Thị trường tài chính 24h: Sự chú ý dồn cả vào Fed

(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất đồng loạt;  Vì sao cổ phiếu SHB nổi sóng lớn?;  ROS: Tâm điểm tái cơ cấu danh mục ETF; ìm cơ hội với các doanh nghiệp duy trì tăng trưởng EPS cao; Chứng khoán châu Á phản ứng trái chiều với việc Fed cắt giảm lãi suất; Phát súng tịt của Fed...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Sự chú ý dồn cả vào Fed

Thị trường vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 4/3 tăng 650.000 đồng/lượng chiều mua vào và 800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã giảm trở lại 200.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại mức 46,35 – 47,02 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng thế giới, sau thông tin Fed thông báo cắt giảm lãi suất khẩn cấp, giá vàng giao ngay đêm qua tại Mỹ đã tăng vọt 51 USD lên 1.640,1 USD/ounce, nhưng sang phiên châu Á sáng nay đã hạ nhiệt và giảm nhẹ về quanh 1.639 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,11% lên 97,26 điểm vào cuối phiên châu Á.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 4/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.204 đồng, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.145 - 23.285 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,38 USD (+0,81%), lên 47,56 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,39 USD (+0,75%), lên 52,25 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index giảm nhẹ

Sau khi giảm khá mạnh lúc mở cửa, VN-Index đã dần trở lại nhờ sự tích cực của một vài bluechip. Tuy nhiên, toàn bộ top 10 mã vốn hóa lớn nhất đều giảm giá khiến VN-Index vẫn chìm dưới sắc đỏ.

Bước vào phiên chiều, lực cầu cởi mở hơn, kéo VN-Index về lại gần sát mốc tham chiếu, nhưng do các mã lớn vẫn yếu đà khiến chỉ không thể trở lại.

Dòng tiền chủ yếu tìm đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp nhóm này khởi sắc với hàng loạt mã tăng trần như FLC, DLG, LDG, ROS, HAI, HID, TSC, TDG, TGG, AMD, DIC, QCG…

Trong nhóm bluechip, HVN đã bật mạnh trở lại mức giá trần 24.250 đồng khi lượng dưa bán được nhà đầu tư nhanh chóng hấp thụ hết.

Tính chung trên toàn thị trườngnhà đầu tư nước ngoài bán ròng 19,87 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 476,57 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 4/3: VN-Index giảm 1,24 điểm (-0,14%), xuống 889,37 điểm; HNX-Index tăng 1,45 điểm (+1,29%), lên 114,02 điểm; UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,14%), lên 55,54 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Đúng như dự đoán, Fed đã hạ lãi suất chuẩn 0,5% xuống còn 1,0 - 1,25%/năm để chống lại sự tác động tiêu cực lên nền kinh tế của dịch Covid-19.

Mặc dù vậy, các phân tích cho rằng, động thái này của Fed mang lại nhiều rủi ro hơn là cơ hội. Bởi thời gian giảm lần này cho thấy sự cấp bách của Fed, khiến nhà đầu tư nghi ngờ về sự bất ổn nào đó của nền kinh tế.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Dow Jones giảm 785,91 điểm (-2,94%), xuống 25.917,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 86,86 điểm (-2,81%), xuống 3.003,37 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 268,08 điểm (-2,99%), xuống 8.684,09 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản gần như không đổi, khi sự tích cực từ kết quả bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ tại Mỹ nghiêng về phía ông J.Biden đã bù đắp cho tổn thất trước việc Fed

Đóng của, chỉ số Nikkei 225 tăng chưa đến 0,1% lên 21.100,06 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,17% xuống 1.502,50 điểm.

Thị trường đã tăng nhẹ khi cựu Phó Tổng thống Mỹ - Joe Biden có chiến thắng tại nhiều bang trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ.

Mặc dù vậy, tâm trạng thị trường vẫn ảm đạm khi sự lây lan của Covid-19 cả ở Nhật Bản và trên toàn cầu có vẻ như chưa dừng lại.

Ngoài ra, Fed công bố cắt giảm lãi suất khẩn cấp và được phân tích thông điệp rằng, việc này do lo ngại về khủng hoảng kinh tế nhiều hơn là kích cầu đã khiến nhà đầu tư càng thận trọng hơn.

Tại Tokyo, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm sâu nhất sau khi lợi suất trái phiếu của Mỹ xuống mức thấp kỷ lục với chỉ số theo dõi ngành giảm 2,2%, trong đó, MUFG giảm 2,3%, SMFG mất 2,1% và Mizuho giảm 1,9%.

Nhiều cổ phiếu xuất khẩu cũng suy giảm so đồng yên – nơi trú ẩn tăng giá so với đồng USD. Theo đó, Shin-Etsu Chemical giảm 2,2% trong khi Toyota Motor giảm 1%. Subaru và Suzuki Motor đều mất 2,4%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi giới đầu hy vọng sẽ có nhiều kích thích chính sách trong nước hơn nữa sau khi Fed tuyên bố cắt giảm lãi suất.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,63% lên 3.011,67 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,58% lên 4.115,05 điểm.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp từ Fed khiến tâm lý giới đầu tư càng thêm bất an thay vì ổn định. Tuy nhiên, tổn thất được bù đắp phần nào, khi có thêm chính sách hỗ trợ từ Cơ quan tiền tệ Thành phố.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,24% xuống 26.222,07 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,35% lên 10.521,78 điểm.

Thông tin đáng chú ý là Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã hạ lãi suất cơ bản cho vay qua đêm 50 điểm cơ bản xuống 1,5%, với kỳ vọng chính sách mới sẽ tăng thêm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng của Thành phố.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng mạnh, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, sau khi Fed hạ lãi suất khẩn cấp đã khiến dòng vốn ngoại chảy mạnh mua cổ phiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng một lượng cổ phiếu trị giá 150,0 tỷ won (126,34 triệu USD), chấm dứt 7 phiên bán ròng liên tiếp, sau khi đồng USD rơi xuống vùng thấp nhất trong 5 tháng so với đồng yên.

Thị trường còn được tiếp sức bởi thông tin nước này đã công bố gói kích thích trị giá 11,7 nghìn tỷ won để bù đắp tác động đến kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.

Kết thúc phiên 4/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 17,33 điểm (+0,08%), lên 21.100,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 18,77 điểm (+0,63%), lên 3.011,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 62,75 điểm (-0,24%), xuống 26.222,07 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 45,18 điểm (+2,24%), lên 2.059,33 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất đồng loạt

Để hỗ trợ khách hàng trước tác động của dịch Covid-19, bên cạnh việc giảm phí giao dịch, giãn hoãn nợ…, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động để tiến tới giảm lãi suất cho vay..>> Chi tiết

Vì sao cổ phiếu SHB nổi sóng lớn?

Trong bối cảnh chỉ số chứng khoán giảm điểm, những cổ phiếu đi ngược thị trường chung không nhiều, bao gồm các mã phục hồi kỹ thuật và các mã có “câu chuyện riêng”, chẳng hạn SHB, PHR, DRH, YEG..>> Chi tiết

ROS: Tâm điểm tái cơ cấu danh mục ETF

Hai quỹ đầu tư chỉ số (ETF) ngoại là FTSE ETF (dựa trên chỉ số FTSE Vietnam Index) và VNM ETF (dựa trên chỉ số MVIS Vietnam Index) sẽ lần lượt công bố kết quả tái cơ cấu danh mục đầu tư quý I/2020 vào ngày 6/3 và ngày 13/3 tới..>> Chi tiết

Tìm cơ hội với các doanh nghiệp duy trì tăng trưởng EPS cao

Những doanh nghiệp có mức tăng trưởng thu nhập trên cổ phiếu ổn định ở mức cao luôn được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm..>> Chi tiết

Phát súng tịt của Fed

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa bất ngờ hạ lãi suất 0,5%, nhưng đã trở thành phát súng tịt khi các thị trường phản ứng không như kỳ vọng..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục