Thị trường Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý

(ĐTCK) Theo ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), thị trường đang tồn tại một nghịch lý rằng, có những doanh nghiệp tốt, có thị trường xuất khẩu, sản phẩm bán tốt, nhưng lại không dễ thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi khi Hiệp định TPP được ký kết Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi khi Hiệp định TPP được ký kết

Năm 2015, nhiều hiệp định dự kiến sẽ được ký kết như Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA song phương Việt Nam - EU, Asean + 6, đặc biệt là Hiệp định tự do mậu dịch khu vực ASEAN (AEC) sẽ chính thức có hiệu lực, tạo cho doanh nghiệp nhiều cơ hội kinh doanh mới, tham gia các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu…, nhất là sẽ tiếp cận nhiều nguồn vốn mới, đa dạng hơn để phát triển. Tuy nhiên, để đi trên con đường này, doanh nghiệp Việt Nam cũng còn đối mặt với nhiều chông gai.

Thống kê cho thấy, một công ty quản lý quỹ đầu tư ở Mỹ có thể quản lý vài tỷ đến vài chục tỷ USD, đồng nghĩa dòng tiền đầu tư trên thế giới rất nhiều, nhưng làm sao để thu hút được dòng tiền này về phục vụ sản xuất?

Tại Diễn đàn Việt Nam CEO Forum 2014, nhận định cơ hội phát triển thị trường vốn trong cuộc “tìm kiếm dòng hải lưu” của doanh nghiệp Việt Nam, ông Johan Nyvene cho rằng, nền kinh tế Việt Nam chưa được gọi là nền kinh tế mới nổi, nên để gọi nguồn vốn đầu tư từ thị trường tài chính lớn là không dễ dàng.

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG cho biết, dòng vốn FDI đang có xu hướng “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam.

KPMG hiện đang hỗ trợ cho một số doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam và cũng nhận thấy một làn sóng các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài có thể tiếp cận với các nguồn vốn rẻ và dồi dào hơn, khi chỉ cần ngân hàng có niềm tin vào dự án doanh nghiệp đầu tư đã có thể vay vốn, thay vì phải mang nhiều tài sản để thế chấp. Đây chính là điểm bất lợi đối với các doanh nghiệp trong nước.

Quay trở lại với những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam sắp ký, điểm chung của những hiệp định này là hướng đến mở cửa thị trường và bình đẳng hóa sự cạnh tranh, trong đó các bên đều phải chuẩn hóa môi trường nội địa cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nhiều hơn thị trường, tiếp cận với doanh nghiệp và đầu tư sâu rộng hơn.

Theo ông Johan, thị trường đang tồn tại một nghịch lý rằng, có những doanh nghiệp tốt, có thị trường xuất khẩu, sản phẩm bán tốt, nhưng lại không dễ thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bởi khi doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận, họ thấy rằng doanh nghiệp vẫn dùng tiền công ty để đầu tư bất động sản; dòng tiền không đủ để trả nợ khi lãi suất tăng cao. Đây là điểm trừ đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn nước ngoài.

Đối với ngành tư vấn M&A, một số ngành như thực phẩm, bán lẻ, mua bán nhanh… thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng số doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được bài toán của họ đưa ra để bắt đầu một cuộc thương lượng là rất ít.

Trên TTCK, thống kê sơ bộ trong 2 - 3 năm gần đây cho thấy, trong 90 triệu người Việt Nam, có khoảng 1,3 triệu tài khoản chứng khoán nhưng chỉ có khoảng 500.000 tài khoản nhà đầu tư đầu tư thực sự. Vốn hoá TTCK khoảng 50 - 60 tỷ USD, tương đương gần 40% GDP, trong khi ở các thị trường phát triển, vốn hóa thị trường thậm chí là cấp số nhân GDP. Qua đó cho thấy, tiềm lực phát triển cho TTCK còn rất lớn.

Bên cạnh đó, 2 công cụ chính của TTCK là cổ phiếu và trái phiếu, nhưng hiện Việt Nam mới thu hút được nhà đầu tư đại chúng vào thị trường cổ phiếu.

Theo ông Johan, tiềm lực còn nhiều hơn nữa nhờ sự phát triển thị trường trái phiếu trong tương lai. Hiện thị trường trái phiếu mới thấy trái phiếu chính phủ, trái phiếu đô thị, trái phiếu của ngân hàng lớn, còn trái phiếu doanh nghiệp vẫn hạn chế.

Theo đánh giá của các diễn giả tại diễn đàn, những hiệp định thương mại chắc chắn sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam hướng đến những chuẩn mực quốc tế, để có thể cùng “chơi” với các doanh nghiệp nước ngoài khi hội nhập. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải minh bạch tài chính, giảm nợ hay làm lợi cho cổ đông mới thu hút được dòng vốn nước ngoài.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục