G20 xem xét gia hạn nợ cho các quốc gia nghèo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến vào thứ Tư (14/10) để thảo luận về những thách thức của kinh tế toàn cầu mà đại dịch Covid-19 đã gây ra.
G20 xem xét gia hạn nợ cho các quốc gia nghèo

Dự thảo của G20 cho biết, triển vọng kinh tế sẽ ít tiêu cực hơn vì các bước đã thực hiện đang mang lại hiệu quả và G20 sẽ cam kết làm nhiều hơn nếu cần để hỗ trợ sự phục hồi.

“Triển vọng ít tiêu cực hơn với hoạt động kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi khi nền kinh tế của chúng ta đang dần mở cửa trở lại và những tác động tích cực từ các hành động chính sách quan trọng của chúng ta bắt đầu thành hiện thực”, Reuters cho biết từ dự thảo tuyên bố của các nhà lãnh đạo tài chính G20.

“Chúng tôi sẽ duy trì và tăng cường khi cần thiết phản ứng chính sách của chúng tôi, xem xét các giai đoạn khác nhau của cuộc khủng hoảng, để đảm bảo sự phục hồi ổn định và bền vững", dự thảo cho biết.

Bên cạnh đó, G20 cho biết sẽ đồng ý gia hạn đóng băng dịch vụ nợ Covid-19 cho các nước nghèo trong ít nhất 6 tháng kể từ cuối năm 2020 và áp dụng một cách tiếp cận chung cho các khoản nợ dài hạn hơn, theo một thông cáo dự thảo được Reuters đưa ra hôm thứ Ba (13/10).

Trong dự thảo, các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương từ G20 cho biết, họ sẽ tiến hành xem xét vào tháng 4/2021 về việc liệu có cần gia hạn thêm 6 tháng nữa hay không.

Theo Reuters, họ đã đồng ý trong dự thảo được chuẩn bị cho cuộc họp trực tuyến giữa các bộ trưởng tài chính G20 và thống đốc ngân hàng trung ương vào thứ Tư (14/10) để thực hiện một cách tiếp cận phối hợp và áp dụng một “khuôn khổ chung” cho các khoản nợ được thực hiện từ Sáng kiến ​​hoãn thanh toán nợ (DSSI) đã được G20 phê duyệt vào tháng 4/2020.

Đại dịch Covid-19 đã đặc biệt tấn công các nước đang phát triển và các nền kinh tế thị trường mới nổi, làm trầm trọng thêm mức nợ vốn đã cao và đẩy ngày càng nhiều quốc gia đến bờ vực vỡ nợ.

Dự thảo cho biết, sáng kiến ​​DSSI với việc đề nghị tạm dừng các khoản thanh toán nợ song phương chính thức của các nước nghèo nhất, đã tạo điều kiện cho chi tiêu cao hơn đáng kể để chống lại đại dịch và suy thoái kinh tế.

Sáng kiến DSSI ​​đã giúp ​​hơn 40 trong số 73 quốc gia đủ điều kiện hoãn thanh toán khoản nợ khoảng 5 tỷ USD, nhưng con số đó ít hơn nhiều so với 12 tỷ USD sẽ được tạo ra nếu nhiều quốc gia tham gia.

Các chuyên gia cho rằng một vấn đề lớn là thiếu sự tham gia của khu vực tư nhân và việc Trung Quốc, thành viên của G20 nhưng không tham gia đầy đủ với tất cả các tổ chức quốc doanh của mình, bao gồm cả Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Dự thảo thông cáo của G20 đề cập đến cả hai vấn đề, kêu gọi tất cả các chủ nợ song phương chính thức “thực hiện sáng kiến ​​này một cách đầy đủ và minh bạch và khuyến khích mạnh mẽ các chủ nợ tư nhân tham gia khi được yêu cầu”.

Trước đó vào ngày 12/10, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cũng nói với một hội đồng tại các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới rằng, WB đã cam kết cung cấp đủ không gian tài chính cho các quốc gia đang gặp khó khăn về nợ thông qua các khoản tài trợ.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục