Thị trường phi nhân thọ: Số hóa mở rộng tiềm năng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tốc độ số hóa cao tại Việt Nam đang mở thêm những tiềm năng mới của lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, hút sự quan tâm của các nhà bảo hiểm ngoại.
Tiềm năng của mảng bảo hiểm trực tuyến tại Việt Nam hấp dẫn các nhà bảo hiểm ngoại Tiềm năng của mảng bảo hiểm trực tuyến tại Việt Nam hấp dẫn các nhà bảo hiểm ngoại

Tiềm năng bảo hiểm doanh nghiệp và trực tuyến

Hai năm trước, thời điểm dịch chưa bùng phát, một hãng bảo hiểm đến từ Đức đã đánh tiếng và có những động thái đầu tiên thể hiện việc sẽ sớm bước chân vào thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến kế hoạch bay sang Việt Nam thực địa kỹ hơn thị trường bị tạm hoãn lại. Song, tham vọng gia nhập thị trường bảo hiểm còn nhiều tăng khai thác như Việt Nam vẫn chưa được hãng bảo hiểm trên từ bỏ.

Mới nhất, một hãng bảo hiểm đến từ châu Á với thế mạnh là bảo hiểm tín dụng cũng muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam, khi đang là đối tác của một trong những công ty bảo hiểm có thị phần lớn nhất nhì thị trường. Được biết, hãng bảo hiểm nước ngoài này đang xúc tiến kế hoạch tìm hiểu thị trường, phương án và thời điểm thích hợp để thành lập doanh nghiệp cũng như chiến lược tiếp cận các khách hàng mới bên cạnh tệp khách hàng hiện hữu qua phương thức B2B (Business to Business - hình thức kinh doanh, buôn bán sản phẩm, dịch vụ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp)…

Tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, mặc dù 2 nghiệp vụ bán lẻ là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe đang mang lại sự tăng trưởng cao nhất trên tổng doanh thu của khối phi nhân thọ, nhưng các nghiệp vụ này không phải mục tiêu các hãng bảo hiểm ngoại hướng đến, mà bảo hiểm tín dụng rủi ro thương mại, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh và bảo hiểm trực tuyến mới là yếu tố hấp dẫn.

Thực tế, mảng bảo hiểm trực tuyến tại Việt Nam đang đi chậm hơn so với các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... Kênh phân phối tại các nước này đã hoàn toàn mở rộng dịch vụ bảo hiểm trực tuyến cách đây 5-7 năm, không chỉ các thao tác mua bảo hiểm online, bồi thường online, mà giấy chứng nhận điện tử cũng đã được chấp nhận rộng rãi. Tiềm năng khai thác lớn chính là lý do khiến nhiều hãng bảo hiểm ngoại với lợi thế về nguồn lực tài chính và công nghệ muốn thâm nhập sâu hơn vào mảng này.

Với phân khúc bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp, theo báo cáo Những thị trường đầy hứa hẹn năm 2021 của Atradius, Việt Nam là một trong số ít quốc gia tạo cơ hội cho các nhà đầu tư và xuất khẩu, đồng thời nằm trong số hiếm hoi quốc gia trên thế giới tăng trưởng dương trong năm 2020 và được công nhận là nước vượt trội hơn trong khu vực về xuất khẩu.

Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát Thực tiễn thanh toán cho Hoa Kỳ của Atradius năm nay cũng cho thấy, gần một nửa số doanh nghiệp tại thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ghi nhận sự suy giảm trong thực tế thanh toán của khách hàng, với khoảng 50% hóa đơn B2B bị thanh toán trễ và 8% là nợ xấu được xóa sổ, một tỷ lệ cao hơn nhiều so với báo cáo của các nước khác trong khu vực. Điều này có nghĩa là có ít hơn 50% doanh nghiệp có kế hoạch nội bộ để tự gánh chịu các khoản nợ xấu (cách tiếp cận nhiều rủi ro hơn tình trạng khó khăn vốn có).

Đại dịch Covid-19 ập tới và đến nay chưa được khống chế hoàn toàn, vì thế rủi ro ảnh hưởng dịch vẫn hiện hữu đối với các doanh nghiệp, đây chính là môi trường thuận lợi để các loại hình bảo hiểm rủi ro phát triển. Một báo cáo của Allianz Risk Barometer 2021 cho thấy, có một số rủi ro lớn liên quan đến Covid-19 phản ánh các kịch bản gián đoạn và tổn thất tiềm tàng mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt, trong đó có rủi ro gián đoạn kinh doanh.

Cơ hội chia đều

Được biết, Allianz - tập đoàn bảo hiểm Đức - đang có kế hoạch mở rộng sự hiện diện của mình tại khu vực châu Á. Hồi đầu năm 2019, khi chia sẻ kế hoạch tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam thông qua một liên doanh kỹ thuật số (JV) được thành lập với sự hợp tác của Tập đoàn FPT, đại diện Allianz cho biết, bên cạnh tập trung phân phối sản phẩm qua các kênh trực tuyến nhằm mang đến nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng, đặc biệt sẽ tập trung vào sản phẩm bảo vệ sức khỏe để giải quyết nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đang tăng cao của người Việt, hãng cũng sẽ theo đuổi chiến lược mở rộng để tiến vào thị trường P&C (tài sản và thiệt hại).

Không chỉ các nhà đầu tư mới “nhòm ngó”, các nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu cũng muốn gia tăng tầm ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam. Đơn cử, Tập đoàn DB của Hàn Quốc muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI) sau 6 năm làm cổ đông chiến lược. Cơ hội đến với DB khi trong thời gian tới, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sẽ phải thoái vốn khỏi PTI theo quy định. Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản xác nhận việc cho phép cổ đông nước ngoài được tăng tỷ lệ cổ phần tại PTI lên mức tối đa 100%.

Được biết, VNPost hiện nắm giữ khoảng 22% cổ phần PTI và nếu mua được hết số cổ phần này, DB sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên khoảng 59%. Theo đại diện DB, sau khi gia tăng tỷ lệ sở hữu, cổ đông lớn này sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ thông tin, kỹ năng quản trị cho PTI và nghiên cứu đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới.

DB hiện là tập đoàn lớn thứ 2 về bảo hiểm xe cơ giới và dẫn đầu về bảo hiểm trực tuyến tại thị trường Hàn Quốc. Ngoài Việt Nam, hãng bảo hiểm này còn mở rộng mạng lưới chi nhánh tại nhiều nước trên thế giới.

Khác với nhân thọ, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện là “sân chơi” riêng của hơn 30 doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, trong đó khoảng 54% thị phần (tính đến thời điểm tháng 8/2021) nằm trong tay các doanh nghiệp thuộc nhóm đầu gồm Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, PTI, Bảo hiểm Bảo Minh (MBI) và Bảo hiểm Petrolimex (PJICO - PGI), giảm từ mức 63% cách đây 5 năm.

Cũng trong thời gian này, thị trường chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp tốp dưới như VBI, ABIC, VBI, BSH, Samsung Vina, VNI, VASS… Với chiến lược phát triển linh hoạt của các doanh nghiệp nhóm dưới, cộng thêm sự gia nhập của các “tân binh” nước ngoài, giới quan sát cho rằng, miếng bánh thị phần của các doanh nghiệp dẫn đầu sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong thời gian tới.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục