Thị trường logistics, khối nội yếu thế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đa số các doanh nghiệp logistics trong nước có vốn đăng ký dưới 440.000 USD và chưa thể hiện được vị thế “chủ nhà”.
"Khối ngoại" có sản lượng thấp hơn nhưng lại chiếm tới 75% doanh thu trên thị trường logistics. Ảnh: Shutterstock. "Khối ngoại" có sản lượng thấp hơn nhưng lại chiếm tới 75% doanh thu trên thị trường logistics. Ảnh: Shutterstock.

Báo cáo về ngành hậu cần kho bãi (logistics) Việt Nam mới đây của Savills cho thấy, trong số 3.000 công ty hậu cần kho bãi có mặt trên thị trường, 90% doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 440.000 USD, 5% có quy mô vốn từ 440.000 - 880.000 USD và 5% có quy mô vốn trên 880.000 USD.

Trong khi thị trường trong nước có sự cạnh tranh gay gắt, thị trường điều phối bởi các công ty nước ngoài chiếm sản lượng thấp hơn, nhưng lại chiếm đến khoảng 75% doanh thu.

Theo Savills, ưu thế của khối ngoại trên thị trường là khá rõ rệt. Minh chứng cho thực tế này, đầu năm 2022, nhà phát triển kho logistics quốc tế Logos Property đã liên doanh cùng Manulife Investment Management trong dự án phát triển nhà xưởng hậu cần hiện đại xây theo yêu cầu (built-to-suit) với tổng diện tích hơn 116.000 m2 và trị giá trên 80 triệu USD.

Áp lực từ khối ngoại cũng khiến khối nội phải chuyển mình, sản xuất công nghệ cao và công nghiệp sạch đang là xu hướng phát triển của ngành này. Ví dụ Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên Green Park tại Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng cảnh quan, không gian xanh, đồng thời tích hợp hệ thống quản lý thông minh 24/7. Qua đó, dự án thu hút các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất sạch, sử dụng năng lượng tự nhiên - tái tạo.

Savills đánh giá, Việt Nam đang định hướng ngành công nghiệp theo chuỗi giá trị, tập trung vào những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng lớn. Ngành công nghệ cao và sản xuất bền vững đang là những lĩnh vực thu hút và ưu tiên vốn đầu tư. Những doanh nghiệp trong lĩnh vực này thường có yêu cầu khắt khe hơn. Hoạt động của họ tại Việt Nam giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp theo hướng bền vững, cùng với sự cải thiện trong trình độ tay nghề. Những điểm này sẽ tạo ra giá trị cho ngành công nghiệp quốc nội, từ đó, đóng góp tích cực vào hoạt động xuất - nhập khẩu và nền kinh tế Việt Nam.

Trong một diễn biến khác, ngành logistics của Việt Nam đang có mức tăng trưởng đáng kể do sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, các lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử.

Theo Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu Agility công bố năm 2022, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng trong top 50 quốc gia đứng đầu. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia và Malaysia, Thái Lan, vượt lên Philippines, Myanmar và Campuchia.

Thị trường vận tải và logistics của Việt Nam ước tính sẽ phát triển với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 7% từ năm 2021 đến 2026. Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất (và thu hút đầu tư) bằng cách thành lập các khu công nghiệp và khu kinh tế. Nhờ vậy, bất chấp thách thức từ đại dịch, ngành vẫn phát triển do các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), sự tăng trưởng kinh tế, sản xuất và tiêu dùng trong nước, sự bùng nổ thương mại điện tử đã mang lại những cơ hội thực sự cho ngành.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục