
Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, sau khi đón nhận thông tin mức thuế lên tới 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam.
Chỉ số VN-Index chỉ trong hai phiên cuối tuần đã giảm sốc hơn 100 điểm, nhưng đã may mắn trở lại ngưỡng 1.200 điểm khi lực cầu bắt đáy gia tăng trong phiên ngày thứ Sáu.
Tổng cộng, kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4, chỉ số VN-Index giảm 106,79 điểm (-8,11%), xuống 1.210,61 điểm.
Mặc dù vậy, điểm nhấn tích cực là dòng tiền bắt đáy hoạt động mạnh và ghi nhận liên tiếp hai phiên giảm sâu cũng là hai phiên khớp lệnh cao kỷ lục của thị trường.
Trung bình, thanh khoản bình quân trên sàn HOSE tuần qua đạt 1.149 triệu cổ phiếu, tăng gần 46% so với tuần trước và giá trị giao dịch bình quân 27.440 tỷ đồng/phiên, tăng 46,32%.
Trên sàn HOSE, dễ dàng nhận thấy hai cái tên riêng lẻ ở nhóm khoáng sản đã lội ngược dòng thị trường là YBM và FMC, trong đó, YBM là quán quân tăng giá và bỏ xa phần còn lại khi tăng tới hơn 35%. Tác nhân giúp cổ phiếu YBM tăng mạnh một phần đến từ lực mua bắt đáy khi giảm hơn 12% trong tuần trước đó.
Ở chiều ngược lại, ảnh hưởng mạnh của hai phiên cuối tuần đã khiến nhiều cổ phiếu giảm mạnh, nhưng đáng kể nhất lại là tại nhóm các cổ phiếu cao su, khu công nghiệp khi có tới một nửa trong số 10 mã giảm mạnh nhất góp mặt là DPR, GVR, PHR, TRC, SIP.
Trong khi đó, hai cổ phiếu lớn ngành hóa chất cũng chịu sức ép lớn và giảm sâu là CSV và DGC.
Theo sau là tập hợp nhiều cổ phiếu khác ở các nhóm bất động sản, phân bón, bất động sản, tiêu dùng, vận tải, xuất nhập khẩu, dệt may quen thuộc với khối lượng giao dịch luôn ở mức cao trên sàn như NTL, KBC, DHC, DBC, QCG, MSN, VOS, IDI, CKG, BCM, TCM, HTN, CMS, VRC, FRT với mức giảm từ gần 15% đến hơn 17%.
![]() |
Trên sàn HNX, hai cổ phiếu ngành khoáng sản BKC và KSV ngược dòng thị trường, với BKC được mua bắt đáy mạnh sau khi đã mất hơn 12% trong tuần trước đó. Thậm chí, mã này có 4 trên 5 phiên tăng kịch trần và phiên còn lại tăng hơn 8,7%.
Trong khi đó, cổ phiếu KSV, mã có vốn hóa lớn nhất sàn cũng có diễn biến gần như tương tự, khi có 3 trên 5 phiên giao dịch tăng kịch trần, hai phiên còn lại tăng 0,3% và 8,1%.
Trái lại, khá nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ có tính đầu cơ cao, vốn có khối lượng khớp lệnh tương đối cao trong các phiên đã chịu ảnh hưởng của hai ngày cuối tuần và giảm mạnh như DTD, PVC, GKM, TIG, PV2, DTD.
![]() |
Trên UpCoM, hai cổ phiếu ngành khoáng sản là MGC, KCB cũng cho thấy sức bật mạnh, đi kèm thanh khoản cải thiện dù không quá lớn trong các phiên giao dịch.
Trong khi đó, tân binh gần đây là MBT đã bị bán mạnh với 4 trên 5 phiên giảm sàn, sau khi đã tăng hơn 94% trong tuần trước đó, dù thanh khoản chỉ dừng lại ở mức thấp.
![]() |