Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 3/3 đã công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 12 tỷ USD để giúp các nước đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch WB David Malpass cho biết mục tiêu của gói hỗ trợ này là nhằm cung cấp hành động nhanh chóng, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo hiện đang phải "oằn mình" để chống chọi với sự lây lan của dịch COVID-19.
Gói cứu trợ trên sẽ được sử dụng để mua trang thiết bị hoặc vật tư y tế, cũng như chi phí tư vấn về chuyên môn và chính sách.
Một khoản trong số tiền 12 tỷ USD này được phân bổ tới các quốc gia nghèo nhất trên thế giới.
Ông Malpass cho biết số tiền trên, trong đó có 8 tỷ USD là huy động mới, sẽ được chuyển đến các quốc gia đã đề nghị được trợ giúp.
WB trước đó đã liên hệ với nhiều quốc gia thành viên, song Chủ tịch WB không cho biết nước nào sẽ nhận được khoản viện trợ đầu tiên.
Ông Malpass nhấn mạnh WB muốn tận dụng tốt nhất các nguồn lực và chuyên môn toàn cầu, cũng như các kinh nghiệm ứng phó với các cuộc khủng hoảng như dịch Ebola và Zika trước đây để hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng.
Theo thông báo mới nhất của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kỳ họp mùa Xuân của các bộ trưởng tài chính và đại diện các ngân hàng trung ương sẽ được tổ chức trong 3 ngày từ 16 - 18/4 tới dưới hình thức trực tuyến để phòng tránh nguy cơ dịch COVID-19 lây lan.
Các cuộc họp được tổ chức định kỳ hai năm một lần này thu hút sự tham gia của hàng nghìn quan chức, báo giới và các đại diện từ khu vực kinh tế tư nhân từ 180 quốc gia thành viên.
Trong tuyên bố chung trước đó, IMF và WB ngày 2/3 khẳng định sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thành viên giải quyết thảm họa nhân đạo và tác động kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.
IMF và WB khẳng định sẽ sử dụng những công cụ sẵn có với khả năng cao nhất có thể, trong đó có tài trợ khẩn cấp, tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật.
Theo tuyên bố, hai thể chế tài chính đa phương có những cơ chế cung cấp tài chính nhanh và có thể phối hợp hỗ trợ các quốc gia đáp ứng hàng loạt nhu cầu.
IMF và WB nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các hệ thống giám sát y tế và biện pháp ứng phó nhằm khống chế dịch bệnh hiện nay cũng như mọi dịch bệnh trong tương lai.
Hai tổ chức tài chính này cũng cho rằng hợp tác quốc tế là điều cần thiết để giảm tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với y tế và kinh tế toàn cầu.