tới 75 tỷ USD trong năm 2020, gấp 5 lần so với mức chi trả cổ tức của Apple - một trong những công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trong rổ chỉ số S&P 500 tại Mỹ.

Lê Quân (Reuters)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục