Tăng trưởng 2 con số lĩnh vực phi nhân thọ: Mục tiêu xa tầm với

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đợt bùng phát dịch Covid kéo dài khiến mục tiêu tăng trưởng 2 con số của lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đã xa tầm với.
Dịch bệnh diễn biến kéo dài tác động tiêu cực tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp khối phi nhân thọ. Ảnh: Dũng Minh Dịch bệnh diễn biến kéo dài tác động tiêu cực tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp khối phi nhân thọ. Ảnh: Dũng Minh

7 tháng, doanh thu phí tăng 7,8%

Theo thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến hết tháng 7/2021, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.710 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu nhìn vào tình hình thị trường hiện tại và sự tăng trưởng của nền kinh tế thời gian qua thì mức doanh thu khối phi nhân thọ đã đạt được trong 7 tháng qua vẫn khả quan, mức tăng này cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (tính đến cuối tháng 7/2020, doanh thu phí thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 31.266 tỷ đồng, tăng trưởng 6%).

Tuy nhiên, khác với thời điểm năm ngoái khi dịch bệnh đã bớt căng thẳng trong những tháng cuối năm, thì trong năm nay, dự báo sẽ khó được kiểm soát ngay trong cuối quý III này.

Chưa kể, diễn biến dịch bệnh trong năm 2020 không phức tạp như năm 2021, nhưng doanh thu phí bảo hiểm của khối phi nhân thọ cũng chỉ đạt 56.347 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2019, theo số liệu của IAV.

Do đó, khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2 con số đề ra hồi đầu năm được cho là trở nên khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, nhất là khi tình hình dịch tại các thị trường trọng điểm như Hà Nội hay TP.HCM và một số địa phương khu vực phía Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Doanh thu sụt giảm ở cả 2 nghiệp vụ quan trọng

Hiện tại, 2 nghiệp vụ chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của ngành phi nhân thọ là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới (tỷ trọng doanh thu 2 nghiệp vụ này chiếm gần 60% trong tổng doanh thu) đều ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Cụ thể, theo thống kê của IAV, tính đến cuối tháng 7/2021, doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới đạt 9.573 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,4% và giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm chủ xe cơ giới đạt 2.401 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,12% và giảm 10,7%; doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 7.171 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,27% và chỉ tăng nhẹ 1,2%. Còn bảo hiểm sức khỏe đạt 9.967 tỷ đồng doanh thu phí, chiếm tỷ trọng 29,57% trong tổng doanh thu và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, dịch bệnh kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới thu nhập của người dân, mà còn tác động tới hoạt động khai thác của các đại lý bảo hiểm, khi nhu cầu dành cho các sản phẩm bảo hiểm cá nhân suy giảm.

Ngược lại, các sản phẩm bán buôn lại ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu phí khá ấn tượng, cụ thể: Bảo hiểm tài sản đạt 4.853 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 14,4% và tăng 13,7%), bảo hiểm cháy nổ đạt 4.282 tỷ đồng (tỷ trọng 12,7% và tăng 16,4%), bảo hiểm hàng hóa đạt 1.607 tỷ đồng (tỷ trọng 4,77% và tăng 23,1%), bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đạt 1.435 tỷ đồng (tỷ trọng 4,26%, tăng 17,1%)...

Theo báo cáo đánh giá doanh nghiệp ngành bảo hiểm của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong khi sản phẩm cá nhân tăng trưởng chậm lại, thì các sản phẩm bảo hiểm bán buôn sẽ vươn lên dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành nhờ hưởng lợi gián tiếp từ những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, mở rộng hoạt động thương mại, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu.

Mặc dù tăng trưởng doanh thu phí và lợi suất đầu tư ở mức thấp, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng được bù đắp phần nào nhờ tỷ lệ bồi thường tiếp tục duy trì ở mức thấp. Thống kê của IAV cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ bồi thường toàn ngành đạt 32% (tương đương 10.910 tỷ đồng và chưa bao gồm dự phòng bồi thường), thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm 2020 và cũng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Theo BVSC, việc giãn cách kéo dài ở nhiều địa phương trên cả nước có thể khiến tỷ lệ bồi thường giảm thêm trong những tháng cuối năm và ước tính tỷ lệ này cả năm 2021 sẽ ở mức 32%, từ đó tác động tích cực đến những doanh nghiệp có tỷ trọng sản phẩm bảo hiểm cá nhân cao.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục