Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 6/4 giảm 50.000 so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã tăng trở lại 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 47,10 – 48,12 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua Mỹ tăng 16,8 USD lên 1610,2 USD/ounce, sang phiên châu Á sáng nay, vàng nới đà đi lên và vọt lên trên 1.640 USD/ounce, trước khi hạ nhiệt nhẹ về gần 1.636 USD/ounce vào cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,1% lên 100,68 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 6/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.234 đồng, giảm 5 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.350 - 23.530 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,11 USD (-3,91%), xuống 27,23 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,26 USD (-3,69%), xuống 32,85 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index có phiên giao dịch bùng nổ
Trong phiên sáng, dòng tiền tham gia mạnh dạn ngay từ sớm giúp sắc xanh lan tỏa, VN-Index tăng vọt hơn 25 điểm, vượt mốc 725 điểm.
Tâm lý hưng phấn tiếp tục tiếp tục dâng cao trong phiên, với lực cầu chảy mạnh vào nhóm bluechip đã kéo hàng loạt mã tăng trần. Đây cũng là động lực chính đưa VN-Index lên mức cao nhất của ngày, tăng gần 35 điểm.
Nhóm VN30 chỉ còn duy nhất VJC đứng giá tham chiếu, còn lại đồng loạt đều tăng, trong đó có tới 18/30 mã khoác áo tím như VHM, VIC, BID, CTG, TCB, MSN, BVH, HPG…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, hàng loạt mã quen thuộc khác như ROS, FLC, HAG, LDG, DXG, HHS, DRH… cũng kết phiên trong sắc tím.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 23,65 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 697,47 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 6/4: VN-Index tăng 34,95 điểm (+4,98%), lên 736,75 điểm; HNX-Index tăng 5,41 điểm (+5,53%), lên 103,26 điểm; UPCoM-Index tăng 1,2 điểm (+2,43%), lên 50,33 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Số liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Sáu cho thấy, trong tháng 3, lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ giảm tới 701.000 việc làm do ảnh hưởng của dại dịch Covid-19, chấm dứt chuỗi 113 tháng liên tục tăng trưởng của thị trường lao động.
Con số này, cùng với số liệu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của tuần trước lên tới 6,65 triệu đơn, nâng tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 2 tuần qua lên tới mức kỷ lục 9,96 triệu đơn, tương đương với mức đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu tiên khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2007 - 2009 xảy ra.
Những dữ liệu trên đã khiến giới đầu tư bị sốc, khiến phố Wall quay đầu giảm hơn 1,5% trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 3/4, chỉ số Dow Jones giảm 360,91 điểm (-1,69%), xuống 21.052,53 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 38,25 điểm (-1,51%), xuống 2.488,65 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 114,23 điểm (-1,53%), xuống 7.373,08 điểm.
Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng mạnh
Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh, được thúc đẩy bởi sự chậm lại của số ca tử vong và các trường hợp nhiễm mới virus corona tại các điểm nóng toàn cầu như New York và Ý.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 4,24% lên 18.576,30 điểm. Chỉ số Topix rộng hơn tăng 3,86% lên 1.376.30 điểm, nhưng thanh khoản chỉ ở mức 2,7 nghìn tỷ Yên (24,7 tỷ USD), thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình động 20 ngày qua là 3,54 nghìn tỷ Yên.
Thị trường Tokyo dường như đã không bị ảnh hưởng bỏ dữ thất nghiệp làm gây sốc của Mỹ. Số lượng các trường hợp nhiễm và tử vong do virus corona - đó là những gì thị trường quan tâm nhất hiện nay, Masahiro Ichikawa, chiến lược gia cao cấp của Sumitomo Mitsui Asset Management cho biết.
Thông tin khiến thị trường cảm thấy đôi chút bấn an là việc nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp ngay từ ngày mai, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, sau khi số ca nhiễm đã lên tới 1.000 chỉ riêng ở Tokyo.
Cổ phiếu đáng chú ý nhất vẫn là Fujifilm Holdings Corp, khi tăng 7% lên mức cao kỷ lục, sau khi Reuters và các phương tiện truyền thông khác cho biết Nhật Bản đang lên kế hoạch tăng cường dự trữ thuốc chống cúm Avigan – một loại thuốc được phát triển bởi Công ty con của Fujifilm đang được thử nghiệm để điều trị Covid-19 tại Trung Quốc.
Chứng khoán Trung Quốc nghỉ giao dịch ngày Tết Thanh Minh.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,21% lên 23.749,12 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,7% lên 9.652,31 điểm.
Thị trường Thành phố được kích thích bởi thông tin trong ngày cuối tuần trước của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết, đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng nhỏ và vừa, qua đó “giải phóng” khoảng 400 tỷ NDT (56,38 tỷ USD) để góp phần hỗ trợ nền kinh tế trong nước đang chịu tác động của dịch COVID-19.
Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng mạnh trở lại và leo lên mức cao nhất kể từ ngày 16/3, cũng nhờ được hỗ trợ từ việc số lượng ca nhiễm mới Covid-19 và tử vọng tại Châu Âu và Hoa Kỳ chậm lại.
Kết thúc phiên 6/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 756,11 điểm (+4,24%), lên 18.576,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 513,01 điểm (+2,11%), lên 23.749,12 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 66,44 điểm (+3,85%), lên 1.791,88 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Đơn xin giãn, hoãn nợ của các cá nhân dồn dập gửi về ngân hàng
Không chỉ doanh nghiệp, hàng chục ngàn cá nhân vay vốn ngân hàng cũng có nguy cơ rơi vào nợ xấu, vì thu nhập của người dân sút giảm hoặc mất việc do “bão” Covid-19. Đơn xin giãn, hoãn nợ của các cá nhân dồn dập gửi về ngân hàng..>> Chi tiết
- Dòng tiền lớn tạm không tháo chạy
Xu hướng thị trường vẫn là giảm và chiến lược vẫn là Short (Bán). Tuy nhiên, điểm khó ở thời điểm hiện tại là độ lệch quá lớn (hơn 35 điểm) khiến cho hành động Short cũng trở nên rất khó khăn..>> Chi tiết
- Dấu hiệu chu kỳ khủng hoảng 10 năm xuất hiện
Nỗi ám ảnh về một chu kỳ suy thoái kinh tế 10 năm đã xuất hiện ngay những tháng đầu năm 2020 khi thị trường tài chính quốc tế liên tục chứng kiến những biến động mạnh mẽ nhất kể từ sau cuộc đại khủng khoảng 2008-2009..>> Chi tiết
- Cổ phiếu dầu khí bật tăng theo giá dầu
Xu hướng giá dầu và chứng khoán vẫn bấp bênh, nhưng tín hiệu tích cực gần đây cho thấy, nhiều cổ phiếu “họ” dầu khí có cơ hội bật trở lại..>> Chi tiết
- Nga sẽ giảm 10% sản lượng dầu với điều kiện Mỹ tham gia thỏa thuận
Bloombeg trích dẫn nguồn tin trong ngành hôm 5/4 cho biết, Nga sẽ cắt giảm 10% sản lượng dầu của nước này, với điều kiện Mỹ cũng tham gia thỏa thuận..>> Chi tiết