Nên tăng thêm mức giảm trừ gia cảnh

Gần 6,9 triệu người làm công, ăn lương đang nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đánh giá cao việc Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN để áp dụng ngay từ ngày 1/1/2020. Song có ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính nên xem xét, có thể tăng mức giảm trừ gia cảnh lên cao hơn.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Sở dĩ Bộ Tài chính kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng là bởi, kể từ ngày 1/7/2013 (thời điểm áp dụng mức giảm trừ gia cảnh hiện hành) đến hết năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đã tăng 23,2%.

Theo quy định của Luật Thuế TNCN, trong trường hợp CPI biến động trên 20%, thì phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.

Nếu kiến nghị của Bộ Tài chính được chấp thuận, thì tuyệt đại đa số trong tổng số hơn 3 triệu người đang nộp thuế TNCN tại bậc 1 sẽ không phải nộp thuế.

Riêng những người chịu thuế ở bậc cao hơn cũng giảm mức đóng góp. Ước tính, thu ngân sách nhà nước từ nguồn thuế TNCN giảm khoảng 10.300 tỷ đồng mỗi năm khi mức giảm trừ gia cảnh được nâng lên theo kiến nghị của Bộ Tài chính.

Song trong bối cảnh giá cả mặt hàng thiết yếu nhất của người dân là lương thực, thực phẩm tăng cao hơn rất nhiều so mức tăng 23,2% CPI bình quân, thì đòi hỏi tăng mức giảm trừ gia cảnh cao hơn so với đề xuất của Bộ Tài chính là hợp tình, hợp lý.

Đó là chưa kể để thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP, giá học phí và viện phí cũng tăng rất mạnh (giá thuốc và dịch vụ y tế tháng 12/2019 tăng tới 117,42%, học phí tăng 45,84% so với năm 2014).

Trước xu hướng CPI 2 tháng đầu năm 2020 tăng cao, Chính phủ đã yêu cầu năm nay sẽ không điều chỉnh tăng học phí, viện phí theo lộ trình.

Nhưng giá 2 loại dịch vụ thiết yếu này chắc chắn sẽ được điều chỉnh tăng trong tương lai gần vì trong kết cấu giá dịch vụ y tế và giáo dục công lập, hiện mới tính chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý, chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định, thiết bị, máy móc và lợi nhuận hợp lý để tái đầu tư.

Hơn nữa, trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam là nước có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất khu vực ASEAN, nhờ đó thu nhập bình quân của người lao động tăng từ gần 40 triệu đồng/năm (năm 2013) lên hơn 64 triệu đồng/năm vào năm 2019 (tăng trên 60%), nên mức tăng giảm trừ gia cảnh 23% là chưa phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, lương cơ bản tại thời điểm tính mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng (ngày 1/7/2013) là 1,15 triệu đồng/tháng, nhưng đến ngày 1/7/2020, mức lương này được điều chỉnh lên 1,6 triệu đồng/tháng (tăng hơn 39%).

Lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực ngoài nhà nước cũng tăng với mức độ tương ứng, do vậy thu nhập thực tế của người làm công, ăn lương ở cả khu vực nhà nước lẫn ngoài nhà nước tăng hơn rất nhiều.

Chính vì thế, việc tăng giảm trừ gia cảnh ở mức 23% là chưa thực sự phù hợp.

Thực tế còn cho thấy, CPI tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng theo mức tương ứng 5,4% và 5,91% - cao nhất kể từ năm 2014.

Ngược lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm nay chỉ tăng 8,3% - là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2014.

Vì vậy, Bộ Tài chính nên xem xét, tăng thêm mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo động viên hợp lý, góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh mới không sớm bị lạc hậu.

Nâng mức giảm trừ gia cảnh hợp lý sẽ khuyến khích tiêu dùng nội địa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Điều này cũng không gây lo lắng nhiều về tác động đến thu ngân sách nhà nước, vì năng suất lao động mỗi năm một cải thiện, thu nhập thực tế của người dân mỗi năm một tăng, nên số người nộp thuế sẽ tăng, qua đó sẽ có thêm điều kiện để tăng nguồn thu vào ngân sách nhà nước.

Hàn Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục