Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 4/4 giảm 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và 700.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm thêm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 98,80 – 101,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 19 USD xuống mức 3.114,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm tiếp xuống 3.080 USD, trước khi hồi nhẹ lên vùng 3.090 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,60 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 4/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.886 đồng/USD, tăng 32 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.600 – 25.960 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm mạnh từ hơn 87.100 USD xuống 81.900 USD, thì sang ngày hôm nay đã dần hồi phục và lên 84.500 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,25 USD (-3,36%), xuống 64,70 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 2,21 USD (-3,15%), xuống 67,78 USD/thùng.
VN-Index thu hẹp đà giảm
Đà giảm tiếp nối khiến VN-Index giảm mạnh ngay khi mở cửa về 1.160 điểm. Mặc dù vậy, dòng tiền chảy mạnh và nhà đầu tư tiếp tục xuống tiền mua vào bắt đáy đã giúp chỉ số dần hồi phục, thu hẹp đáng kể đà giảm, đóng cửa tại mức trên 1.210 điểm.
Đáng chú ý vẫn là thanh khoản thị trường, với khối lượng giao dịch xác lập con số kỷ lục tới gần 2,2 tỷ đơn vị và giá trị giao dịch đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm qua, kể từ phiên 18/3/2024.
Kết thúc phiên giao dịch 4/4: VN-Index giảm 19,17 điểm (-1,56%), xuống 1.210,67 điểm; HNX-Index giảm 3,97 điểm (-1,8%), xuống 216,97 điểm; UPCoM-Index tăng 0,56 điểm (+0,61%) lên 91,13 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ đã có phiên chao đảo trong ngày thứ Năm (3/4), với các chỉ số chính mất từ 4% đến 6% sau khi đón nhận mức thuế quan từ Mỹ đối với các đối tác thương mại, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn diện và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên 3/4: Chỉ số Dow Jones giảm 1.679,39 điểm (-3,98%), xuống 40.545,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 274,45 điểm (-4,74%), xuống 5.396,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1.050,44 điểm (-5,97%), xuống 16.550,60 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm khi tiếp tục chịu ảnh hưởng do lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,75% xuống 33.780,58 điểm. Chỉ số Topix giảm 3,37% xuống 2.482,06 điểm.
Áp lực bán tháo diễn ra từ phiên hôm qua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan rất cao đối với các đối tác thương mại, khiến các nhà đầu tư tranh giành mua vào các tài sản trú ẩn an toàn, bao gồm cả đồng yên, điều này gây thêm áp lực lên chứng khoán Nhật Bản.
Chỉ số theo dõi ngành ngân hàng đang trên đà giảm hơn 20% trong tuần này, mức giảm trong một tuần tồi tệ nhất được ghi nhận.
Trong đó, Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ một trong những tập đoàn ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, giảm 11,6% trước khi đóng cửa giảm 8,5%.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), ông Kazuo Ueda cho biết ngân hàng trung ương sẽ xem xét kỹ lưỡng tác động từ thuế quan của Mỹ đối với nền kinh tế nước này khi thiết lập chính sách tiền tệ, đồng thời, ông cũng cảnh báo mức thuế cao hơn có thể sẽ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu và trong nước.
Takamasa Ikeda, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại GCI Asset Management, cho biết chỉ số Nikkei 225 có thể chịu đựng "cơn gió ngược kép”, đó là thuế quan và đồng yên mạnh hơn, khiến chỉ số có thể giảm xuống mức thấp 32.000 điểm trong tháng này.
Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch ngày Thanh Minh.
Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày Thanh Minh.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ ba liên tiếp, nhưng điểm tích cực là đà giảm được hãm lại khá nhiều về cuối ngày nhờ lực cầu bắt đáy hoạt động mạnh.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 21,28 điểm, tương đương 0,86% xuống 2.465,42 điểm.
Mức thuế quan của Mỹ, bao gồm thuế 25% đối với hàng hóa Hàn Quốc đã đè nặng lên nền kinh tế định hướng xuất khẩu của quốc gia này.
Đáp lại, Quyền Tổng thống Han Duck-soo kêu gọi các cuộc đàm phán với các quan chức Mỹ và ra lệnh hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp để giảm bớt cú sốc.
Kết thúc phiên 4/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 955,35 điểm (-2,75%), xuống 33.780,58 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 21,28 điểm (-0,86%), xuống 2.465,42 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng chạy đua tăng vốn
Năm 2025, nhiều ngân hàng lên kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ..>> Chi tiết
- Sau cơn mưa trời lại sáng
Động thái tăng thuế quan đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao ngoài dự đoán của chính phủ Mỹ đã gây ra phản ứng thái quá của nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch 3/4. Điều này liệu có đúng?..>> Chi tiết
- Khối ngoại rút vốn không ảnh hưởng đến nâng hạng thị trường
Tại họp báo thường kỳ quý I/2025 của Bộ Tài chính chiều 3/4, trả lời câu hỏi của báo chí về tình trạng khối ngoại rút vốn mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý I/2025 có ảnh hưởng đến kế hoạch nâng hạng thị trường hay không, ông Hà Duy Tùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) xác nhận có tình trạng khối ngoại bán ròng khối lượng lớn thời gian qua..>> Chi tiết
- Canada tuyên bố áp thuế đối với ôtô của Mỹ
Thủ tướng Canada Mark Carney tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế quan có mục tiêu đối với ôtô sản xuất tại Mỹ..>> Chi tiết