Thiếu công nghệ mới, rào cản của doanh nghiệp Việt

(ĐTCK) Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), từ khi bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1986, Việt Nam đã không ngừng hội nhập nhanh chóng vào nền kinh tế toàn cầu. 
Đa phần doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa được tiếp cận với công nghệ mới. Đa phần doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa được tiếp cận với công nghệ mới.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt gấp đôi GDP và luồng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong năm 2018 đạt tương đương 8% GDP. Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, đưa nền kinh tế hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, việc tham gia vào chuỗi chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài. Các DN tư nhân trong nước chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Trong năm 2017, hơn nửa triệu DN nhỏ và vừa nội địa đóng góp khoảng gần một nửa GDP, nhưng rất ít DN tham gia vào chuỗi.

ADB cho rằng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ không đồng đều của các DN nhỏ và vừa là rào cản chính ngăn DN hội nhập với chuỗi giá trị toàn cầu. Vấn đề này đặc biệt đáng quan tâm, trong bối cảnh các thị trường quốc tế ngày càng thắt chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch, môi trường và sức khoẻ. Do đó, phải được tiếp cận với các công nghệ mới thì mới có thể giúp các DN nhỏ và vừa vượt qua được những rào cản này.

Thực tế cho thấy, các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, chẳng hạn năng lực mua sắm và ứng dụng công nghệ mới chưa được đẩy mạnh bởi khó tiếp cận vốn và thiếu lực lượng lao động có kỹ năng cần thiết. DN thường khó tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý do các điều kiện thế chấp vay vốn ngặt nghèo và thủ tục phức tạp, thị trường vốn còn nghèo nàn, mặc dù đã có một số cơ chế cung cấp tín dụng cho DN nhỏ và vừa như Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam...

Về tình trạng thiếu lao động có tay nghề, một khảo sát mới đây của ManpowerGroup cho thấy, chỉ có 11% DN Việt Nam có thể cung cấp được các kỹ năng cần thiết để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, kỷ nguyên phát triển dựa trên “chi phí thấp, kỹ năng thấp” của Việt Nam đã qua và Việt Nam phải trở thành một nền kinh tế dựa trên kỹ năng cao.

Một rủi ro được ADB đề cập có thể đến từ tiến độ chậm chạp của quá trình cải cách DN nhà nước. Kết quả cổ phần hoá DN nhà nước trong năm 2018 kém hơn nhiều so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra là cổ phần hóa ít nhất 85 DN. Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định: “Năm 2018, Việt Nam đưa ra con số các DN nhà nước sẽ được cổ phần hoá nhưng chưa đạt được, điều này có nghĩa quá trình vẫn tiếp tục diễn ra”.

Nguồn tiền từ cổ phần hoá giúp Chính phủ Việt Nam giảm bớt thâm hụt ngân sách, song ông Eric Sidgwick cho rằng, cổ phần hoá không phải là mục đích cuối cùng, mà quan trọng hơn là nâng cao hiệu suất, cải thiện hiệu quả và công tác quản trị DN tại những DN được cổ phần hoá, để DN hoạt động trên nguyên tắc thương mại và thị trường nhiều hơn.

“Điều gì xảy ra sau cổ phần hoá mới quan trọng. Nhìn chung, đầu tư nhà nước vào những DN này, cũng như nguồn vốn sử dụng phải hiệu quả hơn so với trước đây. Đặc biệt trong các lĩnh vực Nhà nước không có kinh nghiệm, kiến thức, chuyên môn sâu, nên để DN tư nhân làm thì tốt hơn, tất nhiên một số ngành Chính phủ vẫn giữ quyền kiểm soát”, ông Eric Sidgwick nói và nhấn mạnh, cần tiếp tục quy trình cổ phần hoá, đẩy nhanh tiến độ của quá trình này bởi càng để lâu, những DN kém hiệu quả càng sử dụng nhiều nguồn lực hơn, lãng phí đất đai, trong khi mang đến những kết quả ít có giá trị gia tăng.

“Trong một số trường hợp, cổ phần hoá nhẽ ra có thể nhanh hơn. Chúng tôi hiểu rằng, cải cách không phải là một quá trình dễ dàng và cần được kiểm soát thận trọng. Vì sự ổn định xã hội, an toàn việc làm cho người dân, cần thận trọng với tiến trình cổ phần hoá. Nhu cầu không chỉ là cổ phần hoá, mà cần biến những DN nhà nước thành DN thực sự và dành không gian để DN tư nhân cạnh tranh bình đẳng với DN nhà nước”, ông Eric Sidgwick nói.

Bên cạnh đó, để giải quyết được những căn nguyên gốc rễ của vấn đề chất lượng sản phẩm không đồng đều, theo ADB, các chính sách cần khuyến khích và hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ mới và trên hết là đổi mới sáng tạo ở trong nước.

Các DN nhỏ và vừa cần có vốn để thuê mua trang thiết bị và công nghệ mới cho sản xuất. Việc phát triển các kỹ năng cần thiết đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện và đồng bộ với sự vào cuộc của Chính phủ, cơ sở đào tạo và DN tư nhân để cung cấp các dịch vụ đào tạo chuyên môn, đào tạo nghề đáp ứng đầy đủ các nhu cầu. Nếu không cải thiện được khả năng tiếp cận vốn và kỹ năng, DN nhỏ và vừa Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu trên con đường hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục