Đoán định sớm tác động từ việc Fed bất ngờ hạ lãi suất

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã gây bất ngờ cho thị trường khi tiến hành cắt giảm lãi suất mục tiêu (Fed funds rate) 0,5% hôm 3/3. Fed cho biết, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) đồng thuận với hành động này, vì dù kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, nhưng virus Corona “đang đặt ra những rủi ro diễn biến ngày một phức tạp đối với các hoạt động kinh tế”.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa giảm 0,5% lãi suất mục tiêu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa giảm 0,5% lãi suất mục tiêu.

Fed gây bất ngờ ở điểm nào?

Từ tuần trước, công cụ theo dõi hoạt động của Fed dựa trên các hợp đồng giao sau lãi suất Fed (Fed funds futures) của CME Group (một công ty Mỹ hàng đầu trong lĩnh vực giao dịch chứng khoán và hàng hóa, sở hữu và vận hành các sàn giao dịch tương lai và phái sinh lớn tại New York, Chicago và London) đã đưa ra tín hiệu kỳ vọng của thị trường là Fed sẽ giảm lãi suất 0,5% trong cuộc họp vào ngày 18/3.

Vì vậy, mức cắt lãi suất 0,5% của Fed không gây bất ngờ nhiều cho thị trường. Nhiều nhà bình luận đã nhận xét, khi thị trường kỳ vọng mức giảm lãi suất mạnh như vậy, thì Fed sẽ phải làm theo thôi, vì nếu không, thị trường sẽ hoảng loạn cực điểm.

Điểm bất ngờ của đợt cắt lãi suất này nằm ở thời điểm. Khi thị trường đều dự đoán thời điểm cắt lãi suất là 18/3, Fed đã hành động sớm 2 tuần. Điều này đặt giới đầu tư vào thế khó chịu và không biết phải diễn giải hành động này như thế nào. Một mặt, nó có tác động trấn an là Fed thể hiện quan điểm sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ thị trường. Nhưng mặt khác, nó có thể hàm ý là Fed cảm thấy tình hình kinh tế khó khăn hơn dự đoán của nhiều nhà đầu tư.

Nhà đầu tư và bình luận thị trường kỳ cựu Jim Cramer cho rằng, điều tốt là Fed đã nhận ra rằng, thị trường sẽ suy giảm và quyết định hỗ trợ, nhưng hành động cắt lãi suất khiến ông cảm thấy mức suy giảm sẽ mạnh hơn ông nghĩ. “Bây giờ thì tôi lo lắng. Tôi lo lắng nhiều hơn trước khi lãi suất giảm”, ông phát biểu trên CNBC (kênh tin tức kinh doanh truyền hình trả tiền của Mỹ) ngay sau khi Fed cắt lãi suất.

Đây là lần đầu tiên Fed phải hành động điều chỉnh lãi suất khẩn cấp ngoài dự đoán của thị trường kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Thị trường cổ phiếu đã phản ứng tiêu cực với hành động này, với các chỉ số cổ phiếu chính của Mỹ giảm 2,8%.

Fed đã hành động sớm 2 tuần. Điều này đặt giới đầu tư vào thế khó chịu và không biết phải diễn giải hành động này như thế nào.   

Theo thống kê của New York Times, không phải lần nào thị trường cũng phản ứng tích cực với hành động cắt lãi suất khẩn cấp của Fed trong suốt hai thập kỷ qua. Trong số 8 lần Fed hành động cắt lãi suất khẩn cấp từ năm 1998, có 4 lần thị trường tăng điểm và 4 lần giảm điểm (tính cả lần cắt lãi suất này).

Vì vậy, phản ứng tiêu cực của thị trường cũng không phải bất thường. Những lần cắt lãi suất đột ngột trong tháng 1 và tháng 10/2008, thị trường đều giảm điểm. Nhìn chung, hành động của Fed trong những lần này đều khiến thị trường lo ngại rằng, Fed cảm thấy tình hình xấu nhanh hơn dự kiến của họ.

Và con số ca nhiễm bệnh Covid-19 tăng nhanh ở Mỹ và châu Âu dường như củng cố cho nỗi lo đó. Riêng Italy đã có hơn 3.000 trường hợp xác định nhiễm bệnh và phải quyết định đóng cửa trường học. Hội chợ sách lớn ở London đã phải đóng cửa. Nhiều hội thảo quan trọng ở Mỹ và châu Âu đều đã bị hoãn hoặc đổi qua hình thức online.

Vì sao Fed phải hành động?

Đây là điều khiến nhiều người vẫn tự hỏi. Có người cho rằng, đó là do sức ép từ Tổng thống Mỹ. Sau khi Fed cắt giảm lãi suất, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như vẫn chưa hài lòng. Twitter của ông cho thấy, ông muốn Fed phải nới lỏng nhiều hơn nữa, thậm chí là ngang bằng các quốc gia khác. Có thể ông Trump đang nói đến những nước có lãi suất chính sách bằng 0 hoặc âm. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức, một đối trọng của trái phiếu Chính phủ Mỹ đã âm từ lâu.

Lại có người cho rằng, Fed hành động là vì thị trường trái phiếu kỳ vọng như vậy thông qua tín hiệu từ công cụ của CME Group. Ông Rick Rieder, Giám đốc đầu tư sản phẩm có thu nhập cố định, đang quản lý 2.300 tỷ USD (chủ yếu đầu tư vào trái phiếu) của Quỹ đầu tư BlackRock là một trong số đó. Ông nhận định, khi thị trường tài chính trở nên rất quan trọng, Fed phải quan tâm tới kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, nhận định này không giải thích được vì sao Fed cần hành động vào thời điểm này. Thị trường kỳ vọng được hỗ trợ, nhưng các tín hiệu thị trường không chỉ ra được là cần hành động khẩn cấp, thay vì chờ đến ngày 18/3.

Một quan điểm khác cho rằng, các doanh nghiệp có quan hệ thân mật với Chủ tịch Fed và các thành viên FOMC đã hối thúc họ hành động như vậy. Các thành viên FOMC đều có mối quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp ở khu vực của mình. Vì vậy, có thể các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ du lịch đã thúc đẩy các thành viên Fed “phải làm gì đó sớm”.

Bất kể do sức ép từ Tổng thống Mỹ hay sức ép từ các doanh nghiệp có quan hệ với các thành viên FOMC, rõ ràng, phản ứng của Fed không đem lại lợi ích mong muốn ban đầu cho thị trường cổ phiếu, qua cách mà nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, còn giá vàng vọt lên nhanh.

Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư vàng thật ra đã bị “đánh úp” với quyết định này của Fed. Nhiều người trong số họ cho rằng, giá vàng sẽ chỉ bắt đầu tăng chừng một tuần trước quyết định cắt lãi suất dự đoán sẽ diễn ra vào ngày 18/3. Nay, khi cắt lãi suất diễn ra trước đến 2 tuần, họ cảm thấy bị động. Giá vàng chưa phải ở khu vực hấp dẫn để đẩy lên mạnh, nhưng diễn biến này buộc họ phải đẩy lên. Vì vậy, khối lượng giao dịch vàng không quá cao ở thời điểm vàng vọt lại lên qua mốc 1.620 USD/ounce.

Điều này phản ánh, ngay cả giới đầu tư tin rằng, vàng sẽ vượt mốc 1.700 USD/ounce trong năm nay, họ cũng không mấy hứng khởi. Thị trường chưa có sự chuẩn bị, Fed đã phí phạm cơ hội với mức cắt 0,5% để tạo cú hích cho thị trường, đó là cảm giác của nhiều nhà phân tích. Người ta vẫn chưa hiểu rõ vì sao Fed cắt lãi suất vội vã như vậy.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đợt cắt lãi suất của Fed?

Các hãng truyền thông tài chính đang dự đoán việc Fed cắt lãi suất sẽ mở đường (và cũng tạo sức ép) cho một loạt ngân hàng trung ương khác cắt lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BOE) đã được “gọi tên”. Ngân hàng trung ương Canada cũng vừa cắt lãi suất cho vay qua đêm 0,5% xuống 1,25% theo sau quyết định của Fed.   

Mặc cho các nhà kinh tế nhận định, giảm lãi suất nhiều khả năng không đem lại nhiều hiệu quả cho nền kinh tế, tình thế bây giờ là các ngân hàng trung ương phải làm gì đó. Họ ở thế không có gì để mất và hạ lãi suất biết đâu sẽ đem lại một lợi ích gì ngoài dự đoán. Đó là quan điểm có thể đọc thấy qua nhiều bình luận trên Financial Times ngày 4/3. Vì vậy, các nhà phân tích dự đoán, ECB, BOE và có lẽ cả Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng sẽ đáp ứng lời kêu gọi của thị trường và cắt lãi suất tương tự các đồng sự ở Mỹ và Canada.

Thế nhưng, thứ mà thị trường cần là những khoản chi tiền cho doanh nghiệp, những khoản cho vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, những thứ mà cắt lãi suất không thể giúp ích được. Ngày 4/3, thị trường cổ phiếu Mỹ đã “quật khởi” tăng điểm trở lại sau khi có tin Quốc hội Mỹ đã đồng ý thông qua khoản chi 8 tỷ USD giúp khống chế dịch.

Ông Quincy Krosby, chiến lược gia của Quỹ Prudential Financial nhận xét với tờ Financial Times rằng, “gói kích thích tài khóa mới mang lại lợi ích tích cực mà thị trường cổ phiếu cần”. Đơn giản là “tiền tươi, thóc thật” sẽ chảy vào túi doanh nghiệp. Các khoản chi này sẽ được dùng để mua thiết bị y tế, bảo hộ và sản xuất các bộ kiểm tra virus. Ngay lập tức, cổ phiếu các công ty chăm sóc sức khỏe tăng hơn 5% sau tin này.

Tiền tươi vẫn là thứ thực tế nhất với doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, cách mà Hồng Kông hỗ trợ công dân từ 18 tuổi của mình 10.000 đô-la Hồng Kông cũng là một lựa chọn được đánh giá cao. Nhưng nhìn chung, quan trọng nhất là nhà đầu tư trên thị trường Mỹ nhìn thấy được chính sách tài khóa và tiền tệ đang phối hợp khá nhịp nhàng, hướng tới ổn định thị trường. Đợt tăng giá lại vào ngày 4/3 có lẽ đã tạo ra một mặt bằng ổn định giá cổ phiếu Mỹ và chặn đà bán tháo của thị trường.

Hy vọng đến từ Trung Quốc?

Con số công bố các ca phát dịch mới ở Trung Quốc ngày càng thấp đi, lượng tiêu thụ điện tăng. Đó là những chỉ số khiến giới đầu tư ở Trung Quốc bắt đầu cảm thấy lạc quan. “Tiền vào cổ phiếu từ nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ chảy trở lại trong vòng một hay 2 tuần nữa”, một người làm trong lĩnh vực đầu tư ở Thẩm Quyến lạc quan như vậy.

Trung Quốc là tâm điểm bùng phát dịch bệnh, nhưng ngày càng nhiều tín hiệu cho thấy, các biện pháp mạnh tay của nước này là hiệu quả. Đợt cắt giảm lãi suất lần này của Mỹ cũng tạo dư địa cho Bắc Kinh tiếp tục cắt lãi suất.

Rủi ro vỡ nợ trái phiếu ở Trung Quốc vẫn hiện hữu khi nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhưng không thể hoạt động trong hơn 2 tháng. Dù vậy, những mức sụt giảm của cổ phiếu Trung Quốc có thể đã tính đến luôn một mức vỡ nợ trái phiếu “trong tầm kiểm soát”. Nỗi lo doanh nghiệp vỡ nợ luôn tồn tại trên thị trường 2 năm nay rồi.

“Đây là lúc thị trường đổ tiền ra lấy lại những gì đã mất, chuyện một vài doanh nghiệp vỡ nợ không phải vấn đề lớn nhất vào lúc này”, vẫn người trên chia sẻ. Nếu thị trường cũng nghĩ vậy, thì giá cổ phiếu sẽ lên. Thị trường luôn có lý lẽ của nó.

Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên, Đại học Bristol, Anh)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục