Chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã dẫn lời của nhà bác học Darwin rằng, không phải loài mạnh nhất sẽ sống sót, thay vào đó, loài có khả năng thích ứng trước sự thay đổi tốt nhất mới là loài sống sót, để nhấn sự thích ứng, quyết tâm là rất quan trọng để vượt qua thách thức, khó khăn hiện nay.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nói: “Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển”. Và rằng, “chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế - xã hội”.
Trên thực tế, ngay khi Covid -19 xảy ra và diễn biến ngày càng phức tạp, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi quyết liệt, được thế giới đánh giá cao.
Chính phủ Việt Nam cũng đã có những phản ứng chính sách rất nhanh, mạnh, khi ban hành một loạt góp giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người lao động, người dân bị giảm sâu thu nhập bởi Covid-19.
Thậm chí, có gói giải pháp, như gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội, từ lúc đề xuất tới lúc quyết nghị chỉ đúng 10 ngày, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và đây là lần đầu tiên, Chính phủ có giải pháp “phát tiền mặt” cho dân. Cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngay sau khi nhận báo cáo của Chính phủ, cũng đã đổi lịch họp, đẩy lên sớm hơn để có thể sớm xem xét gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ mà Chính phủ trình.
Trường hợp cấp bách và đặc biệt, nên giải pháp đưa ra cũng khác biệt. Đó là chấp nhận chuyển đổi phương thức đầu tư của 8 dự án trọng điểm quốc gia từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công. Cho phép chỉ định thầu, làm sao để nhanh nhất có thể khởi công được các dự án quan trọng này, để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, vừa chuẩn bị động lực cho tăng trưởng và phát triển giai đoạn sau.
Hiện tại, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để có các chính sách hỗ trợ toàn diện hơn cho doanh nghiệp, cho người dân, cho toàn nền kinh tế. Một nghị quyết chuyên đề của Chính phủ sẽ sớm được ban hành sau Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Một gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, ban đầu chỉ dự kiến là 280.000 tỷ đồng, nay đã nâng lên gấp bội, theo đó, con số có thể tương đương tới 14 tỷ USD, thậm chí là 22 tỷ USD…
Chưa hết, dù dịch bệnh chưa qua, nhưng việc chuẩn bị kịch bản cho phục hồi kinh tế sau đại dịch đã được tính đến. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa nhắc đến việc xây dựng kịch bản này hôm 6/4, nhưng ngay sau đó đã nhanh chóng báo cáo Chính phủ và cũng rất nhanh sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “phải khẩn trương xây dựng kịch bản để vực dậy nhanh nền kinh tế ngay trong tuần sau” - tức ngay trong tuần này.
Hành động, hành động và hành động. Chúng ta đã chứng kiến sự quyết liệt của Chính phủ. Không thể không làm, bởi diễn biến đại dịch quá khó lường, các tác động tới nền kinh tế thậm chí còn khó có thể dự báo. Trong bối cảnh ấy, nếu không thích ứng nhanh, nếu không có phản ứng chính sách và hành động quyết liệt, thì chưa nói tới ngăn chặn dịch, sẽ càng khó có thể nói đến vực dậy nền kinh tế.
Hành động nhanh nhưng không vội. Không vội từ việc đưa tiền hỗ trợ dân nghèo, đến hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, bởi điều đó có thể khiến “đồng tiền của dân đi lạc”, khiến xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Không vội và không được vội, bởi cần phải nghiên cứu sau đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu, cấu trúc kinh tế, bao gồm cả sản xuất, thương mại, đầu tư sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc như thế nào. Chỉ khi nghiên cứu kỹ, chúng ta mới có thể có kịch bản thích ứng tốt và phản ứng chính sách chuẩn xác. Đây chính là những điều kiện tiên quyết, quan trọng để nền kinh tế có thể vực dậy nhanh sau đại dịch.