Thị trường tài chính 24h: Tiền vẫn chảy mạnh vào chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng hơn 10 điểm; Góc nhìn đa chiều về room ngoại; Ngân hàng hối hả chào sàn; Sức hút đô thị biển; Chứng khoán châu Á tiếp tục biến động không đáng kể; IMF cảnh báo về sự điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán trong những tháng tới; Giới phân tích phố Wall dự báo xu hướng thị trường chứng khoán trong mùa bầu cử… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Tiền vẫn chảy mạnh vào chứng khoán

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 14/10 giảm 400.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại mức 55,80 – 56,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 30,2 USD xuống 1.891,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích nhẹ và tiến gần 1.900 USD/ounce vào cuối giờ chiều.

Giá vàng tương lai giao tháng 11 trên sàn Comex New York tăng 5,9 USD lên 1.896,1 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,01% lên 93,54 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 14/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.197 đồng, tăng 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,24 USD (-0,60%), xuống 39,97 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,19 USD (-0,45%), xuống 42,26 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index tăng vọt

Trong phiên sáng, nhóm bluechip với điểm nhấn là dòng bank cùng SAB, đã giúp VN-Index vượt mốc 935 điểm.

Bước sang phiên chiều, tâm lý hưng phấn tiếp tục kéo thị trường đi lên kéo VN-Index tăng hơn 10 điểm và chính thức chạm mốc 940 điểm khi đóng cửa.

Hôm nay, TCB có phiên bùng nổ, khi tăng kịch trần lên 22.850 đồng, khớp lệnh 48,63 triệu đơn vị, ngoài ra, khối ngoại còn mua 26,35 triệu cổ phiếu và bán 32,22 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh đó, MSN tiếp tục bứt phá, leo lên sắc tím +7%, khớp lệnh hơn 5 triệu đơn vị.

Giao dịch khác đáng kể tại SAB, khi nhích 3,26% và giao dịch thỏa thuận trị giá hơn 4.897 tỷ đồng, tương ứng hơn 26,6 triệu cổ phiếu.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 20,28 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 581,54 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 14/10: VN-Index tăng 10,32 điểm (+1,11%), lên 940,18 điểm; HNX-Index tăng 1,34 điểm (+0,98%), lên 137,49 điểm; UpCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,47%), xuống 63,13 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall mất điểm trong phiên ngày thứ Ba (13/10), khi đón nhận thông tin không mấy tích cực về gói kích thích kinh tế.

Theo đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi một lần nữa từ chối đề xuất 1.800 tỷ USD từ Nhà Trắng. Bà Nancy cho rằng, con số này “thiếu hụt đáng kể so với nhu cầu” trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái sâu.

Thị trường ít phản ứng với thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 9 tăng 0,2%, mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 5, cho thấy cú sốc từ đại dịch đối với giá hàng hóa và dịch vụ đang bắt đầu giảm dần.

Kết thúc phiên 13/10, chỉ số Dow Jones giảm 157,71 điểm (-0,55%), xuống 28.679,81 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 22,29 điểm (-0,63%) xuống 3.511,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 12,36 điểm (-0,10%), xuống 11.863,90 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ, nhưng tâm lý thị trường bị chùng xuống do các thử nghiệm vắc xin Covid-19 bị đình trệ và gói kích thích tài chính bổ sung của Mỹ tiếp tục bế tắc.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,11% lên 23.626,73 điểm. Chỉ số Topix mất 0,32% còn 1.643,90 điểm.

Thông tin ảnh hưởng xấu đến thị trường là việc Johnson & Johnson thông báo buộc phải tạm dừng tất cả các thử nghiệm vắc xin Covid-19 của mình do một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm mắc bệnh không rõ nguyên nhân.

Ngoài ra, thử nghiệm lâm sàng cho một phương pháp điều trị kháng thể virus corona do hãng dược Eli Lilly thực hiện cũng đã bị tạm dừng vì “mối lo ngại tiềm ẩn về an toàn”.

Đáng chú ý nhất hôm nay là cổ phiếu của ANA Holdings, khi giảm 4,59% sau khi có tin Công ty sẽ cắt giảm 5% lương hàng tháng đối với tất cả nhân viên.

Nippon Steel đã mất 3,82% với tin đồn sẽ bán hai nhà máy ở Mỹ khi họ đẩy nhanh việc tổ chức lại các cơ sở ở nước ngoài.

Chứng khoán Trung Quốc giảm do nhóm cổ phiếu bất động sản đi xuống và áp lực chốt lời cổ phiếu nông nghiệp sau khi tăng mạnh gần đây.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,56% xuống 3.340,78 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,66% xuống 4.807,10 điểm.

Nhóm cổ phiếu bất động sản giảm 1,21% do tác động từ Nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc là China Evergrande Group.

Theo đó, cổ phiếu của China Evergrande Group niêm yết tại Hồng Kông đã giảm 15% sau khi chỉ huy động được 4,3 tỷ HKD (555 triệu USD) trong đợt phát hành cổ phiếu nhỏ, thấp hơn so với kỳ vọng 1,1 tỷ USD.

China Evergrande Group đang phải chịu áp lực từ các chủ nợ và các cơ quan quản lý Trung Quốc để giảm núi nợ 120 tỷ USD, trong đó khoảng 5,8 tỷ USD sẽ đáo hạn trong hai tháng tới.

Chứng khoán Hồng Kông mở cửa giảm điểm khá nhanh nhưng đã hồi nhẹ về cuối phiên, khi nhóm cổ phiếu công nghệ đứng vững sau bài phát biểu tại Thâm Quyến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,07% lên 24.667,09 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,43% lên 9.920,77 điểm.

Cổ phiếu lớn Tencent Holdings Ltd, một gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Thâm Quyến, tăng 3,1% và đạt mức cao nhất mọi thời đại sau bài phát biểu của ông Tập kêu gọi ngành công nghệ Trung Quốc trở nên tự lực hơn với hàng loạt cơ chế được phép tự chủ hơn.

Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong gần 3 tuần khi một số thử nghiệm vắc xin Covid-19 bị tạm dừng và kỳ vọng về một gói cứu trợ khác của Mỹ phai nhạt.

Hôm nay, cổ phiếu của Hyundai Motor đóng cửa giảm 0,6% sau khi tăng 2,5% trong phiên, khi tập đoàn bổ nhiệm ông Chung Eui-sun làm chủ tịch mới.

Trên thực tế, ông Chung Eui-sun đã lãnh đạo tập đoàn Hyundai từ cách đây 2 năm, khi ông được thăng tiến lên vị trí Phó Chủ tịch vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, đến nay tập đoàn Hyundai mới "danh chính ngôn thuận" có lãnh đạo mới sau 20 năm.

Kết thúc phiên 14/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 24,95 điểm (+0,11%), lên 23.626,73 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 18,97 điểm (-0,56%), xuống 3.340,78 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 17,41 điểm (+0,07%), lên 24.667,09 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 22,67 điểm (-0,94%), xuống 2.380,48 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Góc nhìn đa chiều về room ngoại

Có nhiều ý kiến nêu quan điểm về dự thảo quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room)..>> Chi tiết

- Ngân hàng hối hả chào sàn

Nhiều nhà băng đang chạy nước rút hoàn tất hồ sơ để có thể đưa cổ phiếu lên UPCoM hoặc chuyển sang sàn niêm yết trong năm nay. Điều này có tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu “vua”..>> Chi tiết

- Sức hút đô thị biển

Nhiều thông tin quan trọng được các diễn giả, nhà quản lý thị trường bất động sản chia sẻ tại Hội thảo "Sức hút đô thị biển - Coastal Appeal" do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay (14/10) tại Khách sạn Eastin Grand Saigon (253 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM)..>> Chi tiết

- IMF cảnh báo về sự điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán trong những tháng tới

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo vào thứ Ba (13/10) rằng, thị trường chứng khoán có thể sụt giảm trong những tháng tới nếu cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn tiếp diễn và sự phục hồi kinh tế mất nhiều thời gian hơn dự kiến..>> Chi tiết

- Giới phân tích phố Wall dự báo xu hướng thị trường chứng khoán trong mùa bầu cử

Cứ bốn năm một lần, các chuyên gia phố Wall lại nghiên cứu về cách thức giao dịch trong giai đoạn rủi ro chính trị lớn nhất hành tinh..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ