Thị trường phản ứng kỳ vọng Fed hạ lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Dữ liệu lịch sử cho thấy, 17 lần liên tiếp Fed hạ lãi suất thì có 16 lần thị trường chứng khoán sẽ tăng trong 1 năm sau.
Việc Fed hạ lãi suất kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn Việc Fed hạ lãi suất kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn

Đo lường biến số lãi suất, tỷ giá

Bà Dương Kim Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ VCBS cho rằng, khả năng Fed hạ lãi suất có xác suất tương đối cao. Giai đoạn tháng 5/2024, khi chỉ số lạm phát của Mỹ chưa hạ nhiều, tình hình thị trường lao động của nước này vẫn tốt, nhiều người cho rằng năm nay, Fed chưa hạ lãi suất, mà lùi sang năm 2025. Nhưng từ tháng 6 đến tháng 8, thị trường lao động Mỹ có nhiều biến động theo xu hướng tiêu cực hơn, như tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, số việc làm mới giảm nhiều hơn so với kỳ vọng thị trường. Tỷ lệ số việc đi tìm người với người đi tìm việc giảm xuống còn 1,1 so với mức 1,2 trước đại dịch Covid-19. Các thông tin đều cho thấy bản thân Fed cho rằng, có lẽ đã đến lúc giảm lãi suất, không để tình trạng diễn biến xấu quá sâu, dẫn tới kinh tế suy thoái vào năm sau.

Dưới góc nhìn của ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia chiến lược đầu tư Công ty Chứng khoán SSI, quan điểm của Fed về điều chỉnh chính sách không đến từ dữ liệu đơn lẻ, mà còn chịu tác động bởi các yếu tố như tiêu dùng, sản xuất, không phải số liệu một thời điểm mà là một chuỗi. Hiện có những lo ngại hạ lãi suất sẽ khiến thị trường chứng khoán suy giảm, bởi hạ lãi suất là kết quả của suy thoái kinh tế. Vì vậy, nhà đầu tư cần phân tích kỹ khả năng suy thoái kinh tế của Mỹ có thực sự xảy ra không, xác suất là bao nhiêu, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán Việt Nam như thế nào.

Chuyên gia Phan Dũng Khánh, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim-eng cho biết, hiện nay, nhiều tổ chức, định chế tài chính trên thế giới đều chung nhận định khả năng cao Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 và tháng 11 năm nay. Những khảo sát mới nhất cho thấy 90 - 100% nhà giao dịch cho rằng Fed sẽ hành động, có điều các nhà đầu tư băn khoăn Fed sẽ hạ lãi suất 25 hay 50 điểm phần trăm.

Trước câu hỏi, nếu Fed hạ lãi suất vừa phải thì tác động tới tỷ giá, lãi suất Việt Nam và tiền gửi ngân hàng như thế nào, bà Dương Kim Anh cho rằng, thật ra, không có mối tương quan trực tiếp giữa lãi suất điều hành của Fed với lãi suất của Việt Nam, mà nó liên quan gián tiếp tới tỷ giá.

“Một tháng trở lại đây, áp lực tỷ giá USD/VND giảm căng thẳng. Tiền đồng lên giá, hay USD yếu đi là theo xu hướng chung của thế giới, nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế rằng tỷ giá thấp có nhiều lợi ích trong tăng trưởng GDP, tạo thêm công ăn việc làm ở các doanh nghiệp”, bà Kim Anh nêu quan điểm.

Ông Phan Dũng Khánh lại lưu ý một kịch bản có thể xảy ra là tỷ giá chưa chắc đã hạ nhiệt. Theo đó, nửa đầu năm nay, USD có xu hướng tăng và mới chỉ giảm trở lại từ đầu quý III và kỳ vọng Fed hạ lãi suất đã phản ánh vào chỉ số USD Index cũng như tỷ giá USD/VND, nên khi Fed giảm lãi suất, thị trường có thể phản ứng ngược trở lại.

“Cần quan sát các ngân hàng trung ương khác, như Ngân hàng Trung ương châu Âu, Thụy Sỹ, Canada, họ hạ lãi suất nhanh hơn Fed thì đồng USD tăng giá, chứ không giảm”, ông Khánh thông tin thêm.

Theo ông Khánh, thực tế là khi Fed mới đưa ra tín hiệu và thăm dò về việc giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đã hạ lãi suất rồi. Họ hạ một lần và cho biết sẽ xem xét hạ tiếp theo, không dựa theo Fed, mà dựa trên các chỉ số kinh tế. Việc các ngân hàng dừng hạ lãi suất khiến đồng USD sau khi tăng mạnh đã giảm trở lại. Có thời điểm tỷ giá USD/VND lên tới 26.000 thì hiện tại xuống quanh mức 24.000 đồng.

“Khả năng USD giảm giá sâu khó xảy ra, vì thông tin này phản ánh vào giá rồi. USD-Index hiện quanh 100 điểm, tôi quan sát là ngưỡng hỗ trợ mạnh, khó xuyên thủng. Vì thế, nhiều khả năng tỷ giá trong nước bớt nóng hơn trong thời gian tới mà thôi”, ông Khánh nhìn nhận.

Tác động đến các kênh đầu tư

Tâm lý thị trường hiện chia thành hai nhóm. Thứ nhất, Fed giảm lãi suất và tốc độ giảm là tín hiệu tích cực để Việt Nam có dư địa hạ lãi suất trong nước, thị trường chứng khoán tích cực. Thứ hai, Fed hạ lãi suất báo hiệu lo ngại về suy thoái kinh tế, Mỹ là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam, có ảnh hưởng nhiều đến thị trường trong nước, các doanh nghiệp, do đó có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Ông Phan Dũng Khánh phân tích, kỳ vọng Fed hạ lãi suất đã phản ánh nhiều vào thị trường chứng khoán Mỹ. Năm ngoái, Fed tăng lãi suất 4 lần thì chứng khoán và giá vàng lập đỉnh, nguyên nhân là các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất đã đến đỉnh, Fed sẽ giảm lãi suất nên họ nhảy vào mua cổ phiếu. Tháng trước, khả năng này rõ ràng hơn nên chứng khoán Mỹ lại lập đỉnh lịch sử, giá vàng lên đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, 10 ngày nay, chứng khoán Mỹ giảm mạnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ. Như vậy, có thể thấy, yếu tố này có thể tác động vào giá rồi.

Còn lãi suất tại Việt Nam sẽ thế nào? Theo quan điểm của ông Khánh, khả năng lãi suất hạ thêm là có, nhưng không nhiều. Năm ngoái, Fed tăng lãi suất 4 lần, Việt Nam đi ngược lại, hạ lãi suất. Từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay hạ nhẹ, lãi suất tiết kiệm tăng nhưng cũng trong biên độ nhỏ. Triển vọng là lãi suất sẽ ổn định hơn với mức độ biến động nhẹ.

Kịch bản này được ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu đồng thuận khi cho rằng, năm nay có diễn ra việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động nhưng không phải do vấn đề thanh khoản hệ thống như năm 2022, mà là tăng trưởng tín dụng ấm trở lại, kéo theo nhu cầu huy động vốn tăng lên. Fed hạ lãi suất tạo dư địa giúp chính sách tiền tệ trong nước dễ thở hơn, góp phần tạo thuận lợi cho nền kinh tế, hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Biến số ở đây là Fed hạ lãi suất từ từ, hay sẽ hạ lãi suất nhanh và mạnh. Theo bà Kim Anh, trong quá khứ, Fed từng có một số đợt hạ lãi suất rất nhanh, trong 1 tháng hạ từ 50 - 75 điểm phần trăm. Đó là giai đoạn 2007, khủng hoảng tài chính; năm 2020, đại dịch Covid. Lúc đó, toàn bộ thị trường phản ứng với việc Fed hạ lãi suất, thực tế là phản ứng với việc nền kinh tế đang xấu đi một cách nhanh chóng. Khi kinh tế suy thoái, chi tiêu giảm đi, doanh nghiệp hoạt động không tốt, lợi nhuận sụt giảm, nhà đầu tư sẽ bán tài sản rủi ro đi.

Từ góc nhìn của ông Hiếu, kịch bản này sẽ không xảy ra. Trong hơn 1 năm trở lại đây, chặng cuối của lộ trình tăng lãi suất của Fed, những thời điểm Fed công bố tăng lãi suất, thị trường chứng khoán không phản ứng quyết liệt nữa. Bởi vậy, nếu thực sự thị trường phản ánh với lo ngại suy thoái kinh tế thì đã phản ánh trước.

Nhìn lại dữ liệu lịch sử về diễn biến thị trường chứng khoán sau các lần hạ lãi suất của Fed, ông Hiếu cho biết, trong 2 lần gần nhất là vào 2007 và 2019 thì gắn với những sự kiện đặc biệt như khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19.

“Còn 17 lần liên tiếp trước đó, Fed hạ lãi suất, thì có tới 16 lần thị trường sẽ tăng trong 1 năm tiếp theo. Điều này có được nhờ kỳ vọng định giá thị trường rẻ hơn và thu nhập của các doanh nghiệp tăng lên khi lãi suất dễ chịu hơn”, ông Hiếu thống kê.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank

Tỷ giá hạ nhiệt có sự tác động không quá rõ ràng trong ngắn hạn với các kênh đầu tư ở thị trường Việt Nam, mà nó thể hiện rõ hơn ở thị trường thế giới. Ví dụ, khi tỷ giá bắt đầu hạ nhiệt thì thị trường chứng khoán trong nước đi xuống và mới hồi lên được 2 tuần nhưng vẫn bị thử thách ở mốc 1.300 điểm. Thanh khoản thị trường cũng liên tục sụt giảm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ thì liên tục lập đỉnh.

Tỷ giá hạ nhiệt có thể kỳ vọng sẽ có tác động trong trung và dài hạn tới thị trường trong nước. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp hay các nhà đầu tư kỳ vọng lớn hơn vào sự ổn định của tỷ giá, vì sự ổn định sẽ giúp họ có thể tính toán được dòng tiền.

Với kênh chứng khoán, kỳ vọng vào việc dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại dù chưa quá mạnh. Ví dụ, thanh khoản trong tháng 8 đã tốt hơn, kỳ vọng duy trì đà tăng dần đều trong các tháng cuối năm. Thứ hai, kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài giảm bán ròng và bước sang mua ròng. Bởi hiện tại, chính sách đã hỗ trợ khá tốt nhưng cần tốt hơn nữa. Còn về trung dài hạn, kinh tế đã tăng trưởng 7 tháng liên tục (chưa có số liệu tháng 8), mà kinh tế là bệ đỡ cho thị trường chứng khoán, nếu kinh tế tăng trưởng tốt thì dòng tiền cũng như sự quan tâm của nhà đầu tư sẽ trở lại với thị trường chứng khoán.

GS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính
GS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Kể từ đầu tháng 8/2024 đến nay, giá bán USD tại các ngân hàng đã giảm khoảng 427 đồng/USD, tương đương giảm 1,68%. Có được kết quả này, trước hết là do chính sách tiền tệ của chúng ta đã đi đúng hướng. Còn nhớ, thời điểm năm 2021, 2022, khi VND mất giá nhiều so với USD, một số người đề nghị phá giá VND vì cho rằng có lợi cho xuất khẩu, nhưng tôi nhận định đó chỉ là lý thuyết. Thực tế thì khi phá giá VND sẽ làm lạm phát tăng cao, trong khi Việt Nam nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, như vậy mất mát sẽ lớn hơn lợi ích.

Khi tỷ giá giảm, lĩnh vực hưởng lợi đầu tiên là nhập khẩu, do giá cả hàng hoá nhập khẩu giảm theo. Việt Nam là quốc gia nhập chủ yếu nguyên vật liệu cho xuất khẩu nên xuất khẩu cũng giảm được giá thành. Điều này rất tốt trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam đang tích cực.

Tỷ giá ổn định cũng thể hiện niềm tin đối với đồng nội tệ tăng lên, giúp Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tác động này cũng sẽ lan toả đến các lĩnh vực khác, làm tăng sức mua, tăng sức khoẻ của doanh nghiệp, giá cổ phiếu tăng, thị trường chứng khoán khởi sắc hơn…

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán Smart Invest (AAS)
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán Smart Invest (AAS)

Xu hướng giảm lãi suất của Fed trong giai đoạn tới và giá trị đồng USD đi xuống giúp ích nhiều cho nền kinh tế Việt Nam. Tỷ giá đi xuống nhanh cho thấy những vấn đề gặp phải trong nửa đầu năm có thể sẽ giảm bớt trong những tháng còn lại của năm 2024.

Cán cân tổng thể có thể dương trở lại trong giai đoạn tới. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam sẽ gia tăng dự trữ ngoại hối, từ đó, giúp tăng cung tiền M2. Do cung tiền M2 tăng chậm, dẫn tới tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm cũng chậm lại và khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn nửa đầu năm. Như vậy, việc tỷ giá giảm sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tăng cung tiền M2, để giải bài toán tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.

Trong bối cảnh đó, chứng khoán có cơ hội thành kênh đầu tư có triển vọng tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý đến một số yếu tố:

Thứ nhất, nền kinh tế Mỹ liệu có suy thoái với một số khó khăn về thị trường việc làm và lạm phát như giai đoạn vừa qua hay không. Các mô hình của Bloomberg hay của NBER (cơ quan xác nhận chính thức Mỹ bước vào suy thoái) chưa cho thấy điều này nhưng tâm lý chung của các nhà đầu tư là đang lo sợ suy thoái diễn ra.

Thứ hai, diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, diễn ra vào ngày 5/11/2024, khi các ứng viên đề xuất các chính sách thuế khác nhau trong chiến dịch vận động tranh cử. Trong đó, cựu Tổng thống Donald Trump đề xuất chính sách thuế theo hướng giảm thuế cho các doanh nghiệp lớn, còn bà Harris tuyên bố sẽ đánh thuế các doanh nghiệp lớn, dự kiến thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%, tăng thuế lãi vốn (đầu tư chứng khoán) từ 20% lên 44,6%, đặc biệt sẽ đánh thuế lãi đầu tư chưa thực hiện (từ 0 - 25%). Chính sách này nếu được thông qua sẽ làm thị trường chứng khoán Mỹ rung chuyển, bởi những người mua cổ phiếu và cầm cả chục năm như Warren Buffett sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Thứ ba, việc Fed hạ lãi suất có thể kích thích dòng vốn gián tiếp trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam - vốn đã rút ròng hơn 2,6 tỷ USD trong giai đoạn qua.

Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục