Gấp rút đưa vốn đầu tư công vào nền kinh tế

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp nằm trong tầm tay và có thể giải quyết được cùng lúc nhiều mục tiêu hỗ trợ đà tăng trưởng của nền kinh tế, giải quyết vấn đề về hạ tầng, có tác động mạnh đến cả cung và cầu của nền kinh tế, bảo đảm được mục tiêu dài hạn về ổn định vĩ mô và phát triển bền vững.
Từ nhiều năm nay, đầu tư công luôn là giải pháp được Chính phủ nhấn mạnh hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ nhiều năm nay, đầu tư công luôn là giải pháp được Chính phủ nhấn mạnh hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Cứu tinh” của nền kinh tế

Hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được ban hành kèm theo Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, giải ngân đầu tư công được cho là giải pháp quan trọng nhất và có thể làm được ngay.

“Đây chính là giải pháp nằm trong tầm tay của chúng ta, làm được thì có thể tác động ngay đến tăng trưởng”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã nói như vậy và cho biết, Tổng cục Thống kê đã tính toán rằng, khi vốn đầu tư công giải ngân thêm được 1%, thì sẽ tác động lan tỏa đến các ngành xây dựng, đến tích lũy và nâng cao năng lực của nền kinh tế.

Điều quan trọng ở chỗ, chỉ cần thêm 1% vốn đầu tư công giải ngân, sẽ góp phần làm vốn ngoài nhà nước tăng thêm 0,92 điểm phần trăm, đồng thời cũng sẽ giúp GDP tăng thêm được 0,06 điểm phần trăm.

Thực tế cho thấy, không phải bây giờ, khi dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu, đầu tư công mới được nhắc đến như một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiều năm nay, đây luôn là giải pháp được Chính phủ nhấn mạnh hàng đầu. Nhưng khi dịch bệnh làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng, cả ở phía cung và phía cầu, việc thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp hay du lịch… đều không dễ dàng trong ngày một ngày hai, thì đầu tư công chính là giải pháp hữu hiệu nhất để “cứu” nền kinh tế.

Ông Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Đại học Kinh tế Quốc dân) khi trao đổi với báo giới cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh tổng chi tiêu từ doanh nghiệp và người dân giảm sút do dịch bệnh, vai trò của đầu tư công trở nên “quan trọng hơn bao giờ hết” để cứu nền kinh tế khỏi suy thoái.

Theo số liệu thống kê, nhiều năm gần đây, Việt Nam chưa bao giờ giải ngân hết vốn đầu tư công theo kế hoạch hàng năm. Thậm chí, năm sau lại có xu hướng giảm hơn năm trước. Cụ thể, nếu năm 2016, giải ngân được 97,8% kế hoạch, thì sang năm 2017 chỉ còn 94,4%; năm 2018 là 92,3% và năm 2019 là 89,5%.

“Năm nay, theo dự tính của chúng tôi, sẽ giải ngân được 93% kế hoạch. Nếu giải ngân hết 100% số vốn kế hoạch, thì chỉ 7 điểm phần trăm tăng thêm đó sẽ giúp tăng trưởng kinh tế tăng thêm được trên 0,42 điểm phần trăm. Đấy là còn chưa tính đến những tác động lan tỏa của vốn đầu tư ngoài nhà nước”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Không chỉ cơ quan thống kê của Nhà nước Việt Nam, mà Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra những tính toán tương tự và khuyến nghị, Việt Nam nên đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, vì nếu giải ngân thêm được 10% vốn đầu tư công, sẽ làm tăng thêm 1,5% tỷ lệ vốn đầu tư công trên GDP và sẽ có tác động đủ lớn cho nguy cơ tổn thất GDP.

Gấp rút đưa vốn vào nền kinh tế

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là cần thiết, nhưng quan trọng là làm sao để tiêu được khoản tiền không nhỏ này?

Phải tinh giản các thủ tục đầu tư, đồng thời chuẩn bị sẵn danh mục các dự án ưu tiên để huy động vốn và sẵn sàng triển khai, đồng thời, có cơ chế phân cấp hiệu quả giữa các cấp chính quyền, nhằm thúc đẩy việc triển khai dự án trong thực tế.

- Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam   

Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một loạt giải pháp, gồm cả thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch lẫn đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành… Biện pháp chuyển đổi hình thức đầu tư từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công đối với một số dự án cũng đã được tính đến và các cơ quan chức năng đang tích cực chuẩn bị để có thể sớm triển khai các giải pháp này trong thực tế.

Tuy nhiên, điều khiến ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) băn khoăn, đó là thái độ và cách thức làm việc của nhiều cơ quan chức năng cũng phải thay đổi. “Tất cả phải cùng nhau xem xét và quyết luôn mới có thể giải quyết được vấn đề, chứ nếu vẫn ngồi chờ trình lên, rồi xem xét, cho ý kiến thì sẽ muộn mất”, ông Cung nói.

Theo ông Cung, để chặn đà giảm tốc của nền kinh tế, giải pháp ưu tiên trước mắt và thậm chí cả trong lâu dài vẫn là thúc đẩy đầu tư công. “Mắc chỗ nào thì gỡ ở chỗ đó, nếu tăng tốc giải ngân được thì sẽ góp phần giảm tốc độ suy giảm của nền kinh tế”, ông Cung nhấn mạnh.

Trên thực tế, thời điểm năm 2008-2009, khi kinh tế bắt đầu có suy giảm do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Hàng loạt giải pháp nhằm kích cầu đầu tư đã được thực hiện, như cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn còn lại của năm 2008 đến hết tháng 6/2009; cho tạm ứng vốn…

Đến nay, chính sách đầu tư công đã có nhiều thay đổi. Luật Đầu tư công sửa đổi cho phép chuyển nguồn sang năm sau, cũng mở rộng hơn cơ chế chỉ định thầu… Nghĩa là, mọi thứ đều rất thuận lợi để “kích cầu”. Vấn đề là làm sao đưa nguồn vốn đầu tư công của kế hoạch năm 2020 và số vốn được chuyển nguồn tiếp tục giải ngân của kế hoạch năm 2019 vào nền kinh tế một cách nhanh nhất.

Đã 2-3 năm nay, luôn có nỗi lo ngại về việc “có tiền mà không tiêu được”. Không chỉ vốn đầu tư trong nước từ ngân sách nhà nước, mà cả vốn ODA cũng vậy. Hiện vẫn còn “tồn” trên 22 tỷ USD vốn ODA cam kết mà chưa được đưa vào thực hiện. Chỉ cần nguồn lực khổng lồ này gấp rút được đưa vào nền kinh tế, sẽ có tác động rất lớn tới tăng trưởng kinh tế.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục